| Hotline: 0983.970.780

Gần 70.000 tỷ đồng phát triển sâm Việt Nam

Thứ Tư 15/06/2022 , 18:29 (GMT+7)

Sâm Việt Nam rất cần có những định hướng, chính sách cụ thể, thiết thực nhằm hướng tới việc nâng cao giá trị và phát huy hiệu quả bền vững hơn.

Định hướng đường dài

Ngày 15/6, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo về việc xây dựng chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030 và định hướng 2045.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, sâm Việt Nam là loại dược liệu quý, hiếm với những công dụng đặc biệt mà ít loài cây dược liệu khác có được. Đến thời điểm hiện nay, một số địa phương đã nuôi trồng, phát triển sâm, trong đó chủ yếu là sâm Ngọc Linh như tỉnh Quảng Nam và Kon Tum với diện tích hơn 6.000ha. Hoạt động gây trồng, phát triển sâm bước đầu đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, cải thiện hạ tầng, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Tại Quảng Nam, diện tích trồng sâm Ngọc Linh hiện nay ngày càng được mở rộng. Ảnh: L.K.

Tại Quảng Nam, diện tích trồng sâm Ngọc Linh hiện nay ngày càng được mở rộng. Ảnh: L.K.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cũng đã tập trung chế biến, đa dạng hóa sản phẩm mở rộng thị trường tiêu thụ sâm. Tuy nhiên, việc gây trồng, chế biến, tiêu thụ sâm nhìn chung vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh như thiếu quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu, thiếu nguồn giống đảm bảo chất lượng, thiếu cơ sở sơ chế biến sâu, công tác quảng bá, xúc tiến, xây dựng thương hiệu còn hạn chế.

Nhằm nâng cao giá trị cho cây sâm Việt Nam, trên cơ sở văn bản của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng “Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030 và định hướng 2045”, tháng 4 vừa qua, Bộ NN-PTNT đã có văn bản gửi Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng 8 tỉnh về việc đánh giá, tổng kết dự án/chương trình trong suốt thời gian qua và xây dựng Chương trình sâm đến năm 2030.

Theo đó, chương trình có 6 dự án thành phần gồm: Điều tra, đánh giá, phân vùng bảo tồn sâm gắn với bảo vệ, phát triển rừng; Phát triển vùng nguyên liệu gây trồng, phát triển sâm tập trung; Nghiên cứu, phát triển, chọn giống; Thúc đẩy chế biến, kinh doanh các sản phẩm sâm Việt Nam bền vững và toàn diện theo chuỗi giá trị; Xây dựng phát triển thương hiệu, quảng bá thị trường, xúc tiến thương mại; Phát triển hạ tầng vùng trồng sâm gắn với phát triển hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi. Nhu cầu vốn dự kiến gần 70.000 tỷ đồng.

Chương trình phát triển sâm Việt Nam với mục tiêu xây dựng và phát triển sâm Việt Nam thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia gắn liền với sử dụng bền vững tài nguyên rừng trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, tăng thu nhập cho người làm rừng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; bảo đảm quốc phòng an ninh.

Đến năm 2030, cả nước sẽ có khoảng 200.000ha sâm tự nhiên trong rừng tự nhiên phân bố chủ yếu ở các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Nghệ An, Lai Châu và Lào Cai gắn với bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Hình thành vùng nguyên liệu trồng sâm tập trung tại các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai và tỉnh Lai Châu với diện tích 27.000ha. Trong đó, diện tích sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam, Kon Tum và Gia Lai là 25.900ha, sâm Lai Châu là 800ha.

Chương trình cũng hướng đến mục tiêu cung cấp được tối thiểu 80% giống cây sâm Việt có chất lượng đạt chuẩn, được kiểm soát nguồn giống gốc, hợp pháp phục vụ sản xuất đại trà. Trong đó có ít nhất 50% cây giống được nhân từ mô nhằm tạo ra đột phá mới về năng suất, chất lượng sản phẩm.

Theo ông Vũ Thành Nam, Phó vụ trưởng Vụ quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ (Tổng Cục Lâm nghiệp), với diện tích sâm tại nước ta đến năm 2030 thì sản lượng khai thác sẽ đạt khoảng 500 - 700 tấn đảm bảo chất lượng được phân cấp rõ ràng, đạt tiêu chuẩn GMP - WTO. Đồng thời, có ít nhất 5 cơ sở hoặc nhà máy sơ chế và chế biến sâu sâm Việt Nam đạt tiêu chuẩn GMP - WTO; có 50 - 100 sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao; trong đó có sản phẩm có thương hiệu trên thị trường thế giới.

“Bên cạnh đó, chương trình cũng sẽ từng bước hoàn thiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển ngành hàng sâm Việt Nam; hoàn thiện chính sách đồng bộ về tổ chức sản xuất và các giải pháp khuyến khích phát triển ngành hàng sâm Việt Nam nhằm thu hút, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào nghiên cứu chọn tạo giống, trồng và chế biến, kinh doanh các sản phẩm sâm Việt Nam một cách hiệu quả và bền vững”, ông Nam nói.

Còn nhiều vướng mắc

Theo đại diện các tỉnh có diện tích trồng sâm, thời gian qua, chính quyền các tỉnh này đã có những cơ chế, chính sách để bảo tồn, phát triển giống gốc, tạo ra nguồn giống sâm đáng kể cung ứng cho người dân và doanh nghiệp sản xuất. Việc phát triển sâm một cách bền vững dựa trên cơ sở sử dụng hiệu quả tiềm năng, lợi thế đặc thù về điều kiện tự nhiên kinh tế và xã hội.

Để từng bước gia tăng giá trị cho cây sâm, các địa phương cũng đã định hướng phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường, gắn sản xuất nguyên liệu với tiêu thụ sản phẩm cũng như khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư. Từ đó hình thành nên các nhóm hộ, tổ liên kết cũng như doanh nghiệp sản xuất, chế biến. Mỗi năm, diện tích trồng sâm ở các địa phương cũng không ngừng tăng lên.

Mặc dù vậy, việc đầu tư và phát triển cây sâm ở các địa phương hiện nay cho thấy vẫn còn vấp phải những khó khăn, vướng mắc. Như tại tỉnh Kon Tum, có hơn 50% diện tích quy hoạch phát triển sâm Ngọc Linh nằm trong khu vực bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng. Do đó, việc phát triển sâm Ngọc Linh còn nhiều hạn chế vì Luật Lâm nghiệp 2017 không cho phép tác động vào rừng đặc dụng.

Ngoài ra, công tác quản lý chất lượng sâm Ngọc Linh, nhất là việc xác định về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng, nhiều sản phẩm sâm giả đã xuất hiện trên thị trường đã làm ảnh hưởng đến danh tiếng, thương hiệu của loại cây này. Thêm nữa, vón đầu tư để phát triển sâm Ngọc Linh cũng rất lớn, để đầu tư trồng với diện tích 1ha ước tính kinh phí lên đến hàng tỷ đồng nên người dân không đủ tiền đầu tư.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Liên, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh thì khi được gọi là "quốc bảo", cây sâm Ngọc Linh không còn chỉ là một đối tượng cây trồng đơn thuần trong danh mục trồng trọt của ngành nông nghiệp nữa, mà nó phải trở thành một đối tượng đặc biệt, được đối xử đặc biệt và được bảo vệ đặc biệt.

Giá trị của cây sâm Ngọc Linh đã được khẳng định trong nhiều năm trở lại đây. Ảnh: L.K.

Giá trị của cây sâm Ngọc Linh đã được khẳng định trong nhiều năm trở lại đây. Ảnh: L.K.

Thế nhưng, hiện nay cây sâm Ngọc Linh mới chỉ đang được khai thác như một đối tượng kinh tế chứ chưa được nhìn nhận như một "quốc bảo" mang trong mình sứ mệnh chuyên chở hàm lượng tri thức bản địa, sự hội tụ đa dạng sinh học tinh hoa đất trời nước Nam và vô vàn câu chuyện văn hóa gắn với sự sinh tồn của giống cây dược liệu vô cùng quý giá này.

Vì vậy, cần bảo tồn nguồn gen giống gốc sâm Ngọc Linh bản địa không bị lai tạp. Trước khi mở rộng vùng trồng mở rộng vùng chỉ dân địa lý của cây sâm Ngọc Linh cần phải xây dựng một hồ sơ lý lịch tư pháp và sinh học đặc biệt được số hóa và mã hóa cho cây sâm Ngọc Linh. Nhanh chóng xây dựng một chiến lược thương hiệu quốc gia cho sâm Ngọc Linh, khuyến khích và đầu tư nguồn lực nhà nước cho việc ra đời những siêu phẩm chiết xuất, chế biến từ Sâm Ngọc Linh có giá trị và công dụng vượt trội để giá trị được nâng cao hơn.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đề nghị Tổng cục Lâm nghiệp tiếp tục khảo sát, phối hợp với các đơn vị khác cũng như tham vấn các Bộ, ngành nhằm hoàn thiện chương trình phát triển sâm Việt Nam. Ảnh: L.K.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đề nghị Tổng cục Lâm nghiệp tiếp tục khảo sát, phối hợp với các đơn vị khác cũng như tham vấn các Bộ, ngành nhằm hoàn thiện chương trình phát triển sâm Việt Nam. Ảnh: L.K.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, trong những năm qua, dù ít dù nhiều thì chúng ta đã hình thành được quy trình công nghệ để phát triển cây sâm, thu hút được các doanh nghiệp vào đầu tư, sản xuất, chế biến và tạo nên những sản phẩm có giá trị. Đây là bước khởi đầu, là tín hiệu tốt để thôi thúc chúng ta có 1 quy trình thực sự bài bản hơn.

“Việc xây dựng Chương trình phát triển sâm Việt Nam không phải dễ, đặc biệt là đối với đối tượng sâm. Đây chỉ là bước đầu, còn rất nhiều việc phải làm. Do đó, tôi đề nghị Tổng cục Lâm nghiệp tới đây phải đi thực tiễn ở các địa phương khảo sát chi tiết các vấn đề như giống, thu hoạch, chế biến, bảo quản để đưa vào các tiểu dự án, hợp phần.

Về nguồn vốn, chính sách phải sát, phải thật, không bày ra nhiều, dài trải. Đồng thời, phải hình thành nhóm hoạt động gồm các đơn vị của Bộ NN-PTNT và mời cả Bộ Y tế tham gia. Thêm nữa là phải tham vấn Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để có sự đồng thuận, ủng hộ, và xây dựng chương trình mang tính khả thì để trình Thủ tướng phê duyệt”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người dâng giọt mật cho đời

Nghề làm mật mía đã nuôi sống mấy thế hệ trong gia đình lão Nhạc. Tuy nhiên, lão vẫn lo một ngày nào đó nghề cha ông sẽ bị thất truyền.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất