| Hotline: 0983.970.780

Gần 100 hộ dân mua đất nhưng không được cấp giấy chứng nhận

Thứ Năm 16/06/2022 , 08:56 (GMT+7)

Quảng Trị Chính quyền buông lỏng quản lý. Thôn cắt đất bán. Dân nộp tiền; xây dựng nhà cửa… nhưng hàng chục năm nay chịu phận ăn nhờ, ở đậu.

Trưởng thôn cắt đất bán, dân lãnh đủ

Bà Nguyễn Thị Thảo mua đất của thôn, xây dựng nhà cửa từ năm 2001 nhưng đến nay vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ảnh: Võ Dũng.

Bà Nguyễn Thị Thảo mua đất của thôn, xây dựng nhà cửa từ năm 2001 nhưng đến nay vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ảnh: Võ Dũng.

Hàng chục hộ dân thôn Tân Thuận, xã Tân Lập phảnh ánh, giai đoạn từ năm 2000-2002, trưởng thôn Tân Thuận đã cắt đất, mỗi lô rộng 20 m, sâu 50m, bám tuyến QL 9D bán cho dân. Mỗi hộ dân mua đất nộp cho trưởng thôn 500 nghìn đồng, biên lai thu tiền là giấy viết tay, nội dung ghi: Phiếu tạm thu, về khoản cấp đất gia cư.

Trong số này, có nhiều hộ có nhu cầu cho con cái, người thân ra ở riêng. Vì vậy, sau khi nhận được đất, 11 hộ gia đình đã xây dựng nhà cửa, ăn ở ổn định.

Ông Trần Văn Kế, nguyên trưởng thôn Tân Thuận cho biết, năm 2003, UBND huyện Hướng Hóa thông báo cho người dân làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ). Trong số này có một số hộ đã làm các thủ tục và được cấp GCN QSDĐ.

Tuy nhiên, ngày 11/5/2006, UBND huyện Hướng Hóa ra Quyết định số 225/QĐ-UBND thu hồi toàn bộ GCN QSDĐ này với lý do đây là đất đã được quy hoạch Khu dịch vụ - Du lịch làng Vây. Theo quyết định, các hộ dân bị thu hồi đất sẽ được thoái thu tiền sử dụng đất đã nộp và được ưu tiên xét giao lại đất sau khi thực hiện xong quy hoạch san nền khu dân cư và cắm mốc chỉ giới đường giao thông khu vực theo quy hoạch Khu dịch vụ - Du lịch làng Vây.

Thế nhưng, kể từ ngày quyết định 225 ra đời, những người có quyền lợi và chịu ảnh hưởng từ quyết định này vẫn chưa được nhận sự bù đắp xứng đáng. Họ chưa được nhận lại tiền cũng như không được bố trí đất ở mới.

Do nằm trong quy hoạch Khu dịch vụ - Du lịch làng Vây, các hộ dân được thông báo không xây dựng mới hoặc cơi nới nhà cửa, chờ Nhà nước thu hồi. Những hộ đã xây dựng nhà cửa thì nơm nớp lo không biết khi nào Nhà nước sẽ thu hồi đất.

Bà Nguyễn Thị Thảo, một trong những hộ đã “mua” đất của thôn, xây nhà ở từ hàng chục năm nay cho hay, con trai bà hiện đang trong quân ngũ. Khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, con bà có ý định xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, với việc đất mua không được cấp GCN QSDĐ, bà không biết sẽ lấy gì thế chấp để vay ngân hàng.

Còn ông Võ Văn Hùng, một hộ dân đã xây dựng nhà kiên cố trên đất được thôn bán cho biết, do ở đây không nằm trong vùng quy hoạch khu dân cư nên không có hệ thống điện, nước phục vụ dân sinh. Người dân đang ở trong khu vực này hết sức khổ sở.

“Xã, thôn bán thì chúng tôi mua, nộp tiền đàng hoàng chứ làm sao biết được như thế là đúng hay sai. Đây là vùng nước vôi nên giếng khơi, giếng khoan không thể sử dụng. Các hộ dân này phải câu móc điện và mua nước từ thôn khác về dùng, rất bất tiện. Dự án Khu dịch vụ - Du lịch làng Vây được quy hoạch từ năm 2005 nhưng đến nay không triển khai. Nhà nước nên trả lại đất và cấp GCN QSDĐ để người dân yên tâm làm ăn, ổn định cuộc sống” – ông Hùng cho hay

Trưởng thôn bán đất cho dân và biên lai thu tiền chỉ là một giấy viết tay. Ảnh: Võ Dũng.

Trưởng thôn bán đất cho dân và biên lai thu tiền chỉ là một giấy viết tay. Ảnh: Võ Dũng.

Một số hộ sau khi mua được đất của thôn đã bán lại bằng giấy tờ trao tay cho một hộ khác. Tuy nhiên, những hộ mua đất hiện nay cũng rơi vào tình cảnh giở khóc dở cười.

“Cách đây ít năm, tôi mua lại một lô đất trong diện này, đến khi hạ nền đất thì xã ngăn lại mới biết là đất nằm trong vùng quy hoạch. Giờ bỏ vào đó cả một đống tiền rồi, không được sử dụng, tiền cũng không lấy lại được”, ông Đoàn Quang Thiên, một người mua đất ở đây cho hay.

Đừng để quýt làm, cam chịu

Ông Trần Văn Kế, nguyên Trưởng thôn Tân Thuận cho biết, giai đoạn 2000 - 2007, ông là phó thôn còn ông Lê Văn Tú là trưởng thôn. Việc bán đất cho dân để dân tách hộ là chủ trương của UBND xã Tân Lập. Để cắt đất giao cho dân, cả thôn và xã cùng đi đo và bàn giao thực địa. Còn số tiền thu được, theo ông Kế, thôn sử dụng vào việc xây dựng các công trình phúc lợi.

Gần 100 hộ dân thôn Tân Thuận ăn nhở ở đậu trên chính mảnh đất do mình bỏ tiền ra mua. Ảnh: Võ Dũng.

Gần 100 hộ dân thôn Tân Thuận ăn nhở ở đậu trên chính mảnh đất do mình bỏ tiền ra mua. Ảnh: Võ Dũng.

Theo ông Kế, giai đoạn 2000 - 2001, thôn đã cắt 40 lô đất để bán cho dân, thu mỗi hộ 500 nghìn đồng. Đến năm 2012, khi ông Kế làm trưởng thôn, thôn Tân Thuận còn bán cho 53 hộ dân nữa tại vùng đồi nghĩa trang, biên lai chép tay ghi là đất ở. UBND huyện Hướng Hóa thiết kế sơ đồ các lô đất; UBND xã Tân Lập làm hồ sơ và cùng đi giao đất cho dân. Mỗi hộ nhận đất nộp cho thôn 300 nghìn đồng. Số tiền này cũng được dùng vào mục đích xây dựng các công trình phúc lợi của thôn.

Như vậy, theo lời ông Kế, giai đoạn 2000 - 2012, thôn Tân Thuận đã cắt 93 lô đất bán cho dân nhưng hiện nay đều không thể cấp GCN QSDĐ.

“Người dân đề nghị được cấp GCN QSDĐ là nhu cầu chính đáng. Thời điểm đó, xã có chủ trương thì thôn mới làm được như vậy. Nếu Nhà nước không triển khai Dự án Khu dịch vụ - Du lịch làng Vây thì đề nghị cho người dân được làm GCN QSDĐ”, ông Kế phân tích.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Nhuận, Chủ tịch UBND xã Tân Lập khẳng định, đến năm 2012 thì không thể có chuyện xã, thôn phân lô, bán nền cho người dân. Còn giai đoạn 2000-2002, có thể là hợp tác xã căn cứ vào nhu cầu của người dân để cấp đất vừa ở vừa sản xuất cho dân. Còn chuyện người dân có nộp tiền cho thôn hay không thì ông không biết. Vì đất nằm trong vùng quy hoạch nên khi người dân xây dựng hoặc cơi nới nhà cửa, xã đã nhiều lần phải lập biên bản. Tuy nhiên, thực tế vẫn có một số hộ xây dựng mới.

“Thời điểm 2000 - 2002, tôi đang làm bí thư đoàn thanh niên. Xã chưa bao giờ xen vào chuyện đất của thôn Tân Thuận và cũng không có chủ trương chia đất cho dân như thế. Trước việc người dân đã ăn ở ổn định nhưng không có hệ thống điện, nước trong khi Dự án Khu dịch vụ - Du lịch làng Vây treo nhiều năm nay, UBND xã Tân Lập cũng đã nhiều lần có tờ trình gửi huyện, xin tỉnh điều chỉnh quy hoạch. Nếu thu hồi đất của dân thì phải có chính sách bồi thường, tái định cư thỏa đáng”, ông Nhuận cho hay.

Theo ông Vương Viết Thắng, Phó phòng Tài nguyên và môi trường huyện Hướng Hóa, ngày 15/8/2005, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành Quyết định 1862/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu dịch vụ - Du lịch làng Vây. Tuy nhiên, sau đó, dự án kéo dài không triển khai, các xã Tân Lập, Tân Long đều có tờ trình gửi huyện xin lại đất để giao cho người dân sản xuất.

Ông Trần Văn Kế, nguyên trưởng thôn Tân Thuận xác nhận với PVNNVN về việc cắt đất bán cho dân theo chủ trương của UBND xã Tân Lập. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Trần Văn Kế, nguyên trưởng thôn Tân Thuận xác nhận với PVNNVN về việc cắt đất bán cho dân theo chủ trương của UBND xã Tân Lập. Ảnh: Võ Dũng.

Trước nhu cầu đất thổ cư của người dân, trong quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030, UBND huyện Hướng Hóa đã đưa diện tích đất nói trên vào quy hoạch khu dân cư.

“Năm 2019, UBND huyện Hướng Hóa có tờ trình gửi UBND tỉnh Quảng Trị xin điều chỉnh quyết định 1862. Sau đó, UBND tỉnh Quảng Trị giao Sở Xây dựng chủ trì, tham mưu tỉnh xứ lý sự việc nhưng không hiểu sao đến nay vẫn chưa có quyết định điều chỉnh, chắc là đang có vướng mắc gì đó. Nếu chủ đầu tư không triển khai dự án thì đề nghị trả lại đất để địa phương sử dụng. Còn nếu dự án vẫn triển khai thì phải có chính sách thỏa đáng với dân”, ông Thắng cho hay.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.