Khoa học công nghệ cung cấp giải pháp cho nông nghiệp. FAO: Kế hoạch chuyển đổi hệ thống LTTP của Việt Nam rất cụ thể. Chưa quốc gia nào đáp ứng mục tiêu dinh dưỡng toàn cầu đến năm 2025. Tiền Giang có gần 9.000ha thanh long xuất khẩu.
Khoa học công nghệ cung cấp giải pháp cho nông nghiệp(Quang Linh)
Phát biểu tại Hội nghị Triển khai chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050, sáng 25/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Khoa học công nghệ đóng góp khoảng 35% giá trị gia tăng ngành nông nghiệp, tạo nhiều giống cây trồng, vật nuôi, các quy trình canh tác, chăn nuôi, đem lại hiệu quả và giá trị kinh tế cao cho nông dân. Nhấn mạnh vai trò của các nhà khoa học trong hoạt động đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đề nghị các nhà khoa học cùng ngồi lại với nhau, cùng nhau đề xuất các đề tài nghiên cứu cung cấp giải pháp cho ngành nông nghiệp. Bộ NN-PTNT cam kết sẽ nỗ lực hết sức đồng hành cùng các nhà khoa học trong công cuộc đổi mới sáng tạo của ngành.
FAO: Kế hoạch chuyển đổi hệ thống LTTP của Việt Nam rất cụ thể (Duy Học)
Tại cuộc họp ben lề hội nghị toàn lần thứ 4 Hệ thống lương thực thực phẩm bền vững sáng 25/4 với Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTTN), bà Corinna Hawkes, Giám đốc Hệ thống Thực phẩm và An toàn thực phẩm (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc), bày tỏ sự ấn tượng với Kế hoạch hành động quốc gia về chuyển đổi hệ thống LTTP và mong chờ các bước tiến mới trong tiến trình thực hiện kế hoạch này. Kế hoạch hành động của Việt Nam gồm các mục tiêu và rất công việc cụ thể. Cùng với đó là nhiệm vụ của các tổ chức tham gia và đơn vị phối hợp. FAO mong muốn tìm hiểu về những bước tiếp theo của kế hoạch cũng như sự khác nhau giữa kế hoạch này và những chính sách đã được Việt Nam áp dụng từ trước đến nay. Khoa học công nghệ
CHƯA QUỐC GIA NÀO ĐÁP ỨNG MỤC TIÊU DINH DƯỠNG TOÀN CẦU ĐẾN NĂM 2025
Sáng 25/4, Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống lương thực thực phẩm bền vững – mạng lưới Một hành tinh bước sang ngày làm việc thứ 2 với phiên họp về “Các mô hình tiêu thụ và sản xuất”. Theo bà Rebecca Shaw, Phó chủ tịch cấp cao tại WWF, những mảnh ghép trong hệ thống sản xuất và tiêu thụ lương thực, thực phẩm cần được xâu chuỗi, lồng ghép giữa từng cộng đồng với nhau để giải quyết những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học và sức khỏe con người. Đại diện WWF cho biết, hiện nay cứ ba người sẽ có một người bị thừa cân, béo phì, và trong 12 người sẽ có một người phải chịu cảnh thiếu ăn hoặc suy dinh dưỡng, dẫn đến tỉ lệ tử vong toàn cầu không có dấu hiệu cải thiện. Đại diện WWF cũng gửi thông điệp: “Hãy trở thành người tiêu dùng thông thái, lựa chọn những thực đơn phù hợp để đảm bảo một nền lương thực, thực phẩm bền vững”. Trong sáng nay cũng đã diễn ra phiên họp thứ 5 với trọng tâm là “Thúc đẩy chuyển đổi thông qua khoa học, tài chính, quyền con người và sáng tạo”.
Tiền Giang có gần 9.000 ha thanh long xuất khẩu
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, địa phương đã mở rộng vùng trồng thanh long xuất khẩu lên gần 9.000 ha (với sản lượng thu hoạch mỗi năm 200.000 tấn trái), trong đó có trên 2.300 ha sản xuất theo tiêu chuẩn GAP.
Vùng chuyên canh thanh long xuất khẩu của Tiền Giang tập trung chủ yếu ở huyện Chợ Gạo với diện tích trên 7.700ha; còn huyện Tân Phước tuy mới phát triển gần đây cũng đã trồng được gần 1.000ha.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh đã hình thành 11 HTX sản xuất và tiêu thụ thanh long, 80 kho lạnh bảo quản nông sản với công suất 16.000 tấn. Hiện Tiền Giang đã xây dựng được 33 mã số vùng trồng cấp xuất sang thị trường Trung Quốc, 92 mã số vùng trồng xuất sang thị trường các nước Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Australia.