Mường Nhé bây giờ…
Hơn 12 năm sau những sự kiện "vương quốc Mông" từng biến Mường Nhé thành vùng đất nhức nhối, chúng tôi quay trở lại cực Tây của Tổ quốc khi mùa hoa dã quỳ đang độ vàng tươi trên những triền đồi miền biên ải.
Mất già nửa ngày đường xuất phát từ thành phố Điện Biên Phủ, qua dốc Chà Cang, cả một dải biên cương hùng vĩ cực Tây của Tổ quốc hiện ra dưới ánh nắng vàng nhạt chiều cuối thu. Cổng chào huyện Mường Nhé sừng sững giữa núi rừng với slogan ngắn gọn - Điểm cực Tây Tổ quốc. Chẳng hiểu vì sao khi ngước nhìn lên chợt thấy lòng trào dâng cảm xúc rất lạ. Cảm xúc của đất trời, sông núi biên cương. Dưới kia, dòng Nậm Nhé, một nhánh của lưu vực sông Đà qua mấy trận mưa lũ đã trở lại vẻ hiền hòa, mến khách như cốt cách tự bao đời nay của người vùng cao. Tên sông được lấy đặt làm tên huyện, đặt theo tiếng Thái, vùng đất ở phía cuối chân trời.
Cảm nhận đầu tiên mỗi lần lên Mường Nhé luôn là chuyện đường sá. Đường lên mảnh đất cực Tây Tổ quốc hôm nay nếu so với mươi năm trước đã nhàn nhã đi nhiều, cho dù suốt quãng đường có không ít lần chúng tôi buộc phải dừng xe lại để chờ máy móc san gạt, dọn dẹp các điểm sạt lở. Mỗi lệnh cấm đường thường mất từ 30 phút đến khoảng một giờ. Qua Mường Chà, cấm, đến Chà Cang lại cấm tiếp. Sau khoảng 4 đến 5 lệnh cấm như thế xe lại tiếp tục chuyển bánh, bỏ lại sau lưng những dốc, những đèo lúc ngoằn ngoèo cua tay áo, lúc lại xoáy tròn như xoắn ốc.
Để vơi bớt mệt nhọc của quãng đường dài, anh Trần Văn Nam, người bạn đồng hành cùng chúng tôi gợi chuyện: Đề tài mở đường lên cực Tây Tổ quốc có thể viết được cả tiểu thuyết đấy. Đơn giản nhất là chuyện ngày nay so với ngày xưa đã lắm thứ hay ho.
Rồi kể, cũng hơn mười năm trước, thuở mới lên Mường Nhé lập nghiệp, nghe cán bộ bên huyện “dọa” rằng mấy năm trước nữa từ bên ngoài muốn đi vào Mường Nhé thường phải mất mấy ngày đường. Thời điểm Mường Nhé tách từ Mường Tè của Lai Châu để thành lập huyện mới vào năm 2002 thì muốn đến điểm trung tâm huyện còn gian khổ nữa. Có nhiều đoạn phải đi bằng ngựa, mang theo cả lương thực dự trữ, ngày cuốc bộ đêm dựng lều lán ngủ lại giữa rừng, sáng ra tiếp tục băng đèo, lội suối mà đi. Sợ đường xa là một chuyện, vừa đi vừa phải đề phòng gấu, cọp nhảy ra vồ. Thế nên người ta mới gọi con đường đi lên Mường Nhé là con đường gian khổ nhất trên vùng đất gian khổ Tây Bắc.
“Hơn 200 cây số hôm nay mà anh em mình đi có hơn nửa ngày là kỳ tích lắm rồi”, giọng anh Nam đứt quãng theo một cú đánh lái gấp của bác tài.
Chuyện anh Nam xin được kể ở phần sau. Trước hết xin được sơ qua vài nét về Mường Nhé bây giờ. Huyện cực Tây của Tổ quốc được thành lập vào năm 2002 với phần lớn diện tích tự nhiên được tách ra từ huyện Mường Tè và thị xã Mường Lay của tỉnh Lai Châu cũ. Ngày ấy người ta thường đúc kết, nghèo khổ nhất Việt Nam là Lai Châu - nhất Lai Châu là Mường Tè và Mường Nhé được lập nên từ nơi khổ nhất của vùng đất khổ. Xã hội chỉ biết đến nơi này qua sách báo, một vùng đất có ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc, nơi một tiếng gà gáy 3 nước cùng nghe, có đỉnh Khoang La San đặt cột mốc số 0 ở bản A Pa Chải, xã Sín Thầu. Lên Mường Nhé thời ấy hoặc là bộ đội biên phòng, cán bộ lên công tác, giáo viên cắm bản hoặc một vài nhà báo đi tìm kiếm đề tài, còn người bình thường chưa ai rồ dại đến mức đó cả.
Sau nhiều lần chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính, hiện Mường Nhé có 11 đơn vị cấp xã với khoảng 157,372 nghìn ha diện tích tự nhiên. Dân số thống kê vào dịp kỷ niệm 20 năm thành lập huyện vào khoảng 33 nghìn nhân khẩu. Với mức thu nhập bình quân đầu người mới chỉ đạt 23 triệu đồng/người/năm, hẳn nhiên Mường Nhé luôn nằm trong số các huyện nghèo nhất cả nước. Năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo còn xấp xỉ 60%, vậy mà những ai biết và hiểu Mường Nhé đều trầm trồ con số ấy là kỳ tích. Thế mới thấy có khó, cái khổ của mảnh đất cực Tây nó đặc biệt đến mức nào.
Đã hơn 20 năm kể từ ngày thành lập huyện, vậy mà đến nay Mường Nhé vẫn chưa thể thành lập thị trấn. Trung tâm huyện lỵ ngày trước đặt ở ngoài Chà Cang, đến năm 2007 mới chuyển vào trong này. Cũng ngần ấy thời gian, như chia sẻ của ông Vi Văn Lưu, Chủ tịch UBND xã Mường Nhé, mặc dù chính quyền và các đồng bào dân tộc trên đây nỗ lực nhiều lắm, tuy nhiên mục tiêu xây dựng Mường Nhé trở thành đô thị của vùng đất cuối trời còn lắm gian nan, thách thức.
Cả xã có khoảng hơn 2.300 hộ dân, 11.700 nhân khẩu, 65% trong số đó là người đồng bào dân tộc Mông và 32,3% thuộc diện hộ nghèo. Ông Lưu lý giải, tự bao đời nay đời sống của bà con các đồng bào dân tộc Mường Nhé dựa hết vào nông nghiệp. Ngặt một nỗi đất đai canh tác quá khó khăn. Số dân lên hàng vạn, sức lực có thừa nhưng chỉ làm được vỏn vẹn 307ha lúa, đa phần lại làm một vụ, được thua nhờ trời. Đồng bào cũng chịu khó phát nương làm rẫy, thậm chí xâm hại đến cả rừng để kiếm thêm diện tích đất canh tác nhưng chẳng mấy ăn thua. 780ha trồng sắn, 250ha đất trồng ngô…, không thấm tháp gì so với nhu cầu sản xuất, chưa kể điều kiện tự nhiên, khí hậu quá khắc nghiệt.
Năm nay chẳng hạn, Chủ tịch xã Mường Nhé kể bằng giọng rất buồn: Từ Tết Giáp Thìn đến tận giữa năm mà ông trời chả chịu nhả cho bà con lấy một hạt mưa. Cây trồng không có nước tưới, vật nuôi thiếu nước uống, đến người cũng khô không khốc thì thử hỏi còn làm ăn được gì. Cho nên, dù là xã trung tâm của huyện thật đấy nhưng hàng năm Mường Nhé đều trông chờ nhận hỗ trợ cứu đói. Thường mỗi năm phải cứu vào 2 đợt, mùa giáp hạt và dịp chuẩn bị Tết cổ truyền.
Cái khó, cái khổ càng chồng chất lên Mường Nhé bởi vấn nạn dân di cư tự do. Ông Lưu tiếp tục... than thở. Trước những năm 2010 khi Mường Nhé dân còn thưa thớt, vấn đề sinh kế cho bà con không đến nỗi bức bách, chỉ hộ nào có người ham rượu chè, lười lao động mới lo đói chứ chịu khó làm lụng cũng đủ cái ăn. Dần dà di dân tự do trên vùng cao bùng phát, trên này mới trở nên hỗn loạn.
Đặc biệt là giai đoạn năm 2011 khi các đối tượng xấu tuyên truyền, lôi kéo đồng bào người Mông về tụ tập tại bản Huổi Khon, xã Nậm Kè để gây sức ép với chính quyền, đòi yêu sách cấp đất để thành lập vương quốc Mông. Đấm xấu bụng ấy tuyên truyền rằng người Mông đã sắp đến ngày tận thế. Người Mông phải đoàn kết lại với nhau để đón vua Mông xuất hiện giải cứu đồng bào. Nghe lời dụ dỗ, không ít người Mông ở nhiều nơi trên rẻo cao tây bắc từ Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai… bán hết gia sản dắt díu nhau về Huổi Khon tụ tập, dựng lán trại, sống đời mụ mị, đói nghèo trong giấc mộng vô căn cứ.
Giấc mộng trời ơi đất hỡi ấy nhanh chóng tan vỡ, nhưng hậu quả để lại cho Mường Nhé còn dai dẳng đến tận ngày nay. Cái gọi là "vương quốc Mông" đã đẩy hàng vạn đồng bào di dân tự do lâm vào cảnh không nhà, không cửa, không đất sản xuất, trở thành bài toán nan giải không chỉ riêng với huyện Mường Nhé, với tỉnh Điện Biên. Chính phủ phải ban hành riêng một đề án sắp xếp, ổn định dân cư cho huyện Mường Nhé.
Gọi nôm na là Đề án 79, ban hành năm 2012 với mục tiêu xây dựng huyện Mường Nhé ổn định về định canh, định cư, không còn hộ du canh, du cư và bảo đảm người dân có đủ đất sản xuất, có nhà ở, có đủ nước sinh hoạt... Đặc biệt, mục tiêu của Đề án 79 là di chuyển, sắp xếp ổn định chỗ ở, đất sản xuất cho 833 hộ với 5.256 khẩu dân tộc Mông chưa có đất ở và đất sản xuất đang cư trú trên địa bàn các xã Mường Nhé, Chung Chải, Leng Su Sìn vào các điểm quy hoạch để thành lập bản làng mới.
Mười năm trời, cả Mường Nhé chung tay xây dựng hơn 31 điểm bản 79. Đồng bào tại chỗ mở lòng bao dung, sẵn sàng tinh thần nhường cơm sẻ áo, nhường đất cho đồng bào di cư, nỗ lực ổn định cuộc sống, cùng nhau xây dựng, bảo vệ nơi phên dậu Tổ quốc. Cùng với các chính sách của nhà nước, các điểm bản 79 đều được đầu tư về cơ sở hạ tầng đồng bộ, như công trình nước sinh hoạt, nhà văn hóa, trường lớp học và hệ thống giao thông,…
Dân di cư được hỗ trợ làm nhà ở, nhà vệ sinh, ngoài ra chính quyền cũng tiến hành điều tra, thống kê những hộ không đảm bảo cuộc sống, các hộ không có trâu bò sản xuất, cấp gạo cho bà con, xuất tiền mua trâu bò cho các hộ thiếu, cung cấp giống cây trồng… Người Thái nhường bớt đất cho người Mông, bản cũ san sẻ, giúp đỡ bản mới, nhờ đó mà từ năm 2016 đến nay Mường Nhé đã không còn hiện tượng di cư tự do, bà con yên tâm lao động sản xuất.
Xã trung tâm huyện Mường Nhé có 9 điểm bản 79. Dù còn muôn vàn gian khó nhưng cũng có những tín hiệu đáng mừng là bà con các đồng bào đang từng bước ổn định đời sống, phát triển từng ngày. Hôm chúng tôi lên nhằm đúng thời điểm cả Mường Nhé bước vào mùa lễ hội. Dù năm nay thời tiết bất thuận, ngô lúa không được như mong muốn nhưng xem đời sống đồng bào đã ổn định hơn. Nhờ làm công nhân cao su, nhờ phát triển thêm các mô hình chăn nuôi, trồng trọt. Ngày đại đoàn kết toàn dân, Tết cổ truyền của người Hà Nhì đồng bào cùng nhau vui vẻ ca hát, uống rượu, cờ Tổ quốc phấp phới bay trên những nóc nhà, trong từng bản làng, ngõ xóm đang ngày một khang trang.
Điểm bản 79 tên là Mường Nhé 2 có hơn 40 hộ, 100% là người Mông, đa phần dưới vùng Mai Sơn (tỉnh Sơn La) lên, được sắp xếp ổn định ở gần tuyến đường đi vào trung tâm huyện. Trưởng bản Sồng A Pua ngậm ngùi, ngày trước bà con di dân không nhà cửa, không đất đai sản xuất, năm nào cũng đói ăn, nhờ ơn của chính quyền mà cuộc sống bây giờ được ổn định, không ít gia đình trở nên khá giả.
Trước điểm bản có một chiếc kẻng an ninh theo mô hình tiếng kẻng phòng cháy chữa cháy, cũng là vật dụng đặc biệt của trưởng bản Sồng A Pua. Cứ mỗi lần có vấn đề gì cần phổ biến đến dân bản, Sồng A Pua chỉ cần gõ lên mấy hồi, bà con lại tựu tập đông đủ tại nhà văn hóa ở giữa trung tâm. Nhờ nó, Sồng A Pua phấn khởi, không một người Mông nào ở Mường Nhé 2 không nắm được chủ trương chính sách, không ai dám làm trái quy định của bản cả. Đi thêm một vòng quanh điểm bản 79, nhà nào nhà nấy đều khang trang, sạch sẽ, đầy đủ tivi, xe máy và vật dụng sinh hoạt. Mỗi gia đình đều sắm cho mình một lá cờ Tổ quốc phấp phới bay trước cổng, đời sống xem chừng ngày một đủ đầy.
“Bây giờ chẳng ai bảo dân bản đi đâu được nữa. Bà con quen với cuộc sống ở đây rồi, chỉ biết cố gắng lao động để xây dựng bản ngày càng khang trang hơn thôi”, Sồng A Pua phấn khởi.
Chuyện người Mông và cây cao su
Ở bản Mường Nhé 2 tôi gặp Sồng A Mạnh. Chuyện của người Mông này cũng là chuyện về tình đất, tình người ở cực Tây Tổ quốc.
Hôm ấy, khi chúng tôi đến nhà vừa lúc Sồng A Mạnh mới đi nhận giải Bàn tay vàng từ Công ty Cổ phần Cao su Mường Nhé về. Dân bản đã kéo đến chờ sẵn để chúc mừng, có thêm mấy người khách lạ, bữa rượu càng thêm rôm rả. Thứ rượu ngô đặc trưng của người Mông, càng uống càng thấm, càng quý mến nhau. Rượu vào Mạnh khảng khái, rượu nhà tự làm đấy, uống chỉ say chứ không đau đầu, gà ở ngoài vườn, cá dưới ao, thích nữa thì lên lán cao su mổ lợn mừng.
Phải rồi, phải vui mừng chứ, bởi cuộc sống người Mông ở Mường Nhé 2 hôm nay không thể không nâng chén rượu lên mừng vui với bà con được.
Sồng A Mạnh cùng với gần 40 hộ dân trong bản hấu hết là người Mông ở dưới xã Chiềng Chung (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) lên đây từ năm 2009. Ngày ấy lý do đi nghe kể cũng thật đơn giản: Ở dưới ấy đất ít, quanh năm chỉ biết mỗi cây ngô, nghe nói trên này đất đai rộng lớn, nhà nước chuẩn bị trồng cao su nên bà con rủ nhau đi, xem thử mặt mũi cây cao su nó thế nào. Ban đầu chỉ vài ba hộ, dần dà anh em họ hàng kéo nhau lên, đúng vào đợt Mường Nhé trong cơn hỗn loạn. Không nhà ở, không đất sản xuất, cả mấy chục hộ đồng bào cứ loay hoay mãi. Tưởng đã cùng đường, sau mới được Nhà nước giao cho Công ty Cổ phần Cao su Mường Nhé đưa về điểm bản 79 này.
“40 hộ dân được hỗ trợ 40 nền nhà, được chia 2ha đất trồng ngô, trồng lúa, lại còn được tuyển dụng và đào tạo làm công nhân cao su, hỗ trợ gạo trong vòng 6 tháng đầu để bà con ổn định cuộc sống”, Sồng A Mạnh nói về sự khởi đầu ở vùng đất mới.
Có đất, có nhà, có công việc, cuộc sống của những người quen du canh du cư dần đi vào ổn định, nhất là khi cây cao su bước qua thời kỳ kiến thiết, bắt đầu chu kỳ khai thác mủ. Hiện cả bản Mường Nhé 2 hầu như nhà nào cũng có một người được tuyển vào làm ở Công ty Cổ phần Cao su Mường Nhé. Đều đặn mỗi ngày người Mông thức dậy từ lúc 6 giờ sáng, đi cạo mủ khoảng 3 giờ đồng hồ, lương mỗi tháng trung bình được hơn 7 triệu đồng/người, lại còn có thì giờ thảnh thơi đi làm thêm việc khác.
Ngoài làm công nhân cao su, Sồng A Mạnh dựng lán giữa rừng cao su nuôi thêm lợn, gà, tận dụng con suối giữa 2 quả đồi làm thêm ao nuôi cá. Nhờ đó mà đời sống khá lên từng ngày, dựng được nhà, mua được xe cộ, lại còn tán đổ được một cô giáo người Yên Bái lên đây cắm bản. Bây giờ 2 vợ chồng, 2 đứa con, cuộc sống có thể coi là khá đủ đầy, Sồng A Mạnh nói, đều là nhờ cây cao su cả.
“Đợt này em giành giải Bàn tay vàng trong cuộc thi cạo mủ của công ty nên đang tiếp tục rèn luyện để tới đây đi thi cấp vùng và cấp Tập đoàn anh ạ. Nếu đạt giải cao còn được vào thành phố Hồ Chí Minh, em nghe nói thế chứ chưa được vào đấy bao giờ”, Sồng A Mạnh hăng hái rót một chén rượu đầy, lại tiếp tục nâng ly lên bảo anh em mình chúc mừng em và bản Mường Nhé 2 này một chén.
Công ty Cổ phần Cao su Mường Nhé có bao nhiêu điểm bản 79 như Mường Nhé 2 này? Tôi hỏi.
12 bản. Anh Trần Văn Nam, Phó Tổng Giám đốc công ty, người bạn đồng hành của chúng tôi trả lời.
Anh Nam người gốc dưới Hải Dương, vốn là cán bộ công ty cao su Phú Riềng (Bình Phước), lên trên này từ hơn 10 năm trước khi cây cao su ở vào giai đoạn khó khăn đứng chân trên vùng Tây Bắc. “Ngày ấy đồng bào, thậm chí không ít cán bộ chính quyền chưa hiểu giá trị của cây cao su nên quá trình vận động bà con góp đất trồng cao su nhiều người phản đối lắm. Có bản còn bắt giữ luôn cả cán bộ xuống vận động, hò nhau chặt phá cây cao su khiến sự nghiệp phát triển “vàng trắng” ở Mường Nhé gặp muôn vàn những khó khăn”, anh Nam nhớ lại.
Sau hơn 10 năm xây dựng và phát triển, đến nay cao su Mường Nhé đã bước sang giai đoạn thu hoạch sản phẩm, kinh doanh có lãi. Diện tích đất quản lý khoảng hơn 1.420ha, trong đó đất thuê của UBND tỉnh Điện Biên hơn 89ha, còn lại hơn 1.330ha do người dân đóng góp. Sản lượng khai thác hằng năm đạt hơn 1.000 tấn, tổng doanh thu xấp xỉ 30 tỷ đồng. Mức lương bình quân của người lao động đạt 5,8 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, hằng năm Công ty Cổ phần Cao su Mường Nhé luôn thanh toán đầy đủ giá trị 10% sản phẩm cho người dân góp quyền sử dụng đất để trồng cao su, như năm 2022 gần 2,2 tỷ đồng...
Cây cao su bén rễ và phát triển, người cao su cũng chọn ở lại với vùng đất cực Tây. Có rất nhiều công nhân cao su ở dưới xuôi lên lựa chọn xây dựng gia đình trên này, anh Nam cũng đã đưa vợ con lên đây từ nhiều năm trước. Một miền đất lạ đã hóa quê hương với người di cư tự do và với những người lên đây cống hiến sức mình cho Mường Nhé.
“Năm 2024 này, công ty phấn đấu khai thác trên 1.176ha cao su, sản lượng khai thác mủ chừng 1.100 tấn, tổng doanh thu hơn 33 tỷ đồng”, ông Nguyễn Ngọc Hoàn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Mường Nhé phấn khởi chia sẻ thêm.
Đến giờ này có thể khẳng định cây cao su giữ vai trò số 1 ở mảnh đất cực Tây của Tổ quốc, qua đó khẳng định chủ trương của Đảng, Nhà nước đưa cây cao su lên Điện Biên nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung đã thành công. Đa phần các công ty hiện đã làm ăn có lãi, đặc biệt đã giải quyết được công ăn việc làm cho lao động tại chỗ, góp phần lớn ổn định an sinh xã hội, giải quyết việc làm và thu nhập cho lao động là người đồng bào dân tộc của địa phương, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng nông thôn mới… 5 đội cao su ở Nậm Kè, Mường Tong, Mường Nhé đa phần công nhân là người đồng bào dân tộc như Mông, Dao, Thái, Hà Nhì…, thu nhập ổn định hằng tháng từ 6 - 7 triệu đồng.
Cũng giống anh Nam, ông Hoàn là cán bộ được điều chuyển từ Công ty Cao su Phú Riềng ra. Lần đầu lên với Tây Bắc, lên với Mường Nhé, cực Tây Tổ quốc, đối mặt với muôn trùng khó khăn, vậy mà cũng vượt qua được hết. Học từng phong tục tập quán của các đồng bào, chung tay với anh em công nhân đào từng mét đường dẫn lên lô cao su, lặn lội trong mưa lũ đi vớt lại chiếc cầu ở Nậm Kè bị mưa lũ cuốn trôi… Nhờ đó mà Công ty Cổ phần Cao su Mường Nhé hiện là đơn vị dẫn đầu khu vực về năng suất và thu nhập của cao su vùng Tây Bắc.
Công ty lại còn mới xây dựng trụ sở hết sức khang trang ở ngay trung tâm huyện. Nghe ông Hoàn kể, tất cả thợ thuyền đều đưa từ dưới xuôi lên, thi công thần tốc trong vòng có 6 tháng. Triết lý “biến nơi khó nhất thành sáng nhất” của người đứng đầu công ty được vận dụng triệt để. Tất cả khó khăn đều sẽ được giải quyết nếu có quyết tâm và có khát vọng vươn lên.
Tạm biệt Mường Nhé, mảnh đất cực Tây Tổ quốc hôm nay đang tươi tắn như một bức tranh nhiều màu sắc. Sắc hoa dã quỳ vàng tươi ven đường, sắc xanh trên những cánh rừng cao su bạt ngàn và cả màu sắc trên từng bộ trang phục truyền thống của người Mông, người Dao, người Hà Nhì đang chuẩn bị bước vào mùa lễ hội.