| Hotline: 0983.970.780

Đánh thức mùa vàng ở thung lũng Mường Vi

Thứ Năm 12/11/2020 , 07:20 (GMT+7)

Núi non ở Mường Vi không chỉ hùng vĩ, đẹp mà những ưu ái của thiên nhiên ban tặng cho nơi còn giúp nơi này có được sản vật nổi tiếng - gạo Séng Cù.

Cánh đồng lúa ở Mường Vi. Ảnh: Q.K

Cánh đồng lúa ở Mường Vi. Ảnh: Q.K

Khởi nghiệp từ vùng đất lúa

Mường Vi nằm cách trung tâm huyện Bát Xát (Lào Cai) hơn 20km, được bao bọc xung quanh là những dãy núi đá vôi trùng điệp. Vùng đất này nằm ở độ cao 800m so với mặt nước biển nên khí hậu quanh năm mát mẻ và con suối vắt ngang qua triền núi là nguồn nước chính cho bà con nơi này trồng cấy.

Hầu hết diện tích lúa Séng Cù được trồng dọc theo thung lũng Mường Vi và đây cũng là vựa lúa lớn nhất của huyện Bát Xát. Với phương thức canh tác cổ truyền có từ ngàn xưa của bà con người Dáy, người Dao đã tạo cho gạo Séng Cù hương vị rất đặc trưng, đậm đà, thơm ngọt và có hàm lượng dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe…

Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Mường Vi, chị Phạm Thị Hảo hiểu được giá trị của gạo Séng Cù nơi đây cùng với sự vất vả của bà con để trồng ra được hạt lúa. Tuy nhiên, khi lớn lên chị phải xa Mường Vi để học tập và công tác ở một nơi khác, song trong thâm tâm, chị luôn muốn làm một việc gì đó góp sức phát triển đặc sản của quê hương.

“Khi trở về quê, tôi thấy tiềm năng của gạo Séng Cù dồi dào mà đầu ra khó khăn, bà con bị thương lái ép giá. Cùng với sự trải nghiệm và hiểu biết nhiều năm ở ngoài nên tôi quyết định nghỉ nhà nước về xây dựng thương hiệu cho quê mình với mục tiêu giới thiệu gạo Séng Cù Mường Vi cho nhiều người biết đến nhằm tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho bà con”, chị Hảo cho biết.

Để làm được việc này, chị quyết định thành lập HTX Nông nghiệp Hảo Anh với vốn điều lệ 3 tỷ đồng. HTX khép kín trong sản xuất từ trồng, xay xát gạo cung cấp cho người tiêu dùng; tấm sử dụng để nấu rượu; cám, bỗng rượu dùng chăn nuôi lợn, gà; chấu dùng ủ phân cung cấp cho bà con trồng rau sạch...

Chị Phạm Thị Hảo (giữa) và những cá nhân được khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong đợt thi đua 'Phụ nữ Lào Cai khởi nghiệp sáng tạo'. Ảnh: P.H

Chị Phạm Thị Hảo (giữa) và những cá nhân được khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong đợt thi đua "Phụ nữ Lào Cai khởi nghiệp sáng tạo". Ảnh: P.H

Mới đây, chị Phạm Thị Hảo đã được UBND tỉnh Lào Cai tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong tổng kết đợt thi đua "Phụ nữ Lào Cai khởi nghiệp sáng tạo" giai đoạn 2018-2020. Sản phảm gạo Séng Cù Mường Vi của HTX nông nghiệp Hảo Anh được chứng nhận OCOP.

Ổn định đầu ra cho bà con nông dân

Theo chị Hảo, gạo Séng Cù Mường Vi hướng tới những người tiêu dùng là nhân viên văn phòng, viên chức. Họ là những người có yêu cầu tương đối về gạo từ chất lượng đặc biệt là về an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn gốc gạo…

“Người tiêu dùng hiện nay rất quan tâm chất lượng, mức an toàn của hạt gạo sau đó mới là giá cả. Vì vậy, họ thường chọn mua gạo tại siêu thị, cửa hàng gạo thương hiệu, đại lý gạo uy tín. Chính vì vậy, phải tạo dựng thương hiệu gạo Séng Cù Mường Vi chất lượng cao, trở thành một trong những đặc sản nổi tiếng của tỉnh Lào Cai không chỉ dừng lại ở việc “nghe nói”, mà người tiêu dùng còn được “nhìn” và thưởng thức”, chị Hảo nói.

Để làm được điều này, HTX áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, khép kín từ khâu trồng trọt đến xay xát chế biến ra thành phẩm đối với gạo Séng Cù. Đặc biệt là từ bao bì, người tiêu dùng có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, tránh mua phải hàng giả, hàng nhái… Ngoài ra, quy trình trồng và sản xuất đều có giấy chứng nhận của VietGAP. Song song đó, HTX liên kết từ những nhà bán lẻ lớn để tiêu thụ sản phẩm với giá cả và chất lượng sản phẩm ổn định.

Tuy nhiên, để thực hiện HTX gặp không ít khó khăn. Theo chị Hảo, rào cản lớn nhất đối với HTX nhỏ mới khởi nghiệp là thị trường ở các thành phố lớn, sản phẩm chịu nhiều sức ép cạnh tranh từ khoảng 100 doanh nghiệp kinh doanh cùng ngành nghề. Còn với những thị trường khác, có thể tiêu thụ và chiếm được tình cảm của người tiêu dùng thì phải chịu chi phí vận chuyển, chi phí bán hàng rất lớn.

Vì vậy, để mở rộng thị trường, HTX phải đầu tư mua sắm máy móc thiết bị cải tiến kỹ thuật, mua sắm phương tiện vận tải để vận chuyển sản phẩm đến phân phối cho thị trường...

Mặc dù khó khăn trước mắt còn nhiều, song theo chị Hảo hiện nay, mục tiêu ban đầu là đưa thương hiệu gạo Séng Cù Mường Vi vươn xa đã phần nào đạt được. HTX chủ động được vùng nguyên liệu, nhất là việc đã giải quyết công ăn việc làm ổn định cho bà con. Thóc Séng Cù bà con trồng ra, HTX đã hợp đồng thu mua luôn cao hơn của thương lái. Ngoài ra, HTX cũng cung cấp phân bón giống để bà con gieo trồng đúng quy trình đảm bảo hạt thóc hạt gạo có hàm lượng dinh dưỡng tốt nhất…

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.