Người dân Thủ đô phải hứng từng chút nước sạch. |
Liên quan đến sự cố người dân Thủ đô gánh chịu nước bẩn từ Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà - Viwasupco, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam 2 tháng đối với ba đối tượng Nguyễn Chương Đại, Hoàng Văn Thám và Lý Đình Vũ để điều tra tội "gây ô nhiễm môi trường" theo quy định tại khoản 2 điều 235 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo lời khai ban đầu, ngày 6/10 hai đối tượng Nguyễn Chương Đại và Hoàng Văn Thám được đối tượng Lý Đình Vũ thuê lái xe tải đi từ Bắc Ninh đến công ty gạch, gốm sứ Thanh Hà tại thị xã Phú Thọ, Phú Thọ lấy chất thải, bơm vào 10 thùng chứa với tổng dung tích khoảng 10m3, sau đó chở chất thải lên địa bàn xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến (huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình) tiến hành đổ chất thải.
Đó là khởi điểm phát sinh các hệ lụy tiếp theo. Ngày 9/10, người dân phát hiện việc đổ trộm dầu thải trên đường liên xã Hợp Thịnh. Qua kiểm tra và điều tra, cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình xác định có dầu thải bị đổ trộm vào đầu nguồn nước của Nhà máy nước sông Đà. Ngày 10/10, người dân tại khu vực Tây Nam Hà Nội phát hiện nước sinh hoạt do có mùi lạ khó chịu.
Sau sự cố, thành phố Hà Nội đã khuyến cáo người dân không ăn, không uống nước nhiễm dầu và cung cấp miễn phí nước sạch trong khi Viwasupco tạm ngừng cấp nước để súc xả tuyến ống truyền tải. Ngày 16/10, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để làm rõ hành vi gây ô nhiễm môi trường.
Ba đối tượng đổ dầu thải gây ô nhiêm ngườn nước của Nhà máy nước sạch sông Đà, có động cơ gì và làm theo lệnh ai? Đoàn kiểm tra liên ngành của Cục Cảnh sát môi trường - Bộ Công an đã phối hợp với các lực lượng chức năng làm việc với Công ty Cổ phần gốm sứ Thanh Hà (có trụ sở đóng tại Phú Thọ) là nơi cung cấp dầu thải cho các nghi can.
Theo nội dung biên bản và kết quả kiểm tra thực tế cũng như hồ sơ do Công ty Gốm sứ Thanh Hà cung cấp, có thể khẳng định đơn vị này quản lý chất thải nguy hại (dầu thải) không đúng quy định. Mặc dù, Công ty gốm sứ Thanh Hà có kho lưu giữ chất thải nguy hại riêng biệt, có dán biển cảnh báo theo quy định, tuy nhiên không đưa các téc dầu thải và các thùng dầu thải vào kho để quản lý mà lại lưu giữ tại kho vật tư, phục vụ việc tái sử dụng trong quá trình sản xuất gạch.
Một sai phạm khác của Công ty gốm sứ Thanh Hà đó là đã chuyển giao chất thải nguy hại (dầu thải) cho tổ chức, cá nhân không có chức năng xử lý chất thải nguy hại theo quy định. Cụ thể, Công ty Cổ phần gốm sứ Thanh Hà đã chuyển giao 8,830kg dầu thải cho Nguyễn Chương Đại, Hoàng Văn Thám và Lý Đình Vũ mang đi xử lý. Công ty Gốm sứ Thanh Hà cũng không ký hợp đồng, không thẩm định tư cách pháp nhân và chức năng của đơn vị tiếp nhận chất thải nguy hại trước khi chuyển giao.
Đây không phải là lần đầu tiên Công ty Gốm sứ Thanh Hà có biểu hiện xem thường tác hại của chất thải với môi trường chung. Năm 2016, Công an tỉnh Phú Thọ đã từng có quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty cổ phần gốm sứ Thanh Hà số tiền 160 triệu đồng. Năm 2018, kết luận kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ cũng đã nêu ra những tồn tại của Công ty gốm sứ Thanh Hà như chưa có giấy phép khai thác sử dụng nước và giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; lò sấy của công ty được chuyển đổi từ than sang cám chưa báo cáo với cấp có thẩm quyền.
Một nhân vật đang được dư luận chú ý qua vụ xả thải gây ô nhiễm nguồn nước là bà Nguyễn Thị Huyền Trang (31 tuổi, trợ lý Giám đốc Công ty cổ phần gốm sứ Thanh Hà, và là con gái của Chủ tịch Công ty gốm sứ Thanh Hà). Theo thỏa thuận miệng, bà Nguyễn Thị Huyền Trang sẽ phải trả cho Vũ số tiền để thu gom, vận chuyển, xử lý dầu thải là 1.000 đồng/lít. Tuy nhiên, Chủ tịch Công ty gốm sứ Thanh Hà lại cho rằng con gái ông “chưa từng giao dịch, làm việc gì với Lý Đình Vũ", mà chỉ thừa nhận“dầu thải được phát sinh trong quá trình vận hành máy móc, và đã vi phạm khi tự ý xuất dầu thải không được sự cho phép của công ty”.
Vai trò của từng cá nhân và từng tổ chức trong vụ nước bẩn cung cấp cho người dân thủ đô, chắc chắn sẽ được cơ quan điều tra làm sáng tỏ. Tuy nhiên, vấn đề xử lý chất thải gây ô nhiễm môi trường vẫn là chuyện đang nhức nhối trong xã hội chúng ta. Khi chất thải không được quản lý chặt chẽ, thì nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước sinh hoạt. Nói cụ thể hơn, an ninh nước sạch cũng là một thử thách đối với quá trình phát triển kinh tế và đời sống hiện nay.
Xử lý nguồn nước đầu nguồn bị ô nhiễm. |
PGS.TS Ứng Quốc Dũng - Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, phân tích: “Việc bảo vệ nguồn nước thường được chia làm các đới bảo vệ xung quanh khu vực nhà máy. "Đới nghiêm cấm" có bán kính 500 m, tức là tại đây không có hoạt động gì của con người.
Sau đó đến "đới bảo vệ" với bán kính khoảng 1 km và cuối cùng là "đới quan sát" khoảng 1,5 km. Nguồn nước gắn chặt an ninh quốc gia, an toàn cho tất cả người dân. Vì vậy, chính quyền phải có trách nhiệm xây dựng các đới bảo vệ. Còn nhà máy nước, đơn vị cấp nước chịu trách nhiệm trước chính quyền (đại diện cho người dân) về chất lượng nước đầu ra. Hợp đồng giữa chính quyền với nhà máy nước phải rõ ràng trách nhiệm với cộng đồng".
Còn PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng đô thị của Bộ Xây dựng, nhấn mạnh: “Theo quy định pháp luật, Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động cấp nước đô thị và khu công nghiệp. Trách nhiệm bảo vệ nguồn nước liên tỉnh là của Bộ Tài nguyên và Môi trường, còn nội tỉnh là trách nhiệm của chính quyền địa phương mà thường được giao cho người đứng đầu tỉnh chịu trách nhiệm. Vậy lãnh đạo các tỉnh phải chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh nguồn nước chứ không thể đứng ngoài cuộc!".
Sự cố người dân thủ đô phải lao đao vì nước bẩn là một điều đáng báo động. Nguồn nước của Công ty nước sạch sông Đà bị ô nhiễm, đâu chỉ là hành vi vô pháp của những kẻ đổ dầu thải tùy tiện. Cần phải bảo vệ nguồn nước sạch bằng những biện pháp khắt khe hơn nữa.
Ông Phạm Văn Sơn - Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam, chia sẻ: Thực tế nguy cơ nguồn ô nhiễm, nguồn thải độc xâm nhập vào nguồn nước là rất nhiều. Vừa qua mới chỉ là dầu thải - chất có thể nhận biết được bằng mắt thường. Nguy cơ ô nhiễm trên sông Đà rất nhiều. Nếu là tàu vận chuyển phân lân, thuốc bảo vệ thực vật, hay hóa chất, chất độc hại... sau va đâm bị chìm, không hiểu điều gì sẽ xảy ra.
Chưa hết, ngay những nguồn thải cố định, chất độc hại cũng không được quản lý, kiểm soát, vẫn vô tư xả ra sông. Ví như với các phương tiện thủy có công suất động cơ thủy dưới 220KW, Bộ Giao thông vận tải quy định phải có can, két, thùng chứa nước nhiễm dầu, phải đưa nước nhiễm dầu lên bờ để xử lý tập trung.
Tuy nhiên, chưa ai nhìn thấy một trạm xử lý nước nhiễm dầu tập trung nào ở trên bờ dành cho phương tiện thủy. Nên các tàu thuyền có thể cứ xả thẳng ra sông. Hàng trăm nghìn tàu cá cũng vậy. Vấn đề này đã được nêu với Bộ NN-PTNT, bộ nói cũng quan tâm, nhưng trước các đề xuất về giải pháp thì không mặn mà gì. Bộ TN-MT cũng nói không kiểm soát vấn đề này, tàu thuyền cứ vô tư xả nước nhiễm dầu bao nhiêu năm nay. Vấn đề này đã được đề cập ít nhất 10 năm nay, bằng văn bản, bằng ý kiến ở các hội thảo, nhưng hình như đây là việc của ai đó chứ không phải là việc của cơ quan nào. Về nguồn ô nhiễm từ các cơ sở sản xuất ở hai bên bờ sông, thật sự không kể hết…”.