| Hotline: 0983.970.780

Giả danh nhân viên ngân hàng để ‘hỗ trợ’ cài đặt sinh trắc học

Thứ Tư 03/07/2024 , 10:25 (GMT+7)

Lợi dụng một số khách hàng gặp khó khăn trong cập nhật sinh trắc học, đối tượng lừa đảo đã giả danh nhân viên ngân hàng đề nghị ‘hỗ trợ’ nhằm chiếm đoạt tài sản.

Thực hiện Quyết định số 2345/QĐ-NHNN ngày 18/12/2023 của Ngân hàng Nhà nước về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, kể từ ngày 01/07/2024, khách hàng cá nhân bắt buộc phải xác thực bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học bằng khuôn mặt khi thực hiện một số giao dịch trực tuyến trên kênh ngân hàng số bao gồm chuyển tiền liên ngân hàng trong nước/nạp ví điện tử có giá trị trên 10 triệu đồng/giao dịch hoặc giá trị từ 10 triệu đồng trở xuống nhưng tổng giá trị giao dịch trong ngày đạt trên 20 triệu đồng; Chuyển tiền ra nước ngoài; Thanh toán hóa đơn hàng hóa dịch vụ với tổng giá trị giao dịch trên 100 triệu đồng trong ngày; Kích hoạt dịch vụ ngân hàng số lần đầu hoặc đổi thiết bị sử dụng ứng dụng ngân hàng số.

Đây được coi là một lớp xác thực bổ sung bên cạnh lớp xác thực hiện tại bằng tin nhắn OTP hoặc Smart OTP, giúp gia tăng bảo vệ cho khách hàng trước các diễn biến phức tạp của tình trạng gian lận lừa đảo, đánh cắp thông tin bảo mật và chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Theo đó, với việc áp dụng xác thực sinh trắc học, kể cả trong trường hợp kẻ gian dùng thủ đoạn đánh cắp thông tin của khách hàng thì cũng khó có khả năng thực hiện hành vi tẩu tán tài sản, chuyển tiền giá trị lớn. Lớp bảo vệ bổ sung này giúp khách hàng giảm thiểu thiệt hại khi có rủi ro xảy ra. Đây được đánh giá là bước đi rất mạnh mẽ và quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước trong việc tăng cường đảm bảo an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến.

Dù vậy, trong giai đoạn đầu triển khai, lợi dụng tình huống một số khách hàng gặp khó khăn trong quá trình thao tác cập nhật thông tin sinh trắc học, các đối tượng lừa đảo đã giả danh nhân viên ngân hàng liên hệ khách hàng đề nghị “hỗ trợ” cài đặt sinh trắc học nhằm chiếm đoạt tài sản, thông tin của khách hàng.

Chị Lê Mai (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, mấy ngày hôm nay chị liên tục nhận được các cuộc gọi số máy lạ tự xưng là nhân viên ngân hàng gọi đến hỏi về việc xác thực sinh trắc học trên app ngân hàng và đề nghị hỗ trợ.

“Họ nói với tôi nếu không kịp thời xác thực thì tài khoản ngân hàng sẽ bị khóa và đề nghị tôi kết bạn zalo, cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, hình ảnh căn cước công dân, hình ảnh khuôn mặt để được hỗ trợ. Tuy nhiên, nhận thấy nhiều dấu hiệu đáng nghi nên tôi tắt máy và tự mình xác thực sinh trắc học theo hướng dẫn của ngân hàng”, chị Mai nói.

Không như chị Mai, anh Mạnh Quân (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, dù đã làm theo hướng dẫn của ngân hàng nhưng anh không thể tiến hành xác thực sinh trắc học trên app. Do đó, anh đã gửi thắc mắc dưới bài đăng trên fanpage của ngân hàng mà anh sử dụng.

“Ngay sau khi đăng bài lên fanpage ngân hàng thì ngay lập tức có một nick lạ nhắn tin cho tôi, tự xưng là nhân viên ngân hàng hỗ trợ. Họ gửi cho tôi một đường link, nói tôi tải về và cài đặt ứng dụng hỗ trợ thu thập sinh trắc học trên điện thoại. Tinh thần cảnh giác, tôi vào trang cá nhân của người đó để kiểm tra thì phát hiện là giả mạo”, anh Quân cho biết.

Thực tế, các ngân hàng đều cho biết, họ không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân qua các kênh như gọi điện, nhắn tin SMS, email, phần mềm chat (Zalo, Viber, Facebook messenger…). Do đó, khách hàng tuyệt đối không được bấm vào link, không cung cấp thông tin bảo mật tài khoản, dịch vụ ngân hàng số (tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP), dịch vụ thẻ (số thẻ, mã OTP), thông tin tài khoản hay bất cứ thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng, thông tin cá nhân nào khác.

Các ngân hàng cũng đưa ra cảnh báo khách hàng không chia sẻ các thông tin cá nhân, thông tin dịch vụ ngân hàng, thông tin giao dịch ngân hàng… lên mạng xã hội để tránh bị đối tượng lừa đảo lợi dụng mạo danh cán bộ ngân hàng liên hệ, yêu cầu được hỗ trợ hoặc yêu cầu cung cấp thông tin nhằm thực hiện các hành vi lừa đảo, gian lận và chiếm đoạt tiền trong tài khoản khách hàng.

Trong trường hợp gặp khó khăn khi thực hiện cập nhật thông tin sinh trắc học hay khi thực hiện xác thực sinh trắc học với các giao dịch trực tuyến, khách hàng nên gọi điện vào hotline hoặc tới điểm giao dịch ngân hàng gần nhất để được hỗ trợ.

App ngân hàng lỗi trong ngày đầu triển khai

Dù đã có thời gian chuẩn bị, nhưng ghi nhận cho thấy nhiều khách hàng đã gặp sự cố khi sử dụng app ngân hàng trong ngày đầu tiên áp dụng xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền online.

 

Cụ thể, một số khách hàng của Vietcombank cho biết trong sáng 1/7, app banking trên di động của nhà băng này bỗng dưng gặp lỗi đăng nhập. Theo đó, khách hàng không thể đăng nhập vào tài khoản để thanh toán, chuyển tiền hay các thao tác giao dịch khác trên app.

Chị Lê Mai Phương (Quận 1, TP. Hồ Chí Minh) cho biết sáng này 1/7 chị không thể đăng nhập được app banking của Vietcombank để chuyển tiền, dù trước đó đã đăng ký sinh trắc học thành công.

“App liên tục thông báo yêu cầu giao dịch bị gián đoạn trong khi tôi đã đăng ký sinh trắc học trước đó. Tôi đã liên hệ tổng đài để phản ánh sự cố và nhờ hỗ trợ nhưng tổng đài lại liên tục báo bận”, chị Phương cho biết.

Không chỉ chị Phương mà nhiều khách hàng khác của Vietcombank cũng phản ánh tình trạng tương tự. Tuy nhiên, rất may tình trạng này chỉ kéo dài trong vài giờ và hiện đã được khắc phục.

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm: Quân đội là điểm tựa vững chắc của nhân dân

Tổng Bí thư nhấn mạnh cần xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Australia có thể giúp đỡ Việt Nam trong chương trình 1 triệu ha lúa

Chiều 20/12, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski và cảm ơn Đại sứ với những đóng góp của ông trong nhiệm kỳ vừa qua.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.