Mô hình trồng lúa Séng Cù tại Lào Cai |
Vừa qua, tại thành phố Lào Cai, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) và Cty CP Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh phối hợp với Sở NN-PTNT Lào Cai tổ chức hội nghị triển khai mô hình "Liên kết sản xuất lúa gạo đặc sản và áp dùng công nghệ cao hướng tới tiêu chuẩn hữu cơ" tại 4 tỉnh, thành phố phía Bắc gồm Lào Cai, Hà Nội, Điện Biên, Yên Bái.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, GĐ Sở NN-PTNT Lào Cai nhấn mạnh: Sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã và đang là xu thế tất yếu trong giai đoạn hiện nay, khi mà các địa phương trong cả nước nỗ lực tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng chuỗi sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và gia tăng giá trị.
Tại Lào Cai, sản xuất hữu cơ được triển khai từ rất sớm trên một số cây trồng như chè, rau, lúa… Đặc biệt, những năm qua, ngành nông nghiệp mời được các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất tại các địa phương trong tỉnh, một số chuỗi đã hình thành và phát triển như chuỗi gạo Séng Cù, chuỗi tương ớt, chuỗi cá nước lạnh…
Tuy nhiên, các sản phẩm này diện tích chưa nhiều, chất lượng chưa đồng đều, thị trường tiêu thụ không ổn định. Ngành nông nghiệp Lào Cai sẽ lựa chọn giới thiệu một số vùng có thể sản xuất lúa gạo hữu cơ để Công ty Cổ phần Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh triển khai thí điểm và mở rộng. Dự kiến từ nay đến năm 2020, Lào Cai triển khai các cánh đồng lúa an toàn hướng tới sản xuất lúa gạo hữu cơ đạt khoảng 10% diện tích canh tác, tương đương 2.000ha.
Theo ông Tuấn, để mô hình liên kết sản xuất lúa gạo đặc sản được triển khai đúng tiến độ và đạt hiệu quả, Cty CP Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh có kế hoạch triển khai cụ thể đến các địa phương, như lộ trình xây dựng vùng sản xuất lúa gạo an toàn, hữu cơ; phương thức liên kết, thu mua sản phẩm; quy cách sản phẩm và trách nhiệm của các bên liên quan…
Năm 2018, Cty Bảo Minh sẽ liên kết sản xuất thí điểm tại Lào Cai 105ha lúa đặc sản, trong đó 30ha lúa Séng Cù, 30ha lúa Japonnica, 10ha nếp cẩm, 10ha lức Huyết rồng, 5ha nếp Thẩm Dương.