Giá cá ngừ vằn giảm mạnh
Gần tháng nay, tàu KH 93377 TS, hành nghề lưới rê (lưới cản) của ngư dân Huỳnh Văn Cầm, ở phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang (Khánh Hòa) đành nằm bờ vì tính toán vươn khơi sẽ không có lãi do giá cá ngừ vằn giảm mạnh.
Theo ông Cầm, trước tháng 9, cá ngừ vằn được các vựa thu mua với giá ổn định khoảng 30 ngàn đồng/kg, tuy nhiên sau đó liên tục giảm, hiện chỉ còn 19-20 ngàn đồng/kg. Điều này khiến ngư dân gặp nhiều khó khăn, đánh bắt không đủ chi phí, nguy cơ thua lỗ nặng.
Như chuyến biển gần đây, tàu của ông Cầm cập cảng cá Hòn Rớ, TP Nha Trang với sản lượng 15 tấn (chủ yếu cá ngừ vằn) sau hơn 20 ngày bám biển tại ngư trường Trường Sa.
Tưởng chừng, giá cá sẽ như mọi khi là 30 ngàn đồng/kg, tàu của ông sẽ lãi vài chục triệu đồng để khấu hao máy móc, thiết bị và trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, do giá cá ngừ vằn giảm khoảng 10 ngàn đồng/kg, cá chù chỉ còn 12 ngàn đồng/kg, giảm 8 ngàn đồng/kg, cộng với tổn phí cho chuyến biển khoảng 300 triệu đồng nên sau khi trừ chi phí, tàu của ông lỗ gần 100 triệu đồng.
“Tôi có hỏi đầu nậu vì sao giá cá rớt thấp thì họ nói nhập hàng cho doanh nghiệp nhưng kêu không ăn nữa nên mua thấp”, ông Cầm chia sẻ.
Chúng tôi có mặt tại cảng cá Hòn Rớ chứng kiến nhiều tàu lưới cản cập bến với sản lượng đạt 8-10 tấn. Tuy nhiên, do giá cá ngừ vằn thấp, chỉ từ 19-20 ngàn đồng/kg nên các chủ tàu đều than vãn không có lãi, bởi chi phí cho chuyến biển từ 200-300 triệu đồng (tùy tàu lớn nhỏ).
Lãnh đạo Ban quản lý cảng cá Hòn Rớ cũng xác nhận, việc giá cá thấp, trong khi chi phí chuyến biển, công lao động tăng cao khiến các chủ tàu gặp nhiều khó khăn. Do đánh bắt không có lãi nên chuyến biển vừa qua, nhiều ngư dân đã cho tàu lưới cản nằm bờ.
Đâu là nguyên nhân?
Ông Vũ Đình Đáp, Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, cho rằng, tình trạng giá cá ngừ vằn bắt đầu giảm khoảng 2 tháng nay tại các địa phương. Việc cá ngừ vằn thu mua dưới 30 ngàn đồng/kg, ngư dân đánh bắt đã có nguy cơ thua lỗ, huống hồ hiện nay chỉ còn trên dưới 20 ngàn đồng/kg.
Về nguyên nhân chính khiến giá cá này giảm mạnh, theo ông Đáp là do Nghị định số 37/2024/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ, trong đó có quy định kích cỡ cá ngừ vằn cho phép khai thác là 500mm (50cm).
Tuy nhiên, thực tế lâu nay trong mẻ lưới khai thác thì sản lượng cá ngừ vằn đạt kích cỡ này rất thấp, chỉ chiếm 3-5%.
Do đó, khi Nghị định 37 có hiệu lực đã quy định, nếu doanh nghiệp chế biến xuất khẩu mua cá ngừ vằn nhỏ hơn kích cỡ khai thác thì các cảng cá không cấp giấy xác nhận nguyên liệu. Chính vì vậy, hiện doanh nghiệp không mua cá ngừ như thường lệ mà thực hiện theo quy định nên sản lượng ùn lại nhiều. Trong khi loại cá này tiêu thụ nội địa không đáng kể, mà chủ yếu đưa vào chế biến đồ hộp để xuất khẩu là chính.
"Theo thống kê gần đây, hàng năm sản lượng cá ngừ vằn khai thác tại vùng biển vùng biển Việt Nam từ 60-80 ngàn tấn, trong đó 2/3, thậm chí 3/4 sản lượng đưa vào chế biến đồ hộp xuất khẩu. Đến năm 2023, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đóng hộp đạt trên 400 triệu USD. Và trong năm nay, nếu không có tình trạng này thì kim ngạch xuất khẩu sẽ còn đạt cao hơn nữa", ông Đáp bày tỏ.
Theo ông Đáp, hiện doanh nghiệp còn khó khăn hơn khi mua cá ngừ vằn từ tháng 8-9 về trước đã chế biến rồi nhưng giờ không làm hồ sơ xuất khẩu được. Do đó, Nghị định 37 không chỉ ngư dân gặp khó mà còn ảnh hưởng đến sản xuất, chế biến của doanh nghiệp và thị trường xuất khẩu. Do đó, nếu không tháo gỡ vấn đề này sớm thì xuất khẩu cá ngừ vằn, nhất là cá ngừ đóng hộp của Việt Nam sẽ mất thị trường.