Ông Phu có hơn 4,5ha mặt nước nuôi cá tra, lớn nhất trong 10 hộ thực hiện chuỗi liên kết Tafishco. Chục hộ này là điển hình nuôi cá giỏi của tỉnh An Giang, danh sách tham gia dự án thí điểm chuỗi liên kết được UBND tỉnh phê duyệt. Họ có ao, kinh nghiệm và vốn đáp ứng ít nhất 30% nhu cầu.
Ông Phu đã trải 30 năm nuôi cá, vốn gần 10 tỷ đồng. Tham gia chuỗi, ông đăng ký sản lượng mỗi vụ 1.500 tấn nhưng thực hiện luôn vượt; quy định nuôi 7 tháng thì 6 tháng đã có cá giao.
Tỷ phú nuôi cá tra Nguyễn Văn Phu khoác túi đi trên vỉa hè để tìm người giúp đỡ thoát khốn cảnh
“Chính vì có kinh nghiệm nuôi cá mà tôi lại mắc kẹt trong chuỗi khi Tafishco thực hiện không đúng quy định”, ông Phu than thở.
Quy định của chuỗi: một chu kỳ vay vốn 10 tháng, gồm 7 tháng nuôi và 3 tháng Tafishco chế biến xuất khẩu. Ông Phu nuôi 6 tháng hoặc ít hơn đã có cá giao, nhưng thời gian hoàn vốn vay từ Tafishco lại phải sau 10 tháng, như thế một số tháng nuôi vụ mới ông phải lo vốn (ngân hàng chỉ cho vay mới sau khi hoàn vốn vay cũ). Lại bị Tafishco nợ thì ông càng khó khăn.
Văn bản xác nhận công nợ giữa đại diện Tafishco với ông Phu lập ngày 7/12/2016 cho biết, từ ngày 2/6 đến 15/11/2016, Tafishco nhận cá 11 lần, nợ hơn 38 tỷ đồng. Sau khi vợ chồng chủ Tafishco biến mất, ngày 18/11/2016, đại diện Tafishco mở kho sản phẩm phi-lê cá tra đông lạnh trả cho các hộ nuôi cá để giảm nợ; ông Phu được trả 390 tấn, quy ra tiền hơn 14 tỷ đồng. Trừ số tiền này, Tafishco còn nợ ông Phu gần 24.053 triệu đồng.
Ông Phu nghẹn ngào: Nông dân nuôi cá khi tham gia chuỗi rất mừng vì có đầu ra ổn định nhưng kết cục lại phải lấy nợ bằng phi-lê đông lạnh, tìm mối bán khó vô cùng, lỗ hơn 30%. Về vốn, tham gia chuỗi được vay tiền đủ mua thức ăn nuôi cá cũng phấn khởi nhưng khi Tafishco thiếu nợ lớn thì thành tai họa.
Từ tháng 6/2016, Tafishco bắt đầu nợ nhiều tiền cá của ông Phu, không kịp thời hoàn vốn vay thì định mức vay 25 tỷ đồng của ông ở ngân hàng cũng hết. Tuy nhiên, Trung tâm Chuỗi liên kết của Tafishco còn cung cấp thức ăn nuôi cá cho ông đến ngày 10/8/2016. Sau ngày đó, ông Phu kể, ông phải xoay xở nhiều nguồn để có tiền mua thức ăn nuôi cá. Tính ra, những tháng cuối năm 2016, ông Phu phải lo vốn nuôi cá nhưng cá thu hoạch vẫn bán cho Tafishco.
Chiều 14/3, tại trụ sở Agribank An Giang, nhiều quan chức ngân hàng làm việc với ông Phu. Biên bản buổi làm việc cho biết, đến ngày 14/3, ông Phu dư nợ Agribank An Giang hơn 20.426 triệu đồng “để nuôi cá tra theo mô hình chuỗi liên kết với Tafishco”. Bên cạnh, Tafishco nợ tiền cá của ông Phu gần 24.053 triệu đồng; trong đó, hơn 4.900 triệu đồng “trong chuỗi liên kết”, còn gần 19.153 triệu đồng “ngoài chuỗi liên kết”.
Theo nguyên tắc ưu tiên xử lý nợ chuỗi liên kết của UBND tỉnh An Giang, nợ trong chuỗi được cấn trừ với nợ Agribank An Giang; thì ông Phu còn nợ ngân hàng 15.526 triệu đồng và bị Tafishco nợ tiền cá gần 19.153 triệu đồng. Ông Phu kêu lên: “Cho rằng tôi nuôi ngoài chuỗi sao nhiều tháng qua, ngân hàng không đòi nợ tôi, chỉ khi giải quyết chuỗi mới nói vậy?”. Thực tế quá trình nuôi như vừa nêu trên, trong năm 2016, ông Phu chỉ nuôi cá trong chuỗi liên kết.
Nhưng hồ sơ xuất hiện “ngoài chuỗi”, ông Phu giải thích, do bà chủ Tafishco khi nợ quá nhiều tiền cá của ông, sợ ông rời bỏ chuỗi nên một số hợp đồng nhận cá không ghi rõ trong chuỗi để trả nhanh một ít tiền cho ông có vốn duy trì nuôi cá. Khi vợ chồng chủ Tafishco biến mất thì ông Phu lâm nạn.