| Hotline: 0983.970.780

EU 'bó tay' với vấn đề bóc lột lao động trong ngành thịt

Thứ Tư 06/10/2021 , 09:00 (GMT+7)

EU đang phải đối mặt với những lời kêu gọi cấm thuê lao động thời vụ trong ngành thịt.

Một phụ nữ Romania đến Frankfurt vào năm ngoái để làm công việc đồng áng theo mùa. Đức bắt đầu thắt chặt các quy định về hợp đồng phụ trong các nhà máy sản xuất thịt vào năm ngoái. Ảnh: DPA.

Một phụ nữ Romania đến Frankfurt vào năm ngoái để làm công việc đồng áng theo mùa. Đức bắt đầu thắt chặt các quy định về hợp đồng phụ trong các nhà máy sản xuất thịt vào năm ngoái. Ảnh: DPA.

Động thái diễn ra sau khi một cuộc điều tra của Guardian cho thấy lao động tạm thời bị các công ty vô trách nhiệm bóc lột thậm tệ.

Katrin Langensiepen, Phó Chủ tịch Ủy ban việc làm và các vấn đề xã hội của Quốc hội châu Âu, cho biết EU nên cấm lao động thời vụ trong tất cả các lĩnh vực kinh tế để đảm bảo người lao động nhận được cùng mức lương và các đãi ngộ cho cùng một công việc.

Langensiepen, thành viên Đảng Xanh của Đức, được bầu vào Quốc hội châu Âu năm 2019, cho biết “Nếu bạn thuê nhân viên làm việc cho mình, bạn phải trả tiền cho họ. Chấm hết”.

Khi được hỏi liệu EU có nên cấm ký hợp đồng lao động tạm thời hay không, bà nói: “Chúng tôi cần các tiêu chuẩn theo chuẩn mực xã hội của EU. Chúng tôi, với tư cách là Đảng Xanh, có quan điểm rất rõ ràng: Chúng tôi cần mức lương tối thiểu, thu nhập tối thiểu ”.

Cuộc điều tra của Guardian cho thấy cách các công ty thịt có thể trốn tránh trách nhiệm pháp lý về tiền lương, thời gian làm việc, tai nạn và thương tích bằng cách thuê nhân công thông qua nhiều bên trung gian, bao gồm nhà thầu phụ, người môi giới và công ty môi giới.

Tomáš Zdechovský, một nghị viên người Séc và là một Phó Chủ tịch khác của Ủy ban việc làm, cho biết ông sẽ không đòi hỏi triệt để tới mức cấm hợp đồng lao động tạm thời, nhưng cho biết các công ty phải đảm bảo tất cả người lao động đều được đối xử như nhau.

“Mặc dù chúng tôi phải cung cấp cho các công ty quyền lựa chọn sử dụng lao động tạm thời để đáp ứng các nhu cầu cụ thể phát sinh trong thời gian nhất định, chẳng hạn như trong đại dịch, EU cũng phải đảm bảo rằng các nhà thầu phụ tuân theo cùng một bộ quy tắc áp dụng cho tất cả các công nhân”, ông nói.

Claes-Mikael Ståhl, Phó Tổng thư ký của Liên minh Công đoàn châu Âu (ETUC), cho biết các vấn đề trong ngành công nghiệp thịt cũng xảy ra tương tự ở các ngành thâm dụng lao động khác, chẳng hạn như xây dựng và giao hàng thực phẩm. 

Ines Wagner, một giáo sư tại Viện Nghiên cứu Xã hội Na Uy, cho biết đã nhận thấy “những điều kiện và sự bất bình giống nhau” của những người làm trong ngành công nghiệp thịt trong quá trình nghiên cứu của bà vào năm 2015.

Kể từ đó, một số quốc gia có các quy tắc chặt chẽ hơn. Sau khi bùng phát đại dịch Covid-19 trong các nhà máy chế biến thịt lớn ở Đức, chính phủ nước này cấm lao động thời vụ trong ngành và phạt 30.000 euro với các công ty vi phạm. Tuy nhiên, lệnh cấm đối với lao động tạm thời vẫn có những kẽ hở, chẳng hạn như miễn trừ áp dụng cho các công ty nhỏ và trong mùa thịt nướng vào mùa hè trong ba năm đầu tiên khi luật có hiệu lực.

EU cũng đã thành lập Cơ quan Lao động châu Âu (ELA) có nhiệm vụ duy trì luật của EU về các tiêu chuẩn lao động và sự di chuyển của lao động.

Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Ủy ban châu Âu lúc đó, cho biết vào năm 2017: “Trong một công đoàn bình đẳng, không thể có công nhân hạng hai. Người lao động nên được trả lương như nhau cho cùng một công việc ở cùng một nơi".

Vào năm 2018, EU đồng ý sửa đổi các quy tắc về “lao động đã đăng ký” - những công dân EU được chủ thuê lao động gửi đến làm việc tại một quốc gia thành viên khác. Người lao động đã đăng ký đóng bảo hiểm quốc gia cho đất nước của họ, thay vì cho quốc gia nơi họ làm việc. Điều này cho phép người lao động từ các nước Trung và Đông Âu cung cấp dịch vụ rẻ hơn ở Tây Âu, nơi chi phí lao động cao hơn.

Lao động thời vụ đang bị ngành công nghiệp thịt bóc lột thậm tệ. Ảnh minh họa: DPA.

Lao động thời vụ đang bị ngành công nghiệp thịt bóc lột thậm tệ. Ảnh minh họa: DPA.

Số lượng lao động đã đăng ký chỉ khoảng 2 triệu người - dưới 1% lực lượng lao động, so với 17 triệu "lao động di chuyển", hoặc công dân EU sử dụng quyền sống hoặc làm việc của họ ở các quốc gia thành viên khác.

Theo quy định mới, người lao động được đăng ký chỉ có thể làm việc với mức lương thấp hơn trong một năm, sau đó họ phải được trả lương tương đương với lực lượng lao động trong nước. Tuy nhiên, vẫn tồn tại vấn đề đối với lao động được đăng ký.

Trong các bình luận gửi qua email cho Guardian, ủy viên EU về việc làm và quyền xã hội Nicolas Schmit cho biết: “Tôi thấy các báo cáo về điều kiện làm việc tồi tệ, các điều khoản không minh bạch hoặc đối xử vô nhân đạo với người lao động là hoàn toàn không thể chấp nhận được".

“Một số quốc gia đã có hành động và hạn chế điều kiện làm việc tồi tệ trong các lò giết mổ, nhưng cần thêm tiến bộ hơn nữa. Tôi kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên nỗ lực gấp đôi để đảm bảo rằng luật lao động của EU được thực thi đúng đắn bởi tất cả các công ty và trong tất cả các lĩnh vực, cũng như theo dõi các cuộc thanh tra khi cần thiết", ông bổ sung.

Các tổ chức công đoàn lo ngại rằng chính phủ các quốc gia đang phải vật lộn để duy trì và thực thi các tiêu chuẩn lao động, sau những đợt cắt giảm trên diện rộng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính.

Nghiên cứu của ETUC cho thấy các cuộc thanh tra an toàn lao động tại nơi làm việc ở EU giảm tới 1/5 kể từ 2010 , trong khi đó cũng có 1.000 thanh tra an toàn lao động bị mất việc - chiếm 7% tổng số. Mức cắt giảm sâu nhất ở Bồ Đào Nha và Malta, mỗi nơi đều giảm 55% số lần thanh tra. Ngay cả nền kinh tế lớn nhất của khối, Đức, cũng giảm 25% số cuộc thanh tra trong giai đoạn này.

ETUC cũng cáo buộc Cơ quan Lao động châu Âu đã không có hành động xử lý đối với hàng chục trường hợp bóc lột lao động vào năm ngoái, bao gồm cả không trả lượng và trả lương thấp đối với lao động di cư trong và ngoài EU.

Ståhl cho rằng thái độ đối với các quy định của thị trường lao động đang trải qua một sự thay đổi thế hệ. Những thay đổi pháp lý gần đây cho thấy quan điểm chủ yếu hiện nay là EU cần có biện pháp ngăn chặn cạnh tranh tiền lương.

Wagner cho biết chừng nào mà người lao động ở nước nghèo hoặc có lương thấp hơn còn muốn tìm kiếm mức lương cao hơn thì tình trạng bóc lột này còn tiếp tục. Người lao động sẽ chỉ thoát khỏi những công việc bóc lột, “khi không có việc làm [thêm], hoặc không được trả lương”.

(Theo Guardian)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.