Kỷ vật chiến tranh tìm về chủ nhân
Sau hành trình hơn 1 tháng đăng tải thông tin tìm kiếm, mong mỏi được trao trả cuốn nhật ký cho chủ nhân mang tên Cao Xuan Tuat (sau này cơ quan chức năng xác định là liệt sỹ Cao Văn Tuất), ở xóm Cao Thắng, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Ngày 5/3, cựu binh Mỹ Peter Mathews đã hoàn thành ước nguyện đến tận gia đình thân nhân liệt sỹ để trao trả kỷ vật.
Ông Peter Mathews và vợ của mình – bà Christina Mathews đã vượt hơn 13.000 km, trải qua chuyến bay kéo dài hơn 22 tiếng đồng hồ để đến Hà Tĩnh.
Bước vào căn nhà cấp 4 của ông Hà Huy Mỳ (cháu ruột liệt sỹ Cao Văn Tuất), bằng sự kính trọng, vợ chồng ông Peter Mathews dâng nén hương tưởng nhớ liệt sỹ. Cựu binh Mỹ đặt lên ban thờ món quà là hai bông hồng tươi thắm ướp trong hộp thủy tinh cùng cuốn nhật ký của liệt sỹ Cao Văn Tuất.
Trong khoảnh khắc đó, không giấu được niềm xúc động, ông Peter Mathews nắm chặt bàn tay của bà Cao Thị Diếu (chị gái liệt sỹ Cao Văn Tuất), bày tỏ lòng cảm ơn trước sự đón tiếp nồng hậu của gia đình. Ông mong rằng sự có mặt của mình và kỷ vật này sẽ phần nào xoa dịu được nỗi đau, mất mát của gia đình liệt sỹ
Tại buổi lễ trao trả - tiếp nhận kỷ vật, ông Peter Mathews nói rằng, thời điểm nhặt được cuốn nhật ký ở chiến trường Tây Nguyên, ông rất bất ngờ vì trong cuốn sổ có những bài thơ, câu chữ và những bức tranh được trình bày rất đẹp. Quá trình lưu giữ cuốn nhật ký, Peter Mathews có cho người trong gia đình xem và cảm thấy rất tự hào về nội dung trong nhật ký.
“Tôi nghĩ cuốn nhật ký có ảnh hưởng rất sâu sắc. Thậm chí có người còn hoài nghi về cuốn nhật ký nhưng sau khi xem thì mọi hoài nghi đều biến mất, thay vào đó là sự hữu nghị, vị tha, khép lại quá khứ. Việc trao trả cuốn nhật ký cho gia đình liệt sỹ Cao Văn Tuất là sứ mệnh cũng là trách nhiệm mà tôi phải thực hiện”, cựu binh Mỹ bày tỏ.
Thân nhân liệt sỹ xúc động
Là người lưu giữ kỷ vật hơn nửa thế kỷ qua, ông Peter Mathews mong muốn người đầu tiên chạm tay vào cuốn nhật ký là một thân nhân của liệt sĩ Cao Văn Tuất. “Mỗi lúc nhìn lại cuốn nhật ký này, mọi ký ức về Việt Nam lại hiện về trong tôi. Cuốn nhật ký là một phần của cuộc đời tôi. Tôi mong gia đình liệt sỹ sẽ cất giữ cẩn thận”, cựu binh Mỹ nói.
Sau nhiều ngày chờ đợi, ông Hà Huy Mỳ đã tận tay cầm được kỷ vật cuối cùng của người cậu. Ồng bày tỏ niềm xúc động, bởi cuốn nhật ký có ý nghĩa quan trọng đối với gia đình ông.
“Chúng tôi sẽ giữ gìn kỷ vật chu đáo để giáo dục các thế hệ con cháu về lý tưởng cách mạng, lý tưởng sống của người chiến sĩ cách mạng. Mặt khác, chúng tôi hy vọng, từ cuốn nhật ký có thể tìm ra phần mộ của cậu Cao Văn Tuất”, ông Mỳ đặt niềm tin.
Thân nhân gia đình liệt sỹ Cao Văn Tuất cũng gửi lời cảm ơn ông Peter Mathews đã giữ gìn và trao trả nguyên vẹn kỷ vật cho gia đình. Cảm ơn các cơ quan chức năng Hà Tĩnh, đặc biệt là ông Trần Nhật Tân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh đã khâu nối giúp gia đình tìm và nhận lại được kỷ vật của liệt sỹ.
Trong trận chiến ở đồi 724, Đăk Tô, tháng 11/1967, cựu binh Mỹ đã nhặt được cuốn nhật ký ghi thông tin về Cao Xuan Tuat, xóm Cao thắng, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Thời điểm này ông không giao nộp cho cấp trên mà giữ lại. Sau 56 năm cất giữ, ông đã quyết định công bố thông tin để tìm kiếm chủ nhân cuốn nhật ký.
Tiếp nhận thông tin, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành xác minh thông tin. Kết quả xác định, Cao Xuan Tuat và liệt sỹ Cao Văn Tuất, ở thôn Cao Thắng, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh là một người.
Liệt sỹ Cao Văn Tuất, là con trai duy nhất trong gia đình có 4 chị em. Năm 1963, ông rời gia đình để lên đường nhập ngũ. Đến năm 1972, gia đình nhận được giấy báo tử. Ông hy sinh khi chưa lập gia đình. Hàng chục năm qua gia đình đã nỗ lực tìm kiếm phần mộ liệt sỹ nhưng vẫn chưa có kết quả.
Bà Dương Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh cho rằng: “Hành trình đưa kỷ vật của liệt sỹ Cao Văn Tuất trở về với gia đình hôm nay như là một cơ duyên. Chính quyền địa phương trân trọng cảm ơn gia đình ông bà Perter Mathews đã lưu giữ cuốn nhật ký vô cùng quý giá này. Cảm ơn ông bà đã dành thời gian quý báu từ nước Mỹ xa xôi đến tận gia đình liệt sỹ để trao trả kỷ vật thiêng liêng”.