| Hotline: 0983.970.780

Ghi nhận và kỳ vọng từ Hội nghị Lương thực thực phẩm toàn cầu

Thứ Năm 27/04/2023 , 13:27 (GMT+7)

Tại phiên bế mạc Hội nghị toàn cầu Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm bền vững, các điều phối viên đã chia sẻ thông điệp mà các đối tác muốn truyền tải.

Video: Duy Học, Quang Dũng.

Cần sự vào cuộc mạnh mẽ của tất cả các quốc gia

Các điều phối viên của 9 phiên thảo luận đã có những chia sẻ về thông điệp mà các bên tham gia muốn truyền tải thông qua từng phiên họp.

Ở phiên thứ 2 với nội dung về tái kiến trúc hệ thống LTTP toàn cầu, ông Jamie Morrison Cố vấn cấp cao Liên minh Toàn cầu về Cải thiện Dinh dưỡng (GAIN) cho biết, thông điệp đầu tiên là việc tái kiến trúc hệ thống LTTP toàn cầu cho phép các chính phủ đưa ra chính sách phù hợp, tránh sự phân mảnh, tăng cường gắn kết , kết nối, từ đó đưa ra các chính sách phù hợp với chương trình nghị sự về LTTP phù hợp với từng quốc gia. Phiên họp này cũng chỉ ra những việc cần làm để tăng cường sự tham gia của nhiều quốc gia và các bên liên quan hơn nữa.

Một số nội dung cần được tăng cường để các quốc gia có thể phát triển hệ thống LTTP của mình theo hướng tránh gây tổn thất, giảm thiểu tác động tới đa dạng sinh hoạt và đảm bảo nguồn thức ăn, an ninh dinh dưỡng. Dựa trên các khung đã thiết lập, các quốc gia cũng có thể được hỗ trợ để hành động, xây dựng hệ thống LTTP minh bạch, trách nhiệm, bền vững.

Ở phiên thứ 3 về xem xét cách quản trị và chính sách quốc gia, bà Corinna Hawkes, Giám đốc Hệ thống Thực phẩm và An toàn thực phẩ của FAO đúc kết, việc kết nối và hợp tác giữa các ban ngành, trong hệ thống từ trung ương xuống địa phương không phải là sự lựa chọn mà là điều phải làm để cùng tập trung vào tầm nhìn, đưa ra đánh giá đúng, hiểu vai trò và trách nhiệm của các bên khác nhau, đảm bảo hệ thống LTTP chuyển đổi đúng định hướng và có thể phá vỡ rào cản cũng như nắm bắt cơ hội phát triển.

Các điều phối viên của 9 phiên thảo luận đã có những chia sẻ về thông điệp mà các bên tham gia muốn truyền tải thông qua từng phiên họp. Ảnh: Trung Quân.

Các điều phối viên của 9 phiên thảo luận đã có những chia sẻ về thông điệp mà các bên tham gia muốn truyền tải thông qua từng phiên họp. Ảnh: Trung Quân.

Ở phiên thứ 4 về thay đổi mô hình tiêu dùng sản xuất, bà Rebecca Shaw, Phó Chủ tịch cấp cao của WWF (Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên) cho biết chương trình hướng tới đảm bảo sự kết nối, cùng hợp lực để chung tay giải quyết các vấn đề đói nghèo, dinh dưỡng, biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học. Ở phiên này, các bên thống nhất về việc cần xây dựng cách tiếp cận có tính hệ thống hơn để đưa ra các giải pháp chuyển dịch hệ thống LTTP theo hướng bền vững hơn.

Nông dân là mắt xích quan trọng trong hệ thống LTTP và đây là đối tượng cần đưa vào để trao đổi sao cho ngành thực phẩm sản xuất có trách nhiệm với người tiêu dùng, tránh vấn đề khúc mắc trong chuỗi cung ứng. Việc chuyển đổi bền vững cũng cần chắc chắn rằng nông dân được cung cấp thông tin và hiểu được quyền của mình và thực thi quyền đó. Người tiêu dùng cần được bảo vệ trước tình hình giá LTTP leo thang. Đẻ giải quyết các vấn đề này cần có chính sách, kế hoạch hành động, can thiệp đúng lúc.

Phiên bế mạc có sự tham gia của lãnh đạo Bộ NN-PTNT Việt Nam và đông đảo đại biểu quốc tế. Ảnh: Trung Quân.

Phiên bế mạc có sự tham gia của lãnh đạo Bộ NN-PTNT Việt Nam và đông đảo đại biểu quốc tế. Ảnh: Trung Quân.

Tại phiên thứ 5 về thúc đẩy chuyển đổi thông qua tài chính, khoa học và quyền con người, ông Adam Gerstenmier, Giám đốc Liên minh Hành động Lương thực nhấn mạnh rằng cần có sự hỗ trợ để thực hiện hợp tác, tập trung vào nhu cầu của các bên liên quan, trong khi đó mức quan tâm tài chính cần được thúc đẩy để tiếp cận những đối tượng rủi ro nhất. Phiên này đã thảo luận nhiều về nội dung tài chính khoa học, song cần có nhiều ý kiến hơn về việc trao quyền cho phụ nữ và đảm bảo bình đẳng giới trong hệ thống LTTP.

Phiên thứ 6 của Hội nghị có chủ đề Tăng cường “hệ sinh thái hỗ trợ” của Hội nghị thượng đỉnh về hệ thống LTTP của Liên hợp quốc: Huy động hệ sinh thái hỗ trợ của UNFSS nhằm thúc đẩy cách tiếp cận hệ thống LTTP bền vững, linh hoạt và toàn diện hơn. Theo bà Rebecca Shaw, Phó Chủ tịch cấp cao của WWF, phiên thảo luận đã đưa ra những kiến nghị về cơ chế rất có trách nhiệm trong đánh giá lộ trình để phát triển việc xây dựng hệ thống LTTP bền vững tại các quốc gia.

Đại diện WWF cho rằng, công cuộc xây dựng hệ thống LTTP bền vững có sự tham gia của nhiều bên, mang tính bao trùm nên cần có những cơ sở dữ liệu cụ thể, đánh giá sự đầu tư của tư nhân và nhà nước. Công tác đánh giá phải là một quá trình liên tục được cải thiện và trách nhiệm, từ đó có thể xây dựng một quy trình đạt hiệu quả tối đa.

Tổng hợp lại những kinh nghiệm từ phiên thảo luận thứ 7 với chủ đề Đo lường sự chuyển đổi, ông James Lomax, chuyên gia Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), chia sẻ, chúng ta đang bàn về xây dựng hệ thống LTTP bền vững của các quốc gia trên toàn cầu nên không thể tránh khỏi những khó khăn trong mỗi phiên đối thoại.

Chính vì vậy, để đáp ứng được những mục tiêu đặt ra, ông James Lomax cho rằng, các quốc gia, các bên liên quan, các đại biểu cần tiếp tục có những cuộc thảo luận, ngồi cùng nhau kiên nhẫn đi tìm những giải pháp tối ưu trong xây dựng hệ thống LTTP bền vững.

Phiên thảo luận 8 nhấn mạnh về vai trò kết nối, dẫn dắt triển khai kế hoạch hành động của các đầu mối quốc gia. Theo bà Sylvia Ekra, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối Hệ thống Lương thực của Liên hợp quốc, hệ thống LTTP quốc gia là công cụ thực hiện sứ mệnh của các kế hoạch hành động về môi trường, dinh dưỡng, an ninh lương thực. Chính vì vậy, bà Sylvia Ekra bày tỏ quan điểm, cần có thêm các cuộc đối thoại cấp quốc gia để liên tục trao đổi lộ trình, thúc đẩy những động lực đảm bảo các ngành, các bên liên quan có thể tham gia vào chuỗi hệ thống LTTP bền vững. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần tiếp tục thúc đẩy sự hợp tác của các đối tác, các nhà đầu tư. Sau khi nghe xong các thông điệp từ những phiên thảo luận, đại diện các bên cùng đồng hành với Hội nghị đưa ra ý kiến của mình.

Các đại biểu đều cho rằng để xây dựng hệ thống LTTP bền vững cần có sự vào cuộc của tất cả các quốc gia. Ảnh: Trung Quân.

Các đại biểu đều cho rằng để xây dựng hệ thống LTTP bền vững cần có sự vào cuộc của tất cả các quốc gia. Ảnh: Trung Quân.

Ông Moghesh Sababathy, Đại diện Thanh niên và Nhà đồng sáng lập Dự án Đại dương Hy vọng, đánh giá cao những cam kết của các đại biểu tại Hội nghị. Từ đó, đại biểu mong muốn thế hệ trẻ sẽ tiếp tục được chia sẻ những thông điệp của mình trong thời gian tới.

“Đôi khi tiếng nói của những người trẻ chưa được quan tâm đúng mức nhưng chúng ta cần phải lắng nghe tiếng nói của trẻ em. Đại diện cho thế hệ trẻ, chúng tôi mong muốn được thấy vai trò của thế hệ trẻ sẽ được quan tâm hơn trong một tương lai bền vững”, ông Moghesh Sababathy bày tỏ.

Bên cạnh đó, ông Moghesh Sababathy cho rằng các quốc gia cần giải quyết vấn đề thiếu kết nối giữa Chính phủ và các địa phương do hiện nay xuất hiện tình trạng thanh niên cũng như thế hệ trẻ không còn mặn mà với sản xuất nông nghiệp. Các nhà khoa học, chuyên gia cần thúc đẩy công tác truyền thông dễ hiểu hơn để thế hệ trẻ hiểu được những vấn đề trong hệ thống LTTP hiện nay. Từ đó nhìn rộng ra, thế hệ trẻ có thể góp phần vào công cuộc cân bằng 3 trụ cột là kinh tế, xã hội và môi trường.

Hành trang vững chắc để đến hội nghị tại Rome

Chia sẻ về cảm nhận chung, bà Sylvia Lopez-Ekra, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối Hệ thống lương thực của Liên hợp quốc cho rằng, Hội nghị đã truyền cảm hứng tới các quốc gia khác về thúc đẩy hệ thống LTTP bền vững.

Tầm nhìn và các thông điệp đưa ra tại Hội nghị lần này có thể theo chúng ta tới Hội nghị đánh giá Hệ thống LTTP của Liên hợp quốc năm 2023 “2023 UN Food Systems Stocktaking Moment” tổ chức tại Rome (Italy) vào tháng 7 tới.

Từ hội nghị lần này, nhiều sáng kiến, gợi mở đã được nêu ra, làm cơ sở để các quốc gia triển khai hành động của mình. Ảnh: Trung Quân.

Từ hội nghị lần này, nhiều sáng kiến, gợi mở đã được nêu ra, làm cơ sở để các quốc gia triển khai hành động của mình. Ảnh: Trung Quân.

Bà Sylvia cũng truyền đi thông điệp, từ lời nói đến hành động không chỉ nghe ý kiến mà còn cần kiểm chứng lời hứa, cam kết hành động như thế nào.

Thứ 2, làm thế nào để huy động được sự hỗ trợ, tính kết nối, trách nhiệm giải trình để nhân rộng và huy động các nguồn lực, đem lại lợi ích cho mọi người.

Bên cạnh đó, cần đề cao vai trò của người nông dân, để họ đóng góp nhiều hơn vào việc xây dựng hệ thống LTTP bền vững.

Tiếp tục trao quyền cho nông dân

Bà Nguyễn Thị Việt Hà, Phó Trưởng ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế, Hội Nông dân Việt Nam (VNFU) chia sẻ: Khi xây dựng chính sách để chuyển đổi hệ thống LTTP theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững, Hôi Nông dân đã phối hợp với nhiều tổ chức uy tín tìm hiểu xem những thách thức, khó khăn mà nông dân gặp phải khi chuyển đổi là gì. Từ đó, đưa ra những đề xuất để tháo gỡ.   

Nông dân Việt Nam vẫn duy trì hình thức sản xuất quy mô nhỏ, do đó, một vấn đề luôn được quan tâm là làm thế nào để nông dân nâng cao vị thế, vai trò của mình. Bởi lẽ, khi nông dân có năng lực, kỹ năng tốt, họ cảm thấy mình được trao quyền thì sự đóng góp của họ vào việc chuyển đổi hệ thống LTTP sẽ mạnh mẽ hơn.

Để làm được việc này, ngoài hỗ trợ kỹ năng sản xuất, cũng cần hỗ trợ nông dân để họ có được kỹ năng tiếp cận với thông tin từ thị trường, nguồn vốn; tiến bộ khoa học công nghệ; có kỹ năng trình bày, đề đạt nguyện vọng, để nói lên tiếng nói của mình. Do đó, khi xây dựng Hệ thống LTTP phải quan tâm đến những vấn đề này.

Xem thêm
Ông Nguyễn Đình Việt giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La

SƠN LA Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nước, nguồn sống và nỗi lo: Khi ngập úng 'kéo lên' đô thị vùng cao

Sơn La Tình trạng ngập úng kéo dài không chỉ gây xáo trộn cuộc sống hàng ngày mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của người dân tại TP Sơn La.