Kiến nghị tháo gỡ quy định kích thước trong khai thác cá ngừ vằn. Trồng lúa theo hướng hữu cơ cho lợi nhuận gần 40 triệu đồng/ha. Hà Tĩnh đặt mục tiêu gieo trồng 12.600ha cây ngắn ngày trong vụ đông 2024. Gắn biển cây di sản tại Mù Cang Chải.
Kiến nghị tháo gỡ quy định kích thước trong khai thác cá ngừ vằn
Duy Học sản xuất
Sáng 30/8, Cục Kiểm ngư tổ chức cuộc họp bàn về một số khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Nghị định số 37/2024/NĐ-CP.
Tại đây, các doanh nghiệp thu mua và chế biến cá ngừ đều ủng hộ vấn đề bảo vệ nguồn lợi nhưng cho rằng, cần có những biện pháp phù hợp để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp cũng như đời sống của ngư dân. Hiện nay, quy định chỉ đánh bắt cá ngừ vằn từ 50cm đang khiến doanh nghiệp lẫn ngư dân lâm vào thế khó.
Ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho biết, đề xuất của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam và các doanh nghiệp là chính đáng. Cục Kiểm ngư sẽ đề xuất Bộ NN-PTNT xem xét sửa đổi quy định, nhưng quan điểm “vẫn phải quy định kích thước khai thác kết hợp hạn ngạch”. Tuy nhiên cần tính toán kích thước thế nào để vừa phù hợp cho bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đồng thời hỗ trợ sản xuất, đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp và ngư dân.
Trồng lúa theo hướng hữu cơ cho lợi nhuận gần 40 triệu đồng/ha
Văn Vũ sản xuất
Phòng NN-PTNT huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thành Chào vừa tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ sau gần 4 tháng triển khai.
Mô hình được thực hiện vụ lúa hè thu 2024 tại hộ ông Phạm Tấn Lực ở ấp Thới Phước 1, xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai với diện tích 1,5 ha, giống lúa gieo sạ là OM-34.
Đây là vụ lúa đầu tiên ông Lực áp dụng quy trình trồng lúa theo hướng hữu cơ, giúp hạn chế sử dụng phân, thuốc BVTV nhờ ít gặp sâu, bệnh hại. Năng suất ước đạt 8 tấn/ha, lợi nhuận gần 40 triệu đồng/ha.
Theo Trạm Khuyến nông huyện Thới Lai, mô hình đã giúp nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng các loại phân thuốc hữu cơ trong sản xuất lúa, đặc biệt là vùng sản xuất lúa 3 vụ.
Giúp sản phẩm lúa đạt chất lượng đáp ứng đưuọc xu hướng tiêu dùng hiện nay. Trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình, quy hoạch vùng sản xuất lúa hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Hà Tĩnh đặt mục tiêu gieo trồng 12.600ha cây ngắn ngày trong vụ Đông 2024
Thanh Nga sản xuất
Triển khai đề án sản xuất trồng trọt vụ đông năm 2024, tỉnh Hà Tĩnh đặt mục tiêu gieo trồng hơn 12.600 ha cây ngắn ngày như ngô lấy hạt, ngô sinh khối, dứa, cây khoai lanh, rau các loại và gần 400 ha cây lâu năm như cam, bưởi.
Để thực hiện đạt mục tiêu trên, ngoài lồng ghép các chính sách hỗ trợ, ngành nông nghiệp Hà Tĩnh đề nghị chính quyền các địa phương chủ động phối hợp doanh nghiệp cung ứng kịp thời vật tư, giống, phân bón đảm bảo chất lượng cho người dân; huy động tối đa nguồn lực tại chỗ phủ kín diện tích đất canh tác.
Đồng thời, căn cứ tình hình thời tiết linh hoạt cấu từng loại cây trồng sao cho phù hợp điều kiện thực tiễn từng địa phương.
Gắn biển cây di sản tại Mù Cang Chải
Thanh Tiến sản xuất
Hạt kiểm lâm huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái vừa phối hợp với Ban quản lý khu bảo tồn loài và sinh cảnh tổ chức gắn biển công nhận cây di sản tại khu vực bản Nả Háng, xã Chế Tạo.
Năm 2024, huyện Mù Cang Chải có 2 cây được công nhận cây di sản Việt Nam, hiện đang được bảo vệ tại khu vực Tà Cây Đằng, bản Nả Háng xã Chế Tạo gồm 1 cây pơ mu và 1 cây thiết sam Đông Bắc. Đây là 2 loại cây nằm trong nhóm gỗ quý đang được bảo vệ nghiêm ngặt. Hiện nay tại khu vực này có trên 1.000 cây thiết sam và quần thể pơ mu khá lớn với độ tuổi từ 300 đến 800 năm, có đường kính trung bình từ 2,5m đến 5,8m.
Việc gắn biển công nhận cây di sản cho cây thiết sam và pơ mu có ý nghĩa thiết thực thể hiện tầm quan trọng của loại cây này để mỗi người dân nâng cao hơn ý thức bảo tồn, bảo vệ phát triển cây pơ mu và cây thiết sam nói riêng, bên cạnh đó làm tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn huyện.