Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), nhập khẩu khoai lang của Nhật Bản trong 10 tháng năm 2020 đạt 11,03 nghìn tấn, trị giá 13,86 triệu USD, giảm 6% về lượng và giảm 15,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Giá nhập khẩu bình quân khoai lang của Nhật Bản trong 10 tháng năm 2020 đạt 1.257 USD/tấn.
Xét về lượng, Trung Quốc là thị trường cung cấp lớn nhất khoai lang cho Nhật Bản. Trong 10 tháng năm 2020, xuất khẩu khoai lang Trung Quốc sang Nhật Bản đạt 5,3 nghìn tấn, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 48,4% tổng lượng nhập khẩu khoai lang của Nhật Bản.
Việt Nam là thị trường cung cấp lớn thứ 2 cho Nhật Bản đạt 3,5 nghìn tấn, giảm 19,4% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 32,1% tổng lượng nhập khẩu. Tiếp theo là Indonesia đạt 2,16 nghìn tấn, giảm 16,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Xét về trị giá, Việt Nam là thị trường cung cấp khoai lang lớn nhất cho Nhật Bản trong 10 tháng năm 2020, đạt 7,24 triệu USD, giảm 22,9% so với cùng kỳ năm 2019. Tiếp theo là Trung Quốc (3,47 triệu USD) và Indonesia (3,151 triệu USD).
Về giá nhập khẩu bình quân, Việt Nam là thị trường cung cấp với mức giá trung bình cao nhất đạt 2.047,1 USU/tấn. Indonesia có mức giá trung bình cao thứ 2 đạt 1.461,6 USD/tấn; Trung Quốc có mức giá trung bình thấp nhất đạt 650,5 USD/tấn.
Như vậy, giá bình quân khoai lang Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản cao gấp hơn 3 lần so với khoai lang Trung Quốc.
Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu khoai lang bởi ngoài việc làm đồ ăn nhẹ, khoai lang còn được dùng thay thế cho gạo trong sản xuất rượu Nhật (shochu) ở Nhật Bản. Hiện Nhật Bản nhập khẩu khoai lang từ 3 nước là Việt Nam, Trung Quốc và Indonesia.