Gần đây, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện các hình ảnh gạo Séng Cù có màu xanh (Séng Cù xanh) và được đăng bán với giá khá cao.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ở vùng cao, bà con thường sử dụng các loại lá để tạo màu cho gạo có màu sắc bắt mắt sau khi được nấu thành cơm, xôi. Và để tạo ra màu xanh thì gạo Séng Cù có thể được phối trộn với bột lá nếp tươi hoặc khô khi xay xát. Loại gạo này không để được lâu, dễ mốc nếu không được bảo quản đúng cách.
Hiện tại Lào Cai chưa có cơ sở, cá nhân nào đăng ký nhãn hiệu cũng như công bố về chất lượng sản phẩm loại gạo Séng Cù được phối trộn màu bởi loại gạo này cần phải qua khâu kiểm nghiệm của cơ quan chức năng.
Ông Hà Ngọc Đạt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Lào Cai cho biết, 'đặc trưng gạo séng cù Lào Cai có kiểu hình hạt dài thóc phơi hạt gạo có màu trắng trong, nếu thóc sấy hạt gạo có màu trắng ngà.
Chi cục cũng như Phòng NN-PTNT/Kinh tế các huyện chưa cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm nào cho cơ sở chế biến gạo Séng Cù "xanh". Trong khi, theo quy định tại Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn Quy chuẩn kỹ thuật thì hàng hóa trước khi lưu thông trên thị trường phải áp dụng hệ thống quản lý nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm do mình sản xuất phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Công bố tiêu chuẩn áp dụng và ghi nhãn theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hoá. Tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến quá trình sản xuất...
Vì vậy, đối với người tiêu dùng cần lựa chọn những sản phẩm có bao bì nhãn mác hoàn chỉnh được công bố chất lượng và chứng nhận đảm bảo chất lượng, mua tại các cửa hàng uy tín.
Hiện nay, Chính phủ đang sửa đổi Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong đó bổ sung hình thức xử lý đối với các vi phạm bán hàng qua mạng'.
Được biết, gạo Séng Cù được trồng ở huyện Bát Xát hoặc Mường Khương của Lào Cai là loại gạo tẻ được rất nhiều tín đồ ẩm thực đi du lịch Lào Cai lựa chọn mua về làm quà. Mặt khác, vì số lượng hạn chế nên gạo Séng Cù được giá hơn gạo tẻ thông thường.
Cũng theo ông Hà Ngọc Đạt, diện tích lúa Séng Cù của tỉnh Lào Cai được nhân dân trồng chủ yếu vào vụ xuân và vụ mùa trên địa bàn 2 huyện Bát Xát và Mường Khương.
Trong vụ xuân, huyện Bát Xát canh tác 495,6ha, năng suất 58 tạ/ha, sản lượng 2.874 tấn; huyện Mường Khương canh tác 160 ha, năng suất đạt 54 tạ/ha, sản lượng 864 tấn;
Vụ mùa, huyện Bát Xát canh tác 899,63 ha, năng suất ước đạt 53 tạ/ha, sản lượng 4.767 tấn; huyện Mường khương canh tác 390ha, năng suất đạt 53tạ/ha, sản lượng ước đạt 2.067 tấn.
Đặc biệt, xã Mường Vi (huyện Bát Xát, Lào Cai) là địa phương duy nhất của tỉnh thực hiện cả cánh đồng cùng cấy một giống lúa đặc sản Séng Cù. Sản phẩm gạo Séng Cù đã đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh. Vùng nguyên liệu này có 63 hộ cấy lúa Séng Cù, tại 5 thôn: Lâm Tiến, Ná Ản, Ná Rin, Cửa Cải và Làng Mới.
Toàn bộ diện tích trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, tạo ra sản phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, góp phần giúp người dân tăng thu nhập, yên tâm sản xuất, giữ gìn giống lúa của địa phương. Và hạt gạo Séng Cù chỉ có màu trắng trong hoặc trắng ngà như đã nêu trên.
Trên địa bàn tỉnh Lào Cai có hơn 100 cơ sở xay xát, chế biến gạo Séng Cù. Một số cơ sở được biết đến như: Hợp tác xã Kinh doanh tổng hợp Mường Khương, Hợp tác xã Tiên phong Mường Vi, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Lào Cai, Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Tiên Phong…