Cung sạt lở của núi Dìn Phàng có chiều dài khoảng 200m, ngay phía dưới là quốc lộ 4, đoạn chạy qua trung tâm thị trấn Si Ma Cai (Lào Cai). Hiện có khoảng 40 hộ dân sinh sống, bám mặt đường quốc lộ này, thuộc tổ dân phố Phố Thầu và Dìn Phàng của thị trấn.
Từ triền núi xuống đến phía sau những nhà dân đã xuất hiện nhiều vết nứt chằng chịt. Chỉ cần dẫm nhẹ chân những mảng đất đã bở ra và lăn xuống phía dưới.
Ông Đinh Trọng Tú ở tổ dân phố Phố Thầu, thị trấn Si Ma Cai, có nhà tiếp giáp khu vực sạt lở cho hay, từ ngày đến đây ở, tôi lúc nào cũng lo lắng vì không biết sạt sụt xảy ra lúc nào, rất nguy hiểm. Mỗi lần mưa, gió to, gia đình tôi chủ động chuyển ra gần cửa để có chuyện gì thì còn kịp chạy ra ngoài. Thấp thỏm, mất ngủ cả đêm. Gia đình tôi không có điều kiện di chuyển nơi ở, nên thôi, đành chấp nhận cuộc sống, bám mặt đường để làm ăn. Tôi mong chính quyền sớm triển khai biện pháp làm sao cho dân ở an toàn.
Khi nắng thì bụi mù mịt, khi mưa nước chảy theo các vết nứt thành dòng cuốn theo đất đá đổ dồn dập xuống nhà dân. Chưa hết, bùn đất tràn ra lòng đường quốc lộ 4 gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Không giấu nổi sự lo lắng, ông Trần Khắc Thanh sinh sống ở khu vực này hơn 10 năm nay, nhưng chưa có ngày nào cảm thấy yên tâm.
"Tôi ở bên này đường, nhưng khu vực sạt từ trên cao nên không thể nói trước được điều gì. Khi mưa to thì nước ở trên tràn xuống, dòng nước rất lớn, như một con sông, mang theo nhiều đất đá rất nguy hiểm. Chỉ 5 phút mưa xuống, tắc cống, nước không kịp thoát, đất đá phun tràn ra ngoài đường nhìn mà khiếp sợ. Tôi mong muốn nhà nước làm sao giải quyết được tình trạng này", ông Trần Khắc Thanh nêu nguyện vọng.
Sạt lở, địa chất đứt gãy khiến hệ thống thoát nước, thủy lợi bằng bê tông trên núi Dìn Phàng đứt gãy nhiều đoạn, những công trình này không còn tác dụng. Song việc đảm bảo an toàn cho người dân trước nguy cơ sạt lở mới là điều cấp thiết lúc này.
Theo ông Ngải Seo Sáng, Chủ tịch UBND thị trấn Si Ma Cai, những năm trước khu vực này đã sạt lở nhưng năm nay mưa nhiều, lượng lớn đất đá đã sạt xuống, càng ngày càng lớn. Khu vực sạt lở đe doạ nhà cửa, tài sản, tính mạng của người dân và việc đi lại trong thị trấn.
Trước thực trạng trên, UBND thị trấn Si Ma Cai đã báo cáo lên UBND huyện để tìm kiếm giải pháp khắc phục, đảm bảo không để xảy ra những sự cố đáng tiếc trong thời gian tới.
Thống kê sơ bộ, có khoảng 40 hộ dân trong diện bị ảnh hưởng sạt lở. Trong đó, khoảng 10 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp vì có nhà nằm sát chân núi Dìn Phàng.
Cho đến nay, UBND huyện Si Ma Cai đã mời các cơ quan chức năng của tỉnh Lào Cai đến khảo sát, đánh giá mức độ sạt lở để có giải pháp xử lý. UBND huyện Si Ma Cai đã đề nghị với tỉnh Lào Cai sớm bố trí nguồn kinh phí khắc phục điểm sạt lở trên bởi ngân sách của huyện rất hạn hẹp.
"Chúng tôi nhận thức rõ vấn đề này và đã tìm các vị trí để làm khu tái định cư, bố trí di chuyển những hộ có nhà trong khu vực sạt lở, không chỉ ở Dìn Phàng. Tuy nhiên, do nguồn lực của huyện còn hạn chế nên chúng tôi tổng hợp báo cáo tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với huyện sớm giúp các hộ dân có chỗ ở an toàn", ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Si Ma Cai nhấn mạnh.
Trước mắt, trước mỗi mùa mưa bão, huyện chỉ đạo các ban ngành đoàn thể, các lực lượng chức năng liên quan hỗ trợ vận động hơn chục hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp di dời, sơ tán ra khỏi vị trị nguy hiểm. Sau khi mưa xong thì mới về ổn định cuộc sống.