Doanh nghiệp ngành gỗ nói không
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Định mới đây, ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Ðịnh (FPA Bình Ðịnh) phản ánh gói tín dụng 15.000 tỷ đồng dành cho ngành lâm sản và thủy sản theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chưa đến tay các doanh nghiệp thành viên của FPA Bình Ðịnh.
Ông Lê Minh Thiện cho rằng các ngân hàng quốc doanh được Chính phủ và NHNN Việt Nam giao chủ công thực hiện gói tín dụng 15.000 tỷ đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn, giúp tháo gỡ khó khăn về tài chính để duy trì, phát triển hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, các ngân hàng chủ công thực hiện gói tín dụng 15.000 tỷ đồng nói trên chưa nhiệt tình hướng dẫn, thủ tục còn quá nhiêu khê, lãi suất cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Cùng hoạt động sản xuất kinh doanh ngành gỗ, nhưng nhiều doanh nghiệp tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai được vay vốn từ gói tín dụng 15.000 tỷ đồng. Còn tại Bình Định, các doanh nghiệp thành viên của FPA Bình Định gặp khó khăn khi tiếp cận gói tín dụng này.
“Từ đầu năm 2024 đến nay, ngành gỗ Bình Định đã có tín hiệu tăng trưởng trở lại sau thời gian dài khó khăn, ngành chế biến gỗ đang đứng trước triển vọng phục hồi. Hiện nay, các doanh nghiệp ngành gỗ ở Bình Định đang chuẩn bị dự trữ nguyên liệu đẩy mạnh sản xuất trong những tháng cuối năm, do đó, nhu cầu vay vốn là rất cao. FPA Bình Định mong muốn Chi ngánh NHNN tỉnh Bình Định tác động các ngân hàng thương mại, giúp các doanh nghiệp ngành gỗ tiếp cận được vốn vay phục vụ sản xuất kinh doanh”, ông Lê Minh Thiện chia sẻ.
Ngân hàng nói có
Sau phản ánh của ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch FPA Bình Định, ông Nguyễn Văn Thúy, Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Chi nhánh Bình Định (Vietcombank Bình Định), cho biết: Theo quy định của hội sở, doanh nghiệp chưa được vay vốn từ các gói tín dụng có hỗ trợ lãi suất đã được các ngân hàng triển khai, nhưng đảm bảo điều kiện của ngân hàng thì được vay vốn từ gói tín dụng 15.000 tỷ đồng do Vietcombank Bình Định triển khai.
“Trên tinh thần đó, từ tháng 7/2023, ngân hàng đã kết nối, thông tin chi tiết đến khách hàng về gói tín dụng 15.000 tỷ đồng nói trên. Đồng thời, ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn. Đến 26/6/2024, đã có 26 khách hàng sản xuất kinh doanh trên lĩnh vực lâm sản và thủy sản vay vốn từ gói tín dụng 15.000 tỷ đồng tại Vietcombank Bình Định, với dư nợ 1.150 tỷ đồng; lãi suất kỳ ngắn hạn bằng VNĐ từ 4-6%/năm, kỳ trung hạn 8%/năm. Trong số 26 khách vay vốn tại Ngân hàng, có nhiều doanh nghiệp là thành viên của FPA Bình Định”, ông Thúy khẳng định.
Còn ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Agribank Bình Định, thì cho hay: Thời gian qua, Agribank Bình Định đã tích cực triển khai nhiều chương trình tín dụng trên lĩnh vực NN-PTNT; trong đó, có gói 15.000 tỷ đồng. Agribank Bình Định cũng đồng thời cung cấp các dịch vụ tiện ích giúp khách hàng có thêm nhiều lựa chọn để giải quyết khó khăn về tài chính, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.
“Đây cũng là giải pháp giúp Agribank Bình Định đảm bảo mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024. Agribank Bình Định luôn chào đón khách hàng, trong đó có doanh nghiệp thành viên FPA Bình Định. Hiện nay, nguồn vốn và hạn mức vay đang rất dồi dào, chỉ cần khách hàng đảm bảo điều kiện vay vốn thì ngân hàng giải ngân ngay”, ông Nguyễn Xuân Hùng khẳng định.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Trà Dương, Giám đốc Chi nhánh NHNN tỉnh Bình Định, cho rằng từ tháng 7/2023, thực hiện chỉ đạo của NHNN Việt Nam, 4 ngân hàng quốc doanh và 1 số ngân hàng dân doanh trên địa bàn Bình Định đã triển khai gói tín dụng 15.000 tỷ đồng. Các ngân hàng áp dụng lãi suất cho vay bằng VNĐ thấp hơn từ 1-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại, theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và NHNN Việt Nam. Đến 30/5/2024, đã có 28 khách hàng được vay vốn từ gói tín dụng nói trên; doanh số cho vay đạt 3.081,5 tỷ đồng, tăng 1.549 tỷ đồng so với cuối năm 2023; dư nợ cho vay đạt 1.160,5 tỷ đồng, tăng 181,5 tỷ đồng.
Cũng theo ông Nguyễn Trà Dương, gói 15.000 tỷ đồng là vốn do các ngân hàng tự huy động, để doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực lâm sản và thủy sản vay có thời hạn, với lãi suất thấp hơn lãi suất bình quân cùng kỳ tại các ngân hàng, nhằm giảm bớt khó khăn về tài chính cho doanh nghiệp, chứ không phải Nhà nước hỗ trợ lãi suất vốn vay cho doanh nghiệp.
“Khoản tiền trong gói 15.000 tỷ đồng do ngân hàng tự bỏ ra, nên ngân hàng vừa phải đảm bảo mục tiêu tăng trưởng tín dụng, vừa phải đảm bảo an toàn vốn, doanh nghiệp nào đủ điều kiện vay vốn các ngân hàng sẽ giải ngân. Vì thế, FPA Bình Định và ngân hàng cần phải thực sự hiểu nhau mới giải quyết được vấn đề. Chi nhánh NHNN tỉnh Bình Định cũng thường xuyên giám sát các ngân hàng thực hiện văn bản chỉ đạo của NHNN Việt Nam và văn bản chỉ đạo của hội sở các ngân hàng về việc triển khai gói tín dụng nói trên, báo cáo với UBND tỉnh Bình Định”, ông Nguyễn Trà Dương cho hay.
Cũng theo ông Nguyễn Trà Dương, ngày 30/6 tới đây, gói tín dụng 15.000 tỷ đồng dành riêng cho lĩnh vực lâm sản và thủy sản sẽ hết thời hạn, nhưng nhận thấy việc duy trì gói tín dụng này mang lại nhiều lợi ích cho cả ngân hàng và doanh nghiệp, nên NHNN Việt Nam kiến nghị Chính phủ cho phép tăng quy mô gói tín dụng lên 30.000 tỷ đồng, kéo dài thời gian thực hiện đến hết năm 2024. Chính phủ đã thống nhất với kiến nghị của NHNN Việt Nam và chỉ đạo triển khai ngay. Đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp thành viên FPA Bình Định tiếp cận và vay vốn.
Tuy nhiên, sáng 30/6/2024, trao đổi với NNVN, ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch FPA Bình Định, cho rằng đến giờ này chưa 1 thành viên nào của FPA Bình Định được tiếp cận với nguồn vốn gói 15.000 tỷ đồng!