| Hotline: 0983.970.780

Có thể xin cơ chế đặc thù làm 1 triệu ha lúa chất lượng cao

Chủ Nhật 30/06/2024 , 11:00 (GMT+7)

Cần Thơ Bộ KH-ĐT, Bộ NN-PTNT và các địa phương ĐBSCL họp bàn việc sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Theo đại diện Bộ NN-PTNT, ngay sau khi Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện đề án với các thành viên tham gia gồm: Lãnh đạo các Bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, WB và đại diện lãnh đạo 12 tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

Ông Vũ Thanh Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT), lý giải một số vấn đề liên quan đến đề xuất hỗ trợ hạ tầng, kỹ thuật Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ảnh: Kim Anh.

Ông Vũ Thanh Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT), lý giải một số vấn đề liên quan đến đề xuất hỗ trợ hạ tầng, kỹ thuật Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ảnh: Kim Anh.

Để đạt được các mục tiêu đề án, ông Tôn Thất Sơn Phong, Phó trưởng Ban phụ trách Ban quản lý các dự án nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho biết, từ nay đến năm 2030, Bộ dự kiến cần khoảng 2,7 tỷ USD từ các nguồn vốn.

Thời gian qua, Bộ NN-PTNT đã chủ động làm việc với nhiều tổ chức quốc tế như: WB, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Tổ chức SNV Hà Lan, Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI)… Đến nay, WB đã cam kết cho vay vốn và hỗ trợ kỹ thuật, IRRI và một số tổ chức khác cam kết tham gia hỗ trợ kỹ thuật.

Trên cơ sở đó, Bộ NN-PTNT cùng 12 tỉnh, thành vùng ĐBSCL và các Bộ, ngành đã đề xuất Dự án Hỗ trợ hạ tầng và kỹ thuật cho lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL (Gọi tắt là Dự án hỗ trợ kỹ thuật), vay vốn WB.

Dự kiến thời gian thực hiện dự án này khoảng 6 năm (2026 - 2031). Tổng mức đầu tư ước tính 430 triệu USD, tương đương trên 10.300 tỷ đồng. Trong đó, khoản vay từ WB khoảng 330 triệu USD (tương đương 7.953 tỷ đồng) và vốn đối ứng của Trung ương, địa phương là 100 triệu USD (tương đương 2.410 tỷ đồng).

Với mục tiêu đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng và áp dụng các biện pháp canh tác bền vững trong sản xuất lúa. Qua đó, gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo. Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với Quốc tế.

Một trong những cánh đồng giảm phát thải thực hiện theo quy trình Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại TP Cần Thơ. Ảnh: Kim Anh.

Một trong những cánh đồng giảm phát thải thực hiện theo quy trình Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại TP Cần Thơ. Ảnh: Kim Anh.

Dự án hỗ trợ kỹ thuật gồm 3 hợp phần. Hợp phần 1, sẽ phát triển cơ sở hạ tầng cho chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp. Ước tính nguồn vốn đầu tư cho hợp phần này khoảng 404,9 triệu USD. Trong đó, vốn WB khoảng 327,5 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng của Chính phủ và các địa phương.

Hợp phần 2 là phát triển và chuyển giao công nghệ, ước tính nguồn vốn khoảng 16,1 triệu USD. Trong đó, vốn vay của WB là 2,5 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ và các địa phương là 13,6 triệu USD.

Hợp phần 3 là quản lý dự án, ước tính khoảng 9 triệu USD vốn đối ứng Chính phủ và địa phương. Bao gồm vốn quản lý ở Trung ương, các tỉnh và hoạt động giám sát, đánh giá.

Qua nghiên cứu đề xuất Dự án hỗ trợ kỹ thuật, ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ KH-ĐT) chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại, như: chưa đề cập đầy đủ sự cần thiết của Dự án 1 triệu ha lúa chất lượng cao; các hạng mục dự án đề cập nhiều đến vấn đề hỗ trợ cơ sở hạ tầng; một số nội dung chưa phù hợp với nguyên lý vay vốn ODA

Ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ KH-ĐT), đề xuất Bộ NN-PTNT xin cơ chế đặc thù của Quốc hội làm chủ đầu tư Dự án hỗ trợ kỹ thuật. Ảnh: Kim Anh.

Ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ KH-ĐT), đề xuất Bộ NN-PTNT xin cơ chế đặc thù của Quốc hội làm chủ đầu tư Dự án hỗ trợ kỹ thuật. Ảnh: Kim Anh.

Từ đó, ông Mai đề nghị các cơ quan chuyên môn của Bộ NN-PTNT cần xem xét, tính toán, điều chỉnh đề xuất, để đảm bảo Dự án hỗ trợ kỹ thuật có tính thuyết phục cao.

Đồng thời, ông Mai đề xuất Bộ NN-PTNT có thể xin cơ chế đặc thù của Quốc hội cho phép Bộ NN-PTNT làm chủ đầu tư Dự án hỗ trợ kỹ thuật, được quyền chuyển vốn vay và nhiệm vụ cho các địa phương.

Về phía WB nếu có thể cam kết thu mua toàn bộ lượng giảm phát thải từ Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao với mức giá rõ ràng. Đây sẽ là giải pháp khả thi để Dự án hỗ trợ kỹ thuật thuận lợi trong quá trình phê duyệt.

Hiện WB đã làm việc với Quỹ Tài chính phát thải chuyển đổi (TCAF) và một số đối tác phát triển khác để huy động khoản viện trợ không hoàn lại cho dự án.

Riêng đối với khoản viện trợ từ TCAF, Bộ NN-PTNT đã có Đề xuất nguồn vốn viện trợ không hoàn lại với tổng kinh phí 44 triệu USD để thực hiện nội dung tài chính phát thải.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.