| Hotline: 0983.970.780

Đảo 'già'

Thứ Tư 30/12/2015 , 06:35 (GMT+7)

Người ta gọi đảo Cù Lao Xanh (xã Nhơn Châu) thuộc TP Quy Nhơn (Bình Định) là “đảo già”. Tại sao đảo lại có cái tên kỳ lạ như vậy?

Bởi 2 lẽ, làng biển Cù Lao Xanh được hình thành từ trước thế kỷ 15, là căn cứ tiền tiêu án ngữ, kiểm soát lãnh hải, bảo vệ vùng biển đất nước của các vương triều Chămpa và sau là của Đại Việt, nên được cho là 1 trong những làng biển cổ đại.

Lẽ thứ hai là hiện nay, do nhiều nguyên nhân, thanh niên trai tráng ở Cù Lao Xanh đã bỏ làng vào hết đất liền làm ăn, trên đảo chỉ còn lại toàn người già, phụ nữ và trẻ em...

Làng biển cổ

Quả thật Cù Lao Xanh rất lạ, phía sau cái tên nghe rất trẻ trung này là vùng đất rất cổ. Dấu tích văn hóa cổ thể hiện đậm nét ở nhiều di sản văn hóa vật thể, ví như 3 giếng Chăm cổ gồm giếng Chùa, giếng Đá và giếng Lầu, nguồn cung cấp nước ngọt cho người Chăm thuở trước.

Thêm nữa là miếu Bà Chúa Nguộc được xây cất trong hang đá sâu, muốn vào thắp hương phải chui qua một cổng tam quan bằng đá tự nhiên và không thể không nhắc đến bãi đá cổ với những hòn đá có hình thù độc đáo.

Trong mắt các nhà chuyên môn, những dấu tích trên cho thấy sự sống đã có mặt trên đảo từ rất lâu, chí ít cũng trước thế kỷ 15.

Theo TS Đinh Bá Hòa, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Bình Định, dựa vào niên đại ghi trên tấm bia gỗ ghi công đóng góp xây dựng miếu Thanh Minh ở thôn Đông, đời Thành Thái năm thứ 8 (1896) và bức liễn treo ở chánh điện ghi Thành Thái năm Mậu Tý (1888) cách nay trên 1 thế kỷ, Cù Lao Xanh đã chính thức lập làng trở thành một đơn vị hành chính, có con dấu riêng như bao làng khác ở đất liền.

Căn cứ vào điều được ghi trong "Đại Nam nhất thống chí" rằng: “Hòn Thanh Châu thuộc thôn Chánh Thành ở phía nam huyện, tục gọi là Cù Lao là trấn sơn của biển Thi Nại, đầu đời Gia Long thuộc huyện Đồng Xuân, đạo Phú Yên, đến giữa năm Minh Mệnh đổi lệ vào huyện Tuy Phước”, TS Đinh Bá Hòa, cho biết thêm về hành chính đảo Cù Lao Xanh trước khi thuộc Bình Định đã thuộc Phú Yên.

14-14-21_1
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Xuân Nhân xem sắc phong thành hoàng ở đảo Cù Lao Xanh

Vùng đất này trong lịch sử từ thế kỷ 15 thuộc người Chăm quản lý, dấu tích cư trú của họ để lại trên hòn đảo còn lại khá rõ. Trong nhật ký hàng hải quan phương Đông từ thế kỷ 16 -17 của người Bồ Đào Nha gọi Cù Lao Xanh là Poulo Gambir (mọi biển).

Theo những bậc cao niên ở Cù Lao Xanh, người Việt đầu tiên đến định cư ở đây là 1 ngư dân có gốc gác ở xã Mỹ Thọ (huyện Phù Mỹ, Bình Định). Ông này do phạm tội với triều đình nên bị đày ra đảo.

Về sau, thấy vùng biển ở đảo Cù Lao Xanh màu mỡ, nguồn lợi thủy sản dồi dào nên kêu gọi gia đình, họ hàng kéo nhau ra đảo làm ăn, hình thành nên nghề đánh bắt cá thu ở đất đảo. Thuở ấy, nghề đánh bắt cá thu “ăn nên làm ra”, nên ngày càng thu hút nhiều người ra Cù Lao Xanh định cư kiếm kế sinh nhai, rồi lập làng.

Vắng bóng trai tráng

Cù Lao Xanh bây giờ không còn hoang sơ như xưa, bên cạnh những dấu tích cổ, hòn đảo này đã được phủ lên vẻ hiện đại với nhiều cơ sở hạ tầng thiết yếu như chợ, cầu cảng, đê chắn sóng, trạm y tế…

Đặc biệt, trạm y tế ở đây được trang bị phòng phẫu thuật riêng với nhiều máy móc, thiết bị hiện đại. Thế nhưng bên trong vẻ hào nhoáng ấy, Cù Lao Xanh ẩn chứa một điều rất lạ, ấy là hòn đảo chỉ toàn nhìn thấy người già, phụ nữ và con nít. Suốt mấy ngày ở đất đảo mà chúng tôi chẳng mấy khi nhìn thấy bóng trai tráng.

Không như các làng biển khác ở Bình Định, làng vắng bóng trai tráng là do các “đấng mày râu” đang lênh đênh trên biển cả theo các nghề đánh bắt xa bờ.

Còn ở Cù Lao Xanh, làng không có thanh niên bởi hầu hết lớp trai trẻ đã kéo nhau lên đất liền kiếm chuyện làm ăn, lập gia đình định cư cả trên bờ, không quay lại đảo.

14-14-21_4
Nghề đi biển ở đảo Cù Lao Xanh thuộc về người già và phụ nữ

Nguyên nhân không lấy gì làm khó hiểu, định cư trên đất đảo, sống giữa biển Đông nhưng tư liệu sản xuất chỉ là những con thuyền nhỏ tẹo chuyên đánh bắt gần bờ.

Nguồn lợi thủy sản ven bờ ngày càng cạn kiệt, vắng bóng tôm cá, đánh bắt cả ngày chỉ được lèo tèo dăm con cá “tí hon”, không đủ làm bữa ăn cho gia đình thì nghề biển đâu còn là kế sinh nhai. Do vậy, thanh niên trai tráng ở Cù Lao Xanh phải lên bờ để tìm kiếm tương lai.

Ông Đặng Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Châu cho biết, toàn xã có gần 500 hộ dân với hơn 2.000 nhân khẩu. Hầu hết người dân đất đảo đều làm nghề biển, nhưng toàn đảo chỉ có 66 chiếc tàu công suất nhỏ, loại dưới 30 sức ngựa chuyên đánh bắt gần bờ.

Nguồn lợi thủy sản ven bờ đã cạn kiệt, muốn vươn khơi xa thì không có vốn đóng tàu lớn. Cuộc sống bấp bênh quá nên thanh niên bỏ nghề biển vào đất liền làm đủ mọi việc để mới mong có tiền cưới vợ.

Từ dân số gần 4.000 nhân khẩu, hiện Cù Lao Xanh chỉ còn hơn 2.000 nhân khẩu, mà chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em. Ông Trần Văn Mọn, Chủ tịch Hội người cao tuổi cho biết thêm, chỉ có hơn 2.000 nhân khẩu nhưng Hội người cao tuổi đã có hơn 240 hội viên.

Hầu hết họ không còn khả năng lao động, hiện đang sống dựa vào nguồn trợ cấp của Nhà nước và con cháu đi làm xa lâu lâu gửi ít tiền về cho. Những người dù đã lớn tuổi mà còn sức lao động thì vẫn bám biển gần bờ mưu sinh.

Không còn trai tráng, công việc đi biển oằn trên vai những người cao niên và phụ nữ đất đảo, ví như trường hợp của ông Ngô Hòa (64 tuổi) ở thôn Tây.

“Ai cũng có quê cha đất tổ, những người già bọn tui còn hơi sức nào là còn bám biển giữ cái nghề truyền thống của tổ tiên, giữ cái cội nguồn của gia đình để mai này con cháu muốn quay về nguồn cội cũng còn chốn để tìm về”, ông Phạm Mực (79 tuổi) tâm sự.

Vì các con lập nghiệp phương xa, nên vợ chồng ông Hòa phải hàng ngày bám biển kiếm kế sinh nhai. Hai vợ chồng ông chèo ghe ra khơi mỗi ngày từ lúc 3 giờ sáng để đánh cá, đến 5 giờ chiều thu lưới, nhặt nhạnh lũ cá vụn bán cho thương lái. Vất vả là thế nhưng mỗi ngày đôi vợ chồng già này chỉ kiếm được hơn 30.000đ, đủ tiền chạy chợ.

Ông Hòa tâm sự, người già đi biển gặp nhiều nguy hiểm lắm. Cái ngặt là vùng biển Cù Lao Xanh có động cá mới dạt về, đánh bắt mới hiệu quả. Nhưng đi biển trong mùa biển động, với sức già như vợ chồng ông là khó kham nổi, nhưng không đi thì đói. Bụng đói đầu gối phải bò.

Một nguyên nhân khác khiến thanh niên ở Cù Lao Xanh phải bỏ đảo để về đất liền kiếm chuyện làm ăn và xây dựng gia đình luôn trên bờ là bởi, từ một vài dòng họ ban đầu đến đây lập nghiệp, cưới vợ gả chồng qua lại, sinh con, sinh cháu. Lâu riết cư dân đất đảo của những thế hệ sau này đều có mối liên hệ họ hàng dây mơ rễ má, khó thành vợ thành chồng.

Theo TS Đinh Bá Hòa, những dòng họ đầu tiên đến lập nghiệp ở đảo Cù Lao Xanh không nhiều, đông nhất có họ Nguyễn và họ Trần. Trong tấm bia gỗ công đức trong miếu Thanh Minh có ghi họ Nguyễn có 21 người, họ Trần 10 người là 2 họ có nhiều người góp tiền cúng nhiều nhất để xây dựng miếu Thanh Minh trên đảo Cù Lao Xanh.

14-14-21_2
Hòn đá “nắm tay” tại bãi đá cổ ở đảo Cù Lao Xanh

Bởi đó, càng về sau, thế hệ trẻ ở đảo Cù Lao Xanh phần nhiều có mối liên hệ họ hàng với nhau là điều đương nhiên. Có trường hợp phải đau đớn chia tay người mình yêu để sang đất liền tìm người con gái khác xây dựng gia đình như anh Võ Xuân Hải.

Trước đây, anh Hải quen biết và đem lòng yêu một cô gái trên đảo Cù Lao Xanh. Thế nhưng khi dắt người yêu về giới thiệu với gia đình thì mọi người đều “tá hỏa” vì cô ấy có họ hàng với anh trong vai vế là chị. Buồn, anh Hải vào đất liền làm ăn và hiện đã lấy cô gái quê ở huyện Phù Mỹ làm vợ.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hàng trăm tấn rong trôi dạt vào biển Đồ Sơn, Cát Bà là rong mơ

HẢI PHÒNG Những ngày vừa qua, tại khu vực biển thuộc quần đảo Cát Bà và Đồ Sơn xuất hiện hàng trăm tấn rong trôi dạt vào bờ, rồi tràn lên các bãi tắm.