| Hotline: 0983.970.780

Ghe đò bị cấm hoạt động, người dân xã đảo Nhơn Châu ‘đứt đường’ vào bờ

Thứ Bảy 01/04/2023 , 09:54 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Người dân xã đảo Nhơn Châu ‘đứt đường’ vào bờ vì ghe đò bị cấm hoạt động, ai có việc cần vào Quy Nhơn phải đi ca nô du lịch với giá cao…

Xã đảo Nhơn Châu cách thành phố Quy Nhơn (Bình Định) gần 30km, mọi hoạt động giao thương, đi lại của khoảng 570 hộ dân với 2.300 người dân ở đây với đất liền thành phố Quy Nhơn đều phụ thuộc vào 5 phương tiện đò dân sinh hoạt động trên tuyến đường thủy nội địa Nhơn Châu-Quy Nhơn.

Một góc xã đảo Nhơn Châu (thành phố Quy Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Một góc xã đảo Nhơn Châu (thành phố Quy Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Tuy nhiên, từ ngày 29/3, tất cả 5 phương tiện đò dân sinh nói trên bị tạm dừng hoạt động theo quyết định của UBND thành phố Quy Nhơn do không đủ điều kiện để đăng kiểm, đăng ký phương tiện. Thế là hàng ngàn người dân ở xã đảo Nhơn Châu “đứt đường” vào bờ, mọi hoạt động giao thương, đi lại của người dân ở đây bị ngưng trệ, đời sống bị xáo trộn.

Một người dân xã đảo Nhơn Châu cho biết: 5 chiếc ghe đò là phương tiện duy nhất của người dân Nhơn Châu ra vào đất liền thành phố Quy Nhơn để về UBND thành phố ký giấy tờ, mua lương thực và những vật dụng thiết yếu cho đời sống.

Bây giờ ghe đò bị cấm hoạt động thì chỉ ai có việc cần kíp lắm mới đi ca nô du lịch vào Quy Nhơn với giá cao, ngoài khả năng chi trả của người dân. Nhưng ca nô du lịch chỉ chở người chứ không chở hàng hóa, nên mọi hoạt động mua bán của dân đảo với đất liền kể như “đứt”. Dân xã đảo Nhơn Châu chủ yếu làm nghề biển gần bờ, nuôi trồng thủy sản, giờ ghe đò ngưng hoạt động, cá mắm cũng không thể đưa về bờ tiêu thụ.

Hoạt động đánh bắt thủy sản gần bờ của người dân xã đảo Nhơn Châu (thành phố Quy Nhơn, Bình Định) Ảnh: V.Đ.T.

Hoạt động đánh bắt thủy sản gần bờ của người dân xã đảo Nhơn Châu (thành phố Quy Nhơn, Bình Định) Ảnh: V.Đ.T.

“Những người đang xây dựng nhà cửa trên đảo Nhơn Châu trước giờ chỉ dựa vào ghe đò chở vật liệu từ thành phố Quy Nhơn về, giờ ghe đò không còn hoạt động nhà cửa đang xây phải chịu cảnh dở dang. Đang lo nhất là lỡ trên đảo có người đau bệnh ngặt nghèo cần phải về nhập viện ở thành phố Quy Nhơn mới càng khốn khổ.

Trước đây, nếu gia đình nào gặp trường hợp nói trên có thể bao cả chuyến đò vào thành phố Quy Nhơn với giá 2 triệu đồng/chuyến, giờ phải thuê 1 chuyến ca nô du lịch mất 7 triệu đồng. Đó là nói chuyện trời yên biển lặng, nếu biển sóng to ca nô chạy không được thì người bệnh ngặt nghèo cũng đành bó tay chứ không thể vào Quy Nhơn nhập viện được”, người dân kia bộc bạch.

Hiện trên xã đảo Nhơn Châu đang có 6 chiếc ca nô được những hộ dân ở đảo trang bị để phục vụ du lịch, mỗi vé từ Nhơn Châu về Quy Nhơn hoặc ngược lại là 200.000đ/lượt, còn trước đây một người đi ghe đò chỉ hết 30.000đ - 35.000đ/lượt.

Mọi hoạt động giao thương của người dân xã đảo Nhơn Châu (thành phố Quy Nhơn, Bình Định) đều lệ thuộc vào ghe đò. Ảnh: V. Đ.T.

Mọi hoạt động giao thương của người dân xã đảo Nhơn Châu (thành phố Quy Nhơn, Bình Định) đều lệ thuộc vào ghe đò. Ảnh: V. Đ.T.

Theo ông Hồ Nhật Lệ, Chủ tịch UBND xã Nhơn Châu, 5 phương tiện đò dân sinh hoạt động trên tuyến đường thủy nội địa Quy Nhơn-Nhơn Châu đã hết hạn đăng kiểm. Chủ các phương tiện này đăng ký gia hạn nhưng do chưa đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định nên Chi cục Đăng kiểm số 4 (thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam) không đồng ý gia hạn nên không thể hoạt động.

Ngày 31/3, ông Nguyễn Công Vịnh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Quy Nhơn (Bình Định), cho biết đơn vị này đã báo cáo với Thường trực Thành ủy Quy Nhơn, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân xã đảo Nhơn Châu do bị ảnh hưởng bởi đò ngang dân sinh tạm dừng hoạt động.

Theo ông Vịnh, UBND thành phố Quy Nhơn dự tính sẽ hỗ trợ phương tiện đủ điều kiện tham gia hoạt động tạm thời trên tuyến đường thủy nội địa Quy Nhơn-Nhơn Châu để phục vụ dân sinh.

Xem thêm
Phải đổi mới tư duy, phải 'cởi trói', phải quyết đoán, phải bứt phá, phải vượt lên chính mình

Tổng Bí thư nhấn mạnh việc tinh gọn tổ chức bộ máy đi đôi với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực.

VIETRISA có vai trò chủ đạo trong vận hành ngành hàng lúa gạo

Đó là ý kiến chia sẻ của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tại buổi làm việc với Hiệp hội Ngành hàng Lúa gạo Việt Nam (VIETRISA).

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Trở lại Mường Nhé, cực Tây Tổ quốc

Mường Nhé, cực Tây Tổ quốc hôm nay vẫn còn gian khó nhưng thấm đẫm tình đất, tình người, tình đoàn kết của đồng bào miền xuôi và miền ngược.