Nỗi lo lắng của một ngư dân
Đang mùa đánh bắt cá ngừ sọc dưa (cá ngừ vằn), nhưng ông Sáu Ninh (Bùi Thanh Ninh), ngư dân ở thôn Thiện Chánh 1, phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định, vẫn bỏ thời gian, lặn lội vào TP.HCM để chia sẻ về những khó khăn lớn mà ông và nhiều ngư dân khác đang phải đối mặt kể từ khi Nghị định 37/2024/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 37) có hiệu lực.
Gần như cả cuộc đời, Sáu Ninh gắn bó với nghề đánh bắt cá ngừ. Vì vậy, ông nắm rất rõ biển Việt Nam có những loài cá ngừ nào, loài nào có sản lượng lớn nhất cũng như kích thước, mùa vụ khai thác … Ông chia sẻ, vùng biển Việt Nam chủ yếu là cá ngừ sọc dưa (cá ngừ vằn), chiếm 80-90% sản lượng cá ngừ khai thác. Trong đó, tỷ lệ cá ngừ sọc dưa đạt 0,5 m (kích thước tối thiểu được phép khai thác theo Nghị định 37) trở lên là rất thấp, chỉ khoảng 5%.
Hiện đang là mùa vụ chính để khai thác cá ngừ sọc dưa (từ tháng 7 đến tháng 11 hàng năm). Nhưng quy định về kích thước tối thiểu được phép khai thác đối với cá ngừ sọc dưa đang khiến cho ngư dân bối rối. Bởi như đã nói ở trên, với chỉ khoảng 5% cá ngừ sọc dưa từ 0,5 m trở lên, thì đại đa số sản lượng cá ngừ sọc dưa mà ngư dân khai thác được hiện không thể bán cho các nhà máy, khiến cho ngư dân đành phải đổ trở lại xuống biển.
Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định, xác nhận, cá ngừ sọc dưa từ 2 kg/con trở lên (tương đương với kích thước 0,5 m trở lên) là rất ít, chỉ chiếm vài phần trăm trong sản lượng cá ngừ sọc dưa khai thác, và thỉnh thoảng mới có.
Chính vì vậy, sau khi Nghị định 37 được ban hành, nhiều doanh nghiệp sử dụng cá ngừ sọc dưa để chế biến xuất khẩu ở Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, đang rất lúng túng, không biết phải làm thế nào. Nếu doanh nghiệp vẫn mua cá ngừ sọc dưa mà không làm được giấy S/C do không đạt kích thước tối thiểu được phép khai thác theo Nghị định 37, thì sẽ không xuất khẩu được. Mà nếu không mua, doanh nghiệp sẽ không có nguyên liệu để sản xuất, công nhân không có việc làm.
Doanh nghiệp không mua cũng khiến cho cá ngừ sọc dưa phải để lâu trên tàu của ngư dân, nên bị xuống cấp, chất lượng kém. Khi ấy, ngư dân muốn bán ra thị trường nội địa sẽ không bán được. Mặt khác, thị trường nội địa không thể nào tiêu thụ được hết sản lượng cá ngừ sọc dưa hiện nay.
Thiếu nguyên liệu chế biến xuất khẩu
Những khó khăn, lúng túng của ngư dân, doanh nghiệp liên quan đến kích thước cá ngừ vằn đang góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nguyên liệu hải sản để chế biến xuất khẩu.
Bà Nguyễn Thị Vân Hà, chuyên gia thị trường cá ngừ của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết, thiếu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu đang là khó khăn lớn nhất đối với ngành hải sản Việt Nam. Hiện tại, nguồn nguyên liệu từ khai thác rất hạn chế do phần lớn tàu thuyền ở Việt Nam có quy mô nhỏ và thô sơ, trong khi ngư trường đánh bắt ngày càng thu hẹp.
Thêm vào đó, quy định chưa hợp lý về kích thước tối thiểu được phép khai thác đối với cá ngừ vằn tại Nghị định 37 cũng đang khiến cho sản lượng đánh bắt giảm.
Thông tin từ VASEP cho thấy, trong thời gian qua, kể từ khi Nghị định 37 có hiệu lực, một số doanh nghiệp cá ngừ đã dừng hoàn toàn việc thu mua nguyên liệu cá ngừ vằn khai thác trong nước của ngư dân do không đảm bảo kích cỡ 100% đạt 0,5 m trở lên.
Hầu hết các cảng cá hiện nay cũng đã ngừng cấp Giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác (giấy S/C) cho các lô hàng cá ngừ vằn do kích thước cá khai thác nhỏ hơn quy định của Nghị định 37. Trong khi giai đoạn này đang là 3 tháng vào vụ cao điểm (tháng 7, tháng 8, tháng 9) khai thác cá ngừ vằn của ngư dân Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch VASEP, nhận định, việc Chính phủ quy định kích cỡ thủy sản được phép khai thác, trong đó có cá ngừ, là nhằm bảo vệ sự nguồn lợi thủy sản, duy trì sự bền vững của hệ sinh thái dưới nước. Tuy nhiên, với cá ngừ vằn, quy định về kích thước tối thiểu được phép khai thác là chưa hợp lý.
Mặt khác, để ngư dân thực hiện tốt quy định về kích thước tối thiểu được phép khai thác của các loài hải sản thì phải có thời gian để đồng bộ tàu đánh bắt, lưới đánh bắt. Một quy định đưa ra mà áp dụng ngay sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến ngư dân và các doanh nghiệp chế biến hải sản.
Theo VASEP, 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hải sản của Việt Nam vẫn tăng trưởng là do doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu dự trữ. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu dự trữ này đang cạn dần. Trong khi những áp lực liên quan đến các quy định chống khai thác IUU, nhất là quy định mới tại Nghị định 37, có thể sẽ dẫn đến tình trạng thiếu nguyên liệu thuần túy trong nửa cuối năm 2024 và năm 2025.
Ngày 30/8, Cục Kiểm ngư (Bộ NN-PTNT) tổ chức cuộc họp bàn về một số khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Nghị định số 37/2024/NĐ-CP ngày 4/4/2024. Trong đó tập trung trao đổi, thống nhất phương án xử lý đối với quy định cá ngừ vằn được phép khai thác phải có chiều dài tối thiểu là 0,5 m. Cục trưởng Cục Kiểm ngư Nguyễn Quang Hùng đề xuất của doanh nghiệp là chính đáng. Cục Kiểm ngư sẽ tham mưu Bộ NN-PTNT rà soát, sửa đổi quy định, nhưng quan điểm “vẫn phải quy định kích thước khai thác kết hợp hạn ngạch”