| Hotline: 0983.970.780

Gã 'gàn' đồ cổ mê văn hóa Tây Nguyên hơn hết thảy và mơ ước một bảo tàng

Thứ Hai 06/02/2017 , 07:30 (GMT+7)

Sợ rằng rồi sau này, nét văn hóa Tây Nguyên sẽ dần bị mai một nên hơn 20 năm qua, anh Hưng luôn quyết tâm lưu giữ lại những giá trị truyền thống đó. Dù điều kiện kinh tế gia đình không khá giả nhưng hễ nhận thấy đồ vật gì ưa thích, anh Hưng lại tìm mọi cách, thậm chí vay mượn tiền để đưa về “bảo tàng cổ vật” nhà mình.

Hưng 'gàn' đồ cổ

Căn nhà của anh Nguyễn Văn Hưng (46 tuổi, ở thôn 6, thị trấn Chư Prông, Gia Lai) nằm sâu hun hút trong một con đường nhỏ đầy bùn đất. Thấy khách tới, anh phải loay hoay mãi mới dọn được một chỗ ngồi nhỏ trong ngôi nhà rộng chỉ chừng 60m2.

15-37-18_1
Anh Hưng giới thiệu về những cổ vật mà mình đã sưu tầm được
 

Phía bên trong, trên dưới, xung quanh nhà đều là nơi anh Hưng bày biện các loại cổ vật từ ghè ché, cồng chiêng, trống… mà suốt một thời gian dài anh dày công sưu tầm. Chính bản thân anh cũng không thể thống kê được trong ngôi nhà mình hiện tại có chính xác bao nhiêu cổ vật.

“Tôi có thể tự hào nói rằng, về những hiện vật cổ của nền văn hóa Tây Nguyên ở đây thì tôi là người sở hữu nhiều nhất cả nước”, anh Hưng cho biết.

Niềm đam mê đồ cổ của anh đã có từ lúc nhỏ. Thời còn theo đít trâu, anh thường say mê nhặt nhạnh những mảnh chỉnh, mảnh sành dưới đất, đưa về cất lại ở góc nhà.

Thời thanh niên, điều kiện tinh tế gia đình khó khăn, nỗi lo cơm áo khiến anh Hưng mất một thời gian tạm gác lại sở thích của mình. Mãi đến năm 1993, bước chân vào Tây Nguyên lập nghiệp, sống gần người đồng bào dân tộc thiểu số, anh nhận thấy người dân bản địa có rất nhiều hiện vật văn hóa đặc trưng. Đam mê trong anh lại trỗi dậy mạnh mẽ.

Khi đã ổn định cuộc sống, dù chưa thực sự đủ đầy nhưng một thời gian dài bứt rứt không yên vì không được tiếp xúc với đồ cổ, anh quyết tâm khơi lại niềm đam mê đã thấm vào máu. Là một người con đất Bắc vào vùng đất xa lạ, điều đầu tiên anh làm là tìm hiểu phong tục tập quán của người dân tộc thiểu số trong vùng - điều chứa đựng rất nhiều thứ mà anh biết sau này mình cần đến.

“Hiện vật đầu tiên tôi sở hữu là một cái ché. Năm đó, một già làng dặn con cháu rằng khi mất thì hãy chôn bộ ché theo. Hay tin, tôi tức tốc đến nhà thuyết phục ông giữ lại, còn không thì bán lại cho tôi. Mất một thời gian dài nài nỉ, ông cũng đồng ý để lại nhưng đòi phải đổi con bò to béo. Tôi dắt con bò của nhà đến để đổi, ông không đồng ý mà đòi đi chọn con khác. Tôi đưa ông đi khắp làng, ông chọn lấy con to khỏe, tôi đành phải mượn tiền mua con đó cho ông”, anh Hưng tâm sự.

Cứ như thế, hễ nghe tin ở nơi nào có những cổ vật giá trị, anh Hưng lại lặn lội tìm đến thuyết phục gia chủ để lại cho mình. Nhiều lúc trong người không có đồng nào nhưng vì niềm đam mê, anh lại chạy vạy khắp nơi, hết vay mượn của anh em, rồi hàng xóm mua cho bằng được mới thôi. Nhiều người thấy vậy còn cười bảo không biết anh Hưng có bị gàn dở gì không mà đưa mấy thứ đó về nhà, chẳng được ích gì cả.
 

Mơ ước một bảo tàng

Nói về niềm đam mê của chồng, chị Hà Thị Thúy (vợ anh Hưng), cho biết: “Anh ấy còn quý đồ cổ hơn cả vợ con cơ đấy. Có khi con cái quấy khóc cũng chẳng thèm lo nhưng nghe cổ vật ở đâu có người bán là chạy đến xem liền. Cả học phí cho con, anh cũng tạm gác lại để lấy tiền mua đồ cổ. Nhiều khi nhà dột, vợ con thì tìm chỗ trốn cho khỏi ướt, còn anh ấy thì đem áo mưa đi che cho từng cổ vật. Ban đầu tôi cũng bực lắm, nhiều lần cãi nhau với chồng nhưng mãi về sau rồi cũng xuôi theo. Thấy không có được đồ mình thích, anh ấy lại buồn rũ rượi, nhìn cũng thương rồi đành chiều theo cái đam mê gàn dở ấy”.

15-37-18_2
Căn nhà rộng 60m2 của anh Hưng chủ yếu là để những cổ vật đặc trưng của văn hóa Tây Nguyên

 

Cứ mỗi lần thấy đồ vật gì anh yêu thích mà không có được, anh lại tiếc hùi hụi. “Như năm 2005, ở huyện Chư Sê, có một nông dân đào được con dao bằng đá ở thời kỳ đồ đá. Lúc đó, tôi đã tìm đến mua nhưng bị tay “săn đồ cổ” lắm tiền hớt tay trên. Sau đó một năm, tự nhiên tay “săn đồ cổ” lại tìm đến nhà tôi và bán lại với giá sáu triệu đồng, tôi mừng như bắt được vàng. Giá trị của con dao đá này tương đương với sáu tạ cà phê nhân lúc bấy giờ chứ không phải ít”, anh Hưng nhớ lại.

Đến nay, bộ sưu tập của anh Hưng rất đồ sộ với 18 bộ cồng chiêng, hàng chục ghè ché, và rất nhiều cung tên, đao, kiếm cổ. Ngoài những cổ vật gắn với văn hoá, lịch sử của người bản địa, anh còn sở hữu rất nhiều cổ vật bằng đồ đá như rìu, bàn mài, chày đá đến những mũi tên đá…

Nói về những dự định sắp tới, khi số hiện vật của anh sở hữu đã quá tải so với sức chứa của căn nhà, anh Hưng tính đến chuyện đưa đồ cổ đi trưng bày: “Bây giờ, tôi đang xin UBND huyện để mở một nhà bảo tàng về văn hóa Tây Nguyên. Tại đó, tôi sẽ trưng bày hàng chục nghìn hiện vật mà tôi có về mảnh đất Tây Nguyên này để cho người dân có nơi tham quan, tìm hiểu”.

Ông Phan Xuân Vũ - Giám đốc Sở VH-TT&DL Gia Lai, cho biết: “Tôi đã nghe chuyện anh Hưng dày công sưu tầm hiện vật văn hóa về trưng bày. Về góc độ quản lý nhà nước, tôi khuyến khích và đánh giá cao các thành phần (cá nhân, doanh nghiệp…) sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn hóa. Vì thế, việc sưu tầm của anh Hưng là đáng khen, đáng hoan nghênh”.

Cũng theo ông Vũ, có nhiều tiêu chuẩn cũng như điều kiện để mở bảo tàng tư nhân. Nếu anh Hưng có ý thành lập bảo tàng tư nhân thì nên tìm hiểu xem có đảm bảo quy định hay không. Nếu đảm bảo, ngành Văn hóa sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ về mặt thủ tục tối đa cho anh Hưng.

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất