| Hotline: 0983.970.780

Giá keo bị trả thấp sau bão số 3, Bí thư Huyện ủy cũng 'bó tay'

Thứ Ba 17/09/2024 , 10:33 (GMT+7)

QUẢNG NINH Sau bão số 3, hàng nghìn ha cây keo bị đổ gãy phải bán đổ bán tháo gỡ gạc vốn liếng. Hiện giá keo thu mua đang thấp hơn nhiều so với trước bão.

Bà con trồng rừng ở Ba Chẽ bị thiệt hại lớn do bão số 3. Ảnh: Cường Vũ

Bà con trồng rừng ở Ba Chẽ bị thiệt hại lớn do bão số 3. Ảnh: Cường Vũ

Do ảnh hưởng của siêu bão Yagi (bão số 3), toàn huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) bị thiệt hại trên 14.650ha cây lâm nghiệp; trong đó diện tích cây keo từ 2 - 6 tuổi, ước thiệt hại khoảng 14.500 ha, chiếm 40% tổng diện tích hiện có (khoảng 10.000 ha của hộ dân và 4.500 ha của các doanh nghiệp); làm gãy đổ khoảng 100ha cây thông và 50ha cây gỗ lớn (cây lim xanh 3 năm tuổi).

Ba Chẽ là huyện miền núi khó khăn nhất tỉnh Quảng Ninh. Lâu nay, bà con đồng bào dân tộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào trồng rừng, cây keo là chủ đạo. Trận bão số 3 đã "đánh" tan tác, gãy đổ cây lâm nghiệp của bà con, thiệt hại kinh tế rất nặng nề. Nhân dân vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn. 

Ngày 16/9, lãnh đạo huyện Ba Chẽ đã có buổi tiếp công dân định kỳ. Tại buổi tiếp, ông Trần Ngọc Thủy trú tại thôn Tân Tiến, xã Đồn Đạc kiến nghị về việc một số doanh nghiệp trên địa bàn huyện thu mua lâm sản ép giá nông dân sau bão số 3. 

Ông Thủy cho biết, trước bão số 3 các doanh nghiệp thông báo giá thu mua gỗ keo đen (trên 5 năm tuổi) là 960.000/tấn, giá keo trắng bóc sạch vỏ là 1.170.000 đồng/tấn. Sau bão giá thu mua gỗ keo đen (trên 5 năm) là 750.000/tấn, giá keo trắng bóc sạch vỏ là 950.000 đồng/tấn. Đây là giá mua tại xưởng, còn nông dân phải mất tiền thuê người chặt, vận chuyển keo đến nơi thu mua. Trừ các chi phí chặt keo, vận chuyển thì mỗi tấn keo nông dân thu về chỉ còn khoảng 200.000 đồng.

Sau trận bão số 3, keo bị gãy đổ hàng loạt. Bà con đang tất bật thu gom keo gãy đổ bán cho các cơ sở thu mua. Ảnh: Cường Vũ

Sau trận bão số 3, keo bị gãy đổ hàng loạt. Bà con đang tất bật thu gom keo gãy đổ bán cho các cơ sở thu mua. Ảnh: Cường Vũ

Tiếp công dân Trần Ngọc Thủy, lãnh đạo huyện Ba Chẽ đã chia sẻ những mất mát, thiệt hại về tài sản của nhân dân, nhất là thiệt hại to lớn về diện tích cây lâm nghiệp (cây keo) sau bão.

Bí thư huyện ủy Ba Chẽ Vũ Thành Long cho biết, trong và sau thời gian bão đổ bộ, huyện đã khẩn trương thông tin, báo cáo lên tỉnh về tình hình thiệt hại cây lâm nghiệp và đề xuất các chính sách hỗ trợ, đồng thời tập trung chỉ đạo việc xác minh, thống kê số lượng nguồn cây giống cùng các chính sách nhằm giúp đỡ, hỗ trợ người dân và các tổ chức doanh nghiệp lâm sản nhanh chóng phục hồi sản xuất.

Huyện cũng tiến hành làm việc, nắm bắt tình hình hư hỏng, thiệt hại cơ sở, vật chất, tàu thuyền của các doanh nghiệp xuất khẩu keo tại cảng Cái Lân và thông tin, trao đổi với các doanh nghiệp trên địa bàn huyện về việc thu mua lâm sản đối với diện tích cây lâm nghiệp của nhân dân và các tổ chức, doanh nghiệp bị thiệt hại sau bão…

"Hiện nay, do điều kiện khó khăn và thiệt hại chung của các doanh nghiệp và người dân, việc mua bán cây lâm nghiệp là thỏa thuận giữa người dân và các doanh nghiệp (người mua và người bán) nên việc trả lời kiến nghị công dân Trần Ngọc Thủy về việc có hay không các doanh nghiệp thu mua lâm sản trên địa bàn huyện có tình trạng ép giá là không có cơ sở để khẳng định và trả lời công dân", Bí thư Huyện ủy Ba Chẽ thẳng thắn nói.

Tuy nhiên, ông Long khẳng định UBND huyện sẽ tổ chức họp, tiến hành làm việc với đại diện các doanh nghiệp thu mua lâm sản trên địa bàn tỉnh và huyện về việc thu mua lâm sản đối với diện tích cây lâm nghiệp của nhân dân và các tổ chức doanh nghiệp bị thiệt hại sau siêu bão số 3 với mục tiêu cao nhất là hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân và các tổ chức doanh nghiệp, lâm sản, khắc phục thiệt hại. 

Đồng thời, huyện Ba Chẽ cũng đang tích cực chỉ đạo công tác đánh giá thực trạng đối với các diện tích rừng sản xuất bị thiệt hại của các tổ chức, cá nhân sau mưa bão. Chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn huyện rà soát, tổng hợp đánh giá thiệt hại của khách hàng đang vay vốn, kịp thời đề xuất các chính sách hỗ trợ lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ, tiếp tục cho vay đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị thiệt hại do bão, mưa lũ theo quy định của pháp luật, để tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có điều kiện khôi phục sản xuất kinh doanh.

Mặc dù trồng cây keo đã mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, giúp bà con nhanh chóng thoát nghèo. Song cây keo cũng là loại cây trồng có khả năng chống chịu gió bão kém, từ thực trạng cơn bão số 3 trên cho thấy, rất nhiều hộ gia đình đã bị mất trắng toàn bộ diện tích cây trồng. Do vậy, bà con nhân dân cần thay đổi tư duy, nghiên cứu thay đổi diện tích trồng keo bằng cây trồng gỗ lớn như lim, lát, giổi… để phòng chống gẫy đổ, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.