| Hotline: 0983.970.780

Quản trị hệ thống lương thực thực phẩm đang có dấu hiệu suy thoái

Thứ Hai 24/04/2023 , 16:35 (GMT+7)

Việc thay đổi hệ thống quản trị cần thực hiện cấp bách ngay lập tức với sự tham gia của các bên liên quan. Sự chuyển đổi này phụ thuộc vào hệ thống chính sách và ý chí chính trị của mỗi quốc gia.

Video: Nhóm PV.

Chiều 24/4, Hội nghị lần thứ 4 hệ thống lương thực thực phẩm toàn cầu bước vào phiên thứ 2 với nội dung "Tái kiến trúc hệ thống lương thực thực phẩm toàn cầu".

Tái cấu trúc hệ thống LTTP toàn cầu là một trong bốn nội dung đưa ra nhằm đạt được mục tiêu xem xét các rào cản, các khó khăn, thách thức chính liên quan đến việc chuyển đổi hệ thống LTTP. Bốn đề xuất, giải pháp được đưa ra tại Hội nghị lần này, gồm: Mô hình kiến trúc toàn cầu về hệ thống LTTP; Các chính sách quản trị quốc gia và địa phương về hệ thống LTTP; các mô hình tiêu thụ và sản xuất của hệ thống LTTP; các phương thức thực hiện chuyển đổi hệ thống LTTP.

Hội nghị xem xét lại các mô hình, kiến trúc toàn cầu về Hệ thống LTTP. Ảnh: Quang Dũng.

Hội nghị xem xét lại các mô hình, kiến trúc toàn cầu về Hệ thống LTTP. Ảnh: Quang Dũng.

Quản trị hệ thống LTTP hiện tại đang có dấu hiệu suy thoái

Ông Jamie Morrison (Cố vấn cấp cao, Liên minh Toàn cầu về Cải thiện chế độ Dinh dưỡng (GAIN) cho biết, liên quan tới kiến trúc quản trị toàn cầu và kiến trúc hệ tống LTTP, hội thảo cố gắng đưa ra những sáng kiến, giải pháp tối ưu để mỗi quốc gia có thể ứng dụng phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện và trình độ phát triển sản xuất của mình, đồng thời đảm bảo phù hợp với kiến trúc toàn cầu.

Ông Jamie Morrison cho rằng, kiến trúc hệ thống lương thực thực phẩm toàn cầu cần ứng dụng thành các kế hoạch, chiến lược quốc gia. Vấn đề làm thế nào có được cơ chế thực hiện khả thi đối với từng Quốc gia nhưng vẫn đảm bảo tính nhất quán chính sách quốc gia trong tiến trình chính sách quốc tế; kiến trúc về hệ thống được trang bị để giải quyết các thách thức trong ngắn hạn…

Ông Jamie Morrison (Cố vấn cấp cao, Liên minh Toàn cầu về Cải thiện chế độ Dinh dưỡng (GAIN). Ảnh: Quang Dũng.

Ông Jamie Morrison (Cố vấn cấp cao, Liên minh Toàn cầu về Cải thiện chế độ Dinh dưỡng (GAIN). Ảnh: Quang Dũng.

Đại sứ Gabriel Ferrero (Chủ tịch CFS) chia sẻ về vai trò của Ủy ban An ninh lương thực thế giới, những kinh nghiệm liên quan tới vấn đề an ninh lương thực, một số bài học kinh nghiệm quốc tế; chương trình nông nghiệp, lương thực quốc tế.

“Nhu cầu của chúng ta là gì và vì sao lại cần một cấu trúc quản trị để đạt được mục tiêu đưa ra. Những con số mà chúng ta có được từ báo cáo an ninh lương thực cho thấy, hơn 200 triệu người dân đang sống trong tình trạng đói khổ; hơn 15 triệu người đang chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid; gần 100 triệu trẻ là đối tượng chịu tổn thương; gần 3 tỷ người chưa tiếp cận được các lĩnh vực y tế, lương thực…

Những vấn đề này cho thấy cần có sự thay đổi về cơ bản. Chúng ta ghi nhận những vấn đề liên quan đến phát triển bền vững; có đầy đủ các bằng chứng đòi hỏi sự thay đổi về khẩu phần ăn, hệ thống thực phẩm… Đã đến lúc cần xem xét lại quản trị toàn cầu đối với hệ thống thực phẩm.

Nông nghiệp và hệ thống thực phẩm chính là lĩnh vực liên quan chủ chốt và hệ thống quản trị là công cụ chúng ta cần ứng dụng để xoá đói giảm nghèo. Các hộ nông dân, các cơ sở quy mô nhỏ đang canh tác nông nghiệp… cần phải tham gia để giảm thiểu phát thải khí nhà kính, có trách nhiệm đối với ngăn chặn biến đổi khí hậu.

Quản trị hiện nay đang có dấu hiệu suy thoái, các quốc gia đang có biểu hiện hệ thống quản trị của mình hiện đang là những mảnh ghép riêng lẻ.

Một số chính phủ, tổ chức quốc tế… đang áp dụng nhiều sáng kiến khác nhau đặt ra yêu cầu các chính phủ nhận diện như thế nào về kiến trúc của quốc gia mình, tùy theo từng quốc gia mà có giải pháp tương ứng.

Đại sứ Gabriel Ferrero (Chủ tịch CFS) chia sẻ về vai trò của Ủy ban An ninh lương thực thế giới. Ảnh: Quang Dũng.

Đại sứ Gabriel Ferrero (Chủ tịch CFS) chia sẻ về vai trò của Ủy ban An ninh lương thực thế giới. Ảnh: Quang Dũng.

Việc thay đổi hệ thống quản trị cần thực hiện cấp bách ngay lập tức với sự tham gia của các bên liên quan. Sự chuyển đổi này phụ thuộc vào hệ thống chính sách và ý chí chính trị của mỗi quốc gia. Chúng ta không thể chờ đợi 10 - 20 năm nữa rồi mới chuyển đổi; làm thế nào để giải quyết được vấn đề khủng hoảng năng lượng, tận dụng chất thải trong nông nghiệp? Thách thức này cần phải xem xét trên phương diện tích hợp của các bên tham gia.

Cấp độ quốc tế, để cải thiện hệ thống LTTP cần sự chỉ đạo của các tổ chức quốc tế, sự hiệp lực của các ngành y tế, thương mại, nông nghiệp, tài chính…, và cần một cơ quan đứng ra dẫn dắt từ góc độ toàn cầu.

Tiếp đó là quyền tiếp cận thực phẩm. Cần đặt con người là trung tâm sau đó cải thiện hệ thống chính sách pháp luật từ đó xây dựng hệ thống thực phẩm phù hợp, tạo ra những khẩu phần ăn lành mạnh, bảo vệ được hệ sinh thái, môi trường.

Kiến trúc quản trị toàn cầu là vấn đề quan trọng, cần thực hiện ở tất cả các cấp. Ủy ban này sẽ có thể đóng góp trong việc đưa ra một văn kiện để huy động sự tham gia của các bên đối với an ninh lương thực - an ninh dinh dưỡng.

Bảo vệ đa dạng sinh học để xây dựng hệ thống LTTP bền vững

Ông David Cooper, Quyền Thư ký Điều hành, Ban Thư ký CBD chia sẻ: Trong cách thức quản lý thực phẩm thì yếu tố đa dạng sinh học đóng vai trò rất quan trọng, nhất là sự đa dạng về các loại cây trồng, vật nuôi. Chúng giúp ích rất lớn cho chúng ta trong việc đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm.

Để quản lý hệ thống LTTP bền vững đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ như thay đổi phương pháp sử dụng đất, hạn chế khai thác thủy sản quá mức, ngăn ngừa ô nhiễm, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Hiện nay, chúng ta đang có hệ thống LTTP dựa trên rất nhiều yếu tố đầu vào như thuốc BVTV, phân bón… nên dẫn tới việc tiêu dùng không bền vững, làm tổn thất về thực phẩm, phát sinh những vấn đề liên quan tới đa dạng sinh học. Do đó, chúng ta phải giải quyết tất cả yếu tố này để chuyển đổi hệ thống LTTP một cách bền vững. 

Bên cạnh đó, hệ thống thực phẩm thường có tính kết nối thành chuỗi từ sản xuất tới tiêu thụ, Do đó, cần có biện pháp cụ thể để hướng tới mục tiêu duy trì, bảo tổn, phục hồi đa dạng sinh học, đặc biệt là đa dạng gen. Sự đa dạng giống cây trồng đóng vai trò rất quan trọng trong việc giảm thất thoát chất dinh dưỡng.

Hội nghị chiều 24/4. Ảnh: Quang Dũng.

Hội nghị chiều 24/4. Ảnh: Quang Dũng.

Theo ông Pedro Manuel Moreno, Phó tổng thư ký, UNCTAD, đại dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine đang dẫn tới các vấn đề tổn thương và ảnh hưởng tới các chuỗi cung ứng. Hơn 800 chính sách về thương mại liên quan tới các sản phẩm thực phẩm bị ảnh hưởng do chi phí logictis tăng cao; cần duy trì các hệ thống để bình phục giá các loại lương thực thế giới...

Trong bối cảnh đó, các quốc gia tự cung ứng lương thực thực phẩm trong nội bộ của mình. Sự trợ cấp của chính phủ đối với các hoạt động lương thực bị bóp méo tạo ra gánh nặng cho các nhà sản xuất nhỏ…

Ông Pedro Manuel Moreno đề cập tới 5 hành động mà ông cho rằng cần thực hiện ngay, bao gồm: (1) Tăng cường hành động, điều phối giữa các chính phủ trong việc thực hiện an ninh hệ thống LTTP; (2) Phân phối lương thực và chính sách đảm bảo giá cả; hỗ trợ để đảm bảo nguồn phân bón sản xuất nông nghiệp; (3); Hệ thống cung ứng trong nước, giảm chi phí vận chuyển; (4) Tăng cường chế độ khẩu phần ăn, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng; (5) Tăng cường các hoạt động liên quan ứng phó biến đổi khí hậu; các giải pháp để đảm bảo phát triển nông nghiệp bền vững.

Chuyên gia “hiến kế” tái kiến trúc hệ thống LTTP toàn cầu

Tại phần thảo luận, Hội nghị đã nghe nhiều ý kiến đóng góp của đại diện các quốc gia, các tổ chức quốc tế.

Bà Caterina Ruggeri Laderchi, (Giám đốc Ủy ban Kinh tế hệ thống thực phẩm) chia sẻ giải pháp song hành đầu tư công - tư nhân để thúc đẩy hệ thống LTTP phát triển.

Các khách mời tham gia thảo luận về tái kiến trúc hệ thống quản trị LTTP. Ảnh: Quang Dũng.

Các khách mời tham gia thảo luận về tái kiến trúc hệ thống quản trị LTTP. Ảnh: Quang Dũng.

Theo bà Caterina Ruggeri Laderchi, hiện nay, bài toán đặt ra là phải làm thế nào để chúng ta có được những loại LTTP có chi phí hợp lý. Việc đầu tư công nghệ đòi hỏi chi phí đầu tư cao nên là một thách thức không nhỏ đối với các quốc gia thu nhập thấp.

“Chúng tôi xem xét các dòng tài chính khác nhau đổ vào hệ thống LTTP theo cơ chế đồng tài trợ với sự tham gia của khu vực tư nhân là rất quan trọng. Tuy nhiên, việc đầu tư vào lĩnh vực này rủi ro cao nên hiện nay các đơn vị lại rất ít đầu tư”.

Bên cạnh đó, việc đánh giá, định giá rủi ro liên quan tới vấn đề chuyển đổi hệ thống vẫn đang có vấn đề. Vì vậy, các chủ thể rất khó đánh giá được các rủi ro phù hợp khi rà soát loại hình kinh doanh và các loại hình công nghệ mới. Bên cạnh đó, hoạt động chuyển đổi cần nguồn vốn mang tính dài hạn… Do đó, về dài hạn cần có cả sự đầu tư cả khu vực công và tư nhân để thúc đẩy sự tăng trưởng.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quang Dũng.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quang Dũng.

Ngoài ra, trong quá trình chuyển đổi và chuyển dịch có rất nhiều yếu tố bất định. Các nhà đầu tư luôn đặt ra câu hỏi có nên đầu tư vào lĩnh vực mặc dù vẫn có lợi nhuận nhưng không rõ kéo dài trong bao lâu. Điều này dẫn tới họ chậm lại trong quá trình đầu tư của mình.

Bà Su McCluskey (chuyên gia nông nghiệp Úc) chia sẻ kinh nghiệm của nước Úc. Theo đó, quốc gia này đề ra một khung phát triển bền vững để định hướng cho nền sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, thực hiện mô hình nghiên cứu kết hợp với nguồn tài trợ của Chính phủ. Hàng năm, Úc có chiến lược về đất đai để đảm bảo đất đủ khỏe, có kế hoạch cải tạo các loại đất cũ, đất không đủ chất lượng… để có được những cây trồng khoẻ từ đó tạo tiền đề để có sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.

Nước Úc cũng có nhiều giải pháp, nỗ lực để làm giảm phát thải khí mê tan - phát thải chính trong ngành chăn nuôi, phát thải khí nhà kính, bổ sung thêm tảo biển vào thức ăn chăn nuôi cũng như chiến lược giảm thiểu rác thải của người tiêu dùng mang lại; giảm thiểu rác thải trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Một sáng kiến khác của Úc, đó là sáng kiến thành lập trung tâm nghiên cứu nông nghiệp ngoài biên giới. Đây là lĩnh vực quan trọng để đảm bảo đa dạng sinh học.

Tại lĩnh vực hoạt động thương mại, Úc tạo cơ hội để người nông dân có tiếng nói, có phương pháp tiếp cận dựa trên khoa học.

Tham dự thảo luận, Bộ trưởng Nông nghiệp Thụy Sỹ - ông Christian Hofer chia sẻ, trước đây, người nông dân sản xuất sử dụng thuốc BVTV, phân bón nhưng chưa thực sự quan tâm tới môi trường. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động sản xuất đã khác, nông dân không chỉ sản xuất LTTP mà phải chịu trách nhiệm, quan tâm tới tự nhiên, đa dạng sinh học.

Do đó, để thực hiện tốt điều này cần có sự vào cuộc của tất cả các bên liên quan. Trong đó, yếu tố quan trọng là Chính phủ phải đưa ra chính sách hỗ trợ để bảo tồn đa dạng sinh học.

Bên cạnh đó, cần xây dựng chiến lược có tính bao trùm, tìm ra lộ trình có thể chuyển đổi hệ thống của mình một cách phù hợp. Trong đó, tất cả các Bộ Nông nghiệp, Y tế… phải ngồi lại với nhau, cùng nhau thực hiện.

Ngoài ra, cần có giải pháp thay đổi cách tiếp cận với việc tập trung nhiều hơn vào an toàn thực phẩm, phân bón, thú y…

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Nông nghiệp dẫn lối, tương lai rộng mở trên vùng đất Si Ma Cai

LÀO CAI Si Ma Cai đổi thay từng ngày từ nông nghiệp, nơi những mùa quả ngọt không chỉ mang lại thu nhập mà còn thắp sáng hy vọng về một tương lai no đủ, bền vững.

Gần 4.800 ca ngộ độc thực phẩm trong 11 tháng năm 2024

Theo Bộ Y tế, trong 11 tháng đầu năm 2024, toàn quốc ghi nhận 131 vụ ngộ độc thực phẩm làm 4.796 người mắc và 21 ca tử vong.