| Hotline: 0983.970.780

Những sắc màu Tây Bắc

Thứ Hai 02/12/2024 , 06:00 (GMT+7)

Trong năm Rồng, tôi có ba chuyến lên với Tây Bắc, vòng qua sáu tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình. Chuyến nào cũng trên dưới hai nghìn cây số.

Bạn đọc thân mến,

Tây Bắc - hai chữ chứa chan gợi cảm, miền đất chưa phai nỗi hoang hoải về địa lý nhưng đang bừng lên những nét tươi mới giao hòa của con người và cảnh sắc mà vẫn lưu giữ được sự thuần khiết đến mộng mị. Lên với Tây Bắc, mỗi chuyến đi dù cũ hay mới đều là một lần háo hức đầy ắp cung bậc cảm xúc. Lên với Tây Bắc, có ai không muốn một lần trong đời!? Hãy cùng chúng tôi ngược những con đèo, ngang những vách núi, vào những bản làng để cảm nhận được tình người Tây Bắc, để hòa mình vào thiên nhiên Tây Bắc vô cùng hùng vĩ và cũng đầy mộng mơ trong ấn phẩm đặc biệt kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Báo Nông nghiệp Việt Nam (4/12/1945 - 4/12/2024).

Nếu Hà Giang, Cao Bằng của Việt Bắc là thế giới kỳ vĩ khốc liệt và huyền ảo của đá, thì Tây Bắc, toàn bộ lãnh thổ nước Việt hữu ngạn sông Hồng thuộc lưu vực sông Đà gồm các tỉnh Khu tự trị Tây Bắc cũ, lại là một miền bồng lai tiên cảnh thuộc sơn mạch Hoàng Liên, núi cao trập trùng, đột khởi từ đỉnh nóc Phanxibang, đổ tràn ra bốn hướng.

Qua miền Tây Bắc. Núi ngút ngàn trùng xa… Câu hát ấy, giai điệu ấy, ngân vang từ thuở Điện Biên. Và sẽ ngân reo mãi trong lòng những ai qua miền Tây Bắc.

Dời thị xã Sa Pa, chớm đến đèo Ô Quy Hồ, khách đã nghe thấy tiếng thác reo, đã thấp thoáng thấy những dải nước trắng như thả từ trời xuống. Ảnh: Hoàng Minh Tường.

Dời thị xã Sa Pa, chớm đến đèo Ô Quy Hồ, khách đã nghe thấy tiếng thác reo, đã thấp thoáng thấy những dải nước trắng như thả từ trời xuống. Ảnh: Hoàng Minh Tường.

Chuyến phượt thứ nhất đưa chúng tôi đến điểm cực bắc Lai Châu, làng du lịch Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ. Hãy tưởng tượng, nếu du khách đi từ Sa Pa, sau khi đã thỏa thuê các kiểu loại du lịch (ẩm thực, nghỉ dưỡng, trải nghiệm thiên nhiên, văn hóa…), đi tiếp nữa, chắc sẽ nản vì nhàm chán?! Nhưng không. Dời thị xã Sa Pa, chớm đến đèo Ô Quy Hồ, khách đã nghe thấy tiếng thác reo, đã thấp thoáng thấy những dải nước trắng như thả từ trời xuống. Khách bỗng trầm trồ, xuýt xoa, bởi dãy phố nhỏ bên đường phô diễn đủ loại hoa, với những dây hồng bò lan trên hàng rào, nhắc ta nhớ đến các làng quê châu Âu. Cứ thế, con đường số 4D vành đai biên giới từ Sa Pa đến Tam Đường, uốn lượn trên độ cao 2.000m giữa trập trùng xanh tráng lệ và hùng vĩ, rồi đột ngột đổ xuống thị trấn Tam đường, bằng phẳng và êm đềm đến ngỡ ngàng khiến nhiều người bỗng trở thành nhà thơ, nhạc sĩ.

Nhưng Sin Suối Hồ mới là kỳ lạ của Lai Châu. Nếu chỉ đến thành phố thủ phủ mới Lai Châu từ ngày di chuyển từ lòng hồ Sơn La, một thành phố khang trang hiện đại có hồ nước thơ mộng soi bóng những tòa nhà hành chính, một trung tâm nghỉ dưỡng ẩm thực lọt giữa bốn bề sừng sững núi, mà chưa đi thêm ba mươi cây số nữa đến Sin Suối Hồ, giáp ranh Trung Quốc, thì cũng coi như chưa đến Lai Châu.

Rất ít người biết, ngôi làng người Mông này hơn ba mươi năm trước chìm trong khói thuốc phiện và nghèo đói, nay bỗng như nàng tiên ngủ trong rừng, như người thiếu nữ Mông trong bộ xiêm y hoa cỏ, lộng lẫy và huyền bí. Những người khai mở Sin Suối Hồ, những chàng trai Mông hai mươi năm trước - Háng A Xà, Chàng A Hẳng, Vàng A Chính, Vàng A Trứ… từng cùng dân bản quyết liệt tìm cách cai nghiện cho con em mình, cùng dân xóa đói giảm nghèo, đưa hơn một trăm thanh niên bản, có người từng là tù nhân của nàng tiên nâu, đi khắp nước học cách làm du lịch, nay đã là những ông chủ của những homestay, khách sạn, nhà hàng, những chuyên gia ẩm thực… đã đưa Sin Suối Hồ vang danh ra thế giới. Dòng suối chảy giữa bản, từ dòng cống thải, giờ thành dòng xanh róc rách, nguồn lõi của một quần thể resort; những cổ thụ trăm tuổi, sắc áo màu với hoa văn tinh xảo, tiếng khèn Mông, giờ lại thêm các homestay, nhà hàng, chợ truyền thống, đang mời gọi du khách đến với Phong Thổ, Lai Châu.

Năm 2020, Sin Suối Hồ được ngành du lịch công nhận làng du lịch cộng đồng kiểu mẫu. Năm 2023, tại Indonesia, Sin Suối Hồ được giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN lần thứ ba. Giờ thì du khách tây, ta tấp nập đến Sin Suối Hồ thưởng ngoạn, nghỉ dưỡng, mua sắm những đặc sản vùng cao. Được chụp ảnh với các thiếu nữ người Mông dưới những gốc chery cổ thụ ba trăm tuổi gắn biển di sản, được người dân bảo vệ như những linh vật, mới thấy tầng sâu văn hóa, biết sống đẹp, sống hài hòa với núi cao, rừng thẳm từ nhiều đời của người Sin Suối Hồ.

Du khách tấp nập đến Sin Suối Hồ thưởng ngoạn, nghỉ dưỡng, mua sắm những đặc sản vùng cao. Ảnh: Hoàng Minh Tường.

Du khách tấp nập đến Sin Suối Hồ thưởng ngoạn, nghỉ dưỡng, mua sắm những đặc sản vùng cao. Ảnh: Hoàng Minh Tường.

Chuyến phượt thứ hai, chúng tôi đi từ Lai Châu xuống Mường Lay, vượt cầu Pá Uôn ranh giới giữa Lai Châu và Sơn La, ngoặt sang Mù Cang Chải, xuôi Nghĩa Lộ bên đấy là đất Yên Bái. Năm 2012, trong chuyến đi viết về thủy điện Sơn La, đứng trước những trụ cầu Pá Uôn sừng sững 135m từ đáy hồ, cao nhất Đông Nam Á, tôi nổi hứng sáng tác, vụt ngâm bốn câu thơ:               

Trụ cầu từ đáy sâu hun hút

Như búp măng rừng đội đá lên

Sông Đà dâng nước cao trăm mét

Cầu lẫn trong mây nắng lẫn em.

Đường 279, con đường vành đai phòng thủ, được mở trong cuộc chiến tranh biên giới 1979,  từ Sơn La sang Mù Cang Chải được nâng cấp, trải nhựa đen bóng, qua nhiều đoạn sông, góc hồ đẹp đến nao lòng. Mù Cang Chải như niềm mong mỏi của tôi từ mấy chục năm trước, đã quá nổi tiếng với mùa vàng vùng cao và những ruộng bậc thang chẳng kém gì các kỳ quan về sức lao động sáng tạo nghìn đời của nhân loại. Tiếc cho mặt bằng thị trấn Mù Cang Chải quá hẹp để phát triển du lịch. Bị kẹp bởi những dãy núi chất ngất, những dòng sông hun hút, mùa mưa đường lên Mù Cang Chải thường sạt lở, rất khó đến được với thiên nhiên kỳ vĩ này.

Tôi có ông anh Hoàng Dương Độ, từ năm 1960 đã  xung phong lên dạy học ở Mù Cang Chải, theo tiếng gọi của thi ca: “Xe chạy nghiêng nghiêng trèo dốc núi/ Lên miền tây vời vợi nghìn trùng/ Ôi miền Tây sao nghe nói ngại ngùng/ Mà lúc ra đi lửa trong lòng vẫn cháy…”. Những lá thư anh viết cho tôi từ bản Mồ Dè, trung tâm huyện bây giờ, phải một tháng sau tôi mới nhận được. Anh kể, để từ thị xã Nghĩa Lộ lên Mồ Dè chưa có đường xe ô tô, anh phải đi một tuần, đi bộ, và đi ngựa. Gian nan nhất là vượt đèo Khau Phạ, con đèo hiểm trở trong tốp bốn đèo lừng danh Tây Bắc, quanh năm mây mù và mưa. Hơn chục năm ở Mồ Dè, anh tôi thành chuyên gia tiếng Mông, được mời về Trường Sư phạm Nghĩa Lộ dạy cho con em các dân tộc. Bây giờ tìm mãi không thấy ngôi trường và cái bản Mồ Dè cheo leo nơi anh tôi dạy học ngày xưa. Phố xá sầm uất không kém gì miền xuôi. Sầm uất một cách chật chội bởi núi chen trập trùng.

Đường từ Mù Cang Chải về Nghĩa Lộ, sẽ đi qua những miền thần tiên của lúa trên núi cao. Nhưng đèo Khau Phạ vẫn là một thử thách với những tay lái sừng sỏ. Chúng tôi định vượt đèo trước khi trời tối, nhưng vì mải mê chụp ruộng bậc thang, bãi thả diều lượn, thung mây, thác bạc, xe lên đỉnh Khau Phạ thì trời tối hẳn. Sương dày đến hóa mưa, xe không có đèn chống sương mù, không thể nhìn thấy đèn phản quang và cọc tiêu bên đường. Lái xe hạng siêu cũng run tay. Chốc chốc chúng tôi phải xuống đứng trước mũi xe làm xi nhan cho xe nhích từng mét.

Trước khi lên Mù Cang Chải, du khách có thể đến với khu ẩm thực nghỉ dưỡng Golden Field, với rừng chè cổ thụ Suối Giàng. Ảnh: Hoàng Minh Tường.

Trước khi lên Mù Cang Chải, du khách có thể đến với khu ẩm thực nghỉ dưỡng Golden Field, với rừng chè cổ thụ Suối Giàng. Ảnh: Hoàng Minh Tường.

Qua khỏi đèo Khau Phạ đã ngửi thấy hương nếp thơm thoang thoảng của cánh đồng Tú Lệ. Ngày xưa cánh thợ xẻ làng tôi thường kháo nhau về con gái Tú Lệ, đẹp đến mê hồn. Thời Tây, người Pháp khai thác mỏ đồng, chì ở Tú Lệ, kéo nhiều người đến Tú Lệ khai thác "mỏ gái đẹp".

Tôi tiếc mãi cho Nghĩa Lộ, chỉ vì phải sáp nhập với Yên Bái mà vốn là một thị xã đẹp, sầm uất, một trung tâm văn hóa ẩm thực của người Thái, dần trở thành một thị trấn bị bỏ quên. Nghĩa Lộ, Mường Lò, chính là tứ đại cánh đồng của Tây Bắc: Nhất Thanh (Mường Thanh), nhì Lò (Nghĩa Lộ), tam Than (Than Uyên), tứ Tấc (Phù Yên). Hơn chục năm trước lên Suối Giàng hái chè cổ thụ với các cô gái Mông,  bằng mắt thường tôi cũng nhìn thấy toàn cảnh Nghĩa Lộ, như quay video bằng flycam bây giờ. Rất may, trong chuyến đi này tôi đã thấy Nghĩa Lộ đang chuyển mình, để xứng tầm một địa chỉ du lịch nghỉ dưỡng, ẩm thưc và văn hóa.

Những con đường cửa ngõ được mở thênh thang. Quảng trường trung tâm có cái tên tiếng Anh rất gợi cảm Golden Field (Đồng Lúa Vàng) biểu trưng của cánh đồng Mường Lò đang là khu trung tâm mới của một thành phố vươn mình. Du khách từ Sơn Tây lên, từ Yên Bái vào, từ Sơn La sang, trước khi lên Mù Cang Chải, hãy đến với khu ẩm thực nghỉ dưỡng Golden Field, với rừng chè cổ thụ Suối Giàng, đến với Ngòi Thia bao quanh những bản Thái múa xòe, hãy thưởng lãm ẩm thực Than Uyên, Tú Lệ…

Tác giả bên Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Hoàng Minh Tường.

Tác giả bên Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Hoàng Minh Tường.

Trong khoảng bốn tháng, tôi có hai chuyến đến với Điện Biên Phủ, một lần từ Lai Châu xuống, một lần từ Sơn La lên. Trong đời làm báo, từ lễ kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tới giờ, đã hơn mười lần tôi đến cứ điểm lịch sử này. Năm 1984, theo đoàn xe pháo của binh chủng pháo binh, kéo pháo lên dự lễ, đi ba ngày ròng rã, đường đầy ổ gà ổ voi, bụi bốc cuồn cuộn, xe bò lên Pha Đin từng mét. Ngần ấy lần đến lòng chảo Điện Biên, lần nào cũng tiếc, rằng trừ nhóm tượng đài chiến thắng bên đồi A1, và một phần bảo tàng Điện Biên, sao vùng đất lịch sử này cứ mãi cũ kỹ sơ sài đến thế.

May thay, vào lễ kỷ niệm lần thứ 70, năm 2024, thành phố lịch sử Điện Biên Phủ bỗng vụt khác. Khách không thể không đến bảo tàng để được chiêm ngưỡng một panorama hoành tráng, sáng tạo tái hiện toàn bộ chiến dịch Điện Biên Phủ hào hùng. Nghe nói, rồi sẽ tiếp tục làm sân khấu quay, để bức tranh panorama sống động. Đáng chú ý nữa là cụm không gian đền thờ liệt sỹ trên đồi D1. Có bóng dáng quảng trường, khu tâm linh và resort, tức là đã nâng khu di tích lên tầm du lịch, văn hóa. Riêng đường vào khu lịch sử Mường Phăng và toàn bộ cảnh quan khu di tích làm tôi ngỡ ngàng. Bao lần đến đây từng thất vọng, thì nay Mường Phăng thực sự là một địa chỉ đỏ hàng đầu của Điện Biên. Tin rằng, rồi đây, những ngọn đồi Độc Lập, Him Lam, Bản Kéo…, và nhất là khu hầm Đờ Cat, không còn y sì hiện thực thô ráp của ngày xưa như thế. Phải làm sao đến đây, như đến một thánh đường thiên nhiên và nghệ thuật, mà lịch sử là viên ngọc cốt lõi luôn rực sáng.

Bốn mùa Châu Mộc đều thắm sắc hoa, sắc người với váy áo Thái, Mông, Dao, Mường, với tiếng khèn, tiếng sáo réo rắt gọi tình. Ảnh: Hoàng Minh Tường.

Bốn mùa Châu Mộc đều thắm sắc hoa, sắc người với váy áo Thái, Mông, Dao, Mường, với tiếng khèn, tiếng sáo réo rắt gọi tình. Ảnh: Hoàng Minh Tường.

Và Sơn La, bao giờ cũng là trung tâm, giao thoa mọi ngả đường của Tây Bắc. Từ Điện Biên về Hà Nội, đi trên xe máy lạnh, qua Tuần Giáo, qua đèo Pha Đin, tôi không nhận ra mình đã đi qua những con đèo hùng vĩ và gian nan nhất mà cha anh mình đã phải vượt qua để vào chiến dịch “Trần Đình” 1953 - 1954. Pha Đin giờ như không còn đèo, có đoạn gần như cao tốc. Lên đỉnh Pha Đin bây giờ chỉ để ngắm trời mây và chụp ảnh lưu niệm.

Hồi đang lắp đặt tổ máy đầu tiên của thủy điện Sơn La, tôi được mời đi viết về thủy điện và cao su. Không nhiều người còn nhớ, những năm 2010, có cả những tập đoàn lớn lên Sơn La phát triển cây cao su. Các gia đình được vận động góp đất, góp sức để biến Sơn La thành vùng cao su tập trung ở Tây Bắc. Những dãy đồi, những cánh rừng được đào hố theo đường bình độ. Giống cao su từ trong nước và được nhập từ Thái Lan, Trung Quốc. Hàng vạn nhân công hằng ngày chăm bẵm từng trồi cao su, như chăm con... Rồi mấy lần qua Sơn La gần đây, tôi đã thấy một Sơn La khác. Một Sơn La nơi nào cũng xanh mướt rừng đầu nguồn, các loại cây đặc sản bưởi, xoài, cam, nhãn, cà phê, mắc ca và lúa nương bản địa… Từng vùng cây công nghiệp, cây ăn quả, vùng chăn nuôi… đang biến Sơn La thành nhà vườn bao la vùng Tây Bắc.

Sẽ không thể bỏ qua Mộc Châu mỗi khi từ Hà Nội lên hoặc từ Tây Bắc về. Du khách có thể để dành riêng hồ biếc Hòa Bình, cam Cao Phong, bản Lác Mai Châu… một dịp khác, nhưng không thể không ghé và dừng lại cao nguyên Mộc Châu với một thiên nhiên bốn mùa dịu mát như miền ôn đới, với đàn bò đặc sản, với đồng cỏ bát ngát, nương chè trập trùng, những rừng mận, đào, lê, táo… trĩu quả... Bốn mùa Châu Mộc đều thắm sắc hoa, sắc người với váy áo Thái, Mông, Dao, Mường, với tiếng khèn, tiếng sáo réo rắt gọi tình.

Xem thêm
Phải đổi mới tư duy, phải 'cởi trói', phải quyết đoán, phải bứt phá, phải vượt lên chính mình

Tổng Bí thư nhấn mạnh việc tinh gọn tổ chức bộ máy đi đôi với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực.

Tầm nhìn xanh bền vững: [Bài cuối] Lời hẹn từ Mộc Châu cho tương lai xanh

Sơn La Mộc Châu đang viết nên câu chuyện về một hành trình mới, hành trình hướng tới một nền nông nghiệp xanh, gắn kết giữa con người, môi trường và tương lai phát triển bền vững.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hà Tĩnh: 4 năm nâng cấp, sửa chữa 22 hồ chứa

Để phòng ngừa, ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, từ năm 2021 đến nay tỉnh Hà Tĩnh đã nâng cấp, sửa chữa được 22 hồ chứa.