| Hotline: 0983.970.780

Gia Lai: Phấn đấu thành trung tâm chế biến rau quả của Tây Nguyên

Thứ Ba 14/01/2020 , 14:15 (GMT+7)

Vài năm nay, tỉnh Gia Lai đã tạo được nhiều đột phá quan trọng trong thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có công nghiệp chế biến với nhiều dự án lớn.

18-02-08_nh_dy_chuyen_sn_xut_cu_doveco_ti_huyen_mng_yng_2
Dây chuyền sản xuất của DOVECO tại huyện Mang Yang.

Trong số này, Trung tâm Chế biến rau quả hiện đại của Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) tại huyện Mang Yang có thể được xem là đầu tàu. 
 

Triển vọng vùng nguyên liệu

Nhận định về tiềm năng, thế mạnh phát triển rau, cây ăn quả ở Gia Lai, ông Đinh Gia Nghĩa - Giám đốc DOVECO Gia Lai cho rằng, tỉnh có diện tích đất nông nghiệp rộng lớn, thuận lợi cho việc cơ giới hóa trong canh tác. Đây cũng là vùng có điều kiện khí hậu, đất đai phù hợp để trồng các loại rau, cây ăn quả, do đó DOVECO chọn Gia Lai để đầu tư phát triển trồng trọt, sản xuất, xuất khẩu rau quả.

Đồng thời, yếu tố quyết định là chính sách thu hút đầu tư của tỉnh đang tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư, phát triển. Theo ông Nghĩa, hai yếu tố bảo đảm hiệu quả đầu tư là thị trường đầu ra và vùng nguyên liệu sản xuất. Với thị trường đầu ra, DOVECO là một trong những thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu rau quả không chỉ ở thị trường nội địa mà cả ở thị trường quốc tế.

"Với thị trường trong nước, sản phẩm của DOVECO đã có mặt ở hầu hết các siêu thị lớn, nhỏ và đang chiếm một thị phần lớn. Trồng trọt, chế biến rau quả được đánh giá là một trong những ngành hứa hẹn nhất của nền nông nghiệp Việt Nam, song hiện nay doanh nghiệp chế biến rau quả chỉ chiếm 2,19%, tỷ lệ chế biến thấp hơn nhiều so với các nước. Tất cả những điều đó mở ra thách thức và cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có DOVECO", ông Nghĩa cho hay.

Về vùng trồng nguyên liệu cung cấp cho hoạt động chế biến, theo ông Dư Văn Hoàn - Trưởng phòng Nguyên liệu Trung tâm chế biến rau quả DOVECO, đơn vị hiện đã phát triển vùng nguyên liệu gần 20.000 ha tại các huyện như Phú Thiện, Kông Chro, Ia Pa, Đak Pơ, Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông, Kông Chro, Kbang, Ia Grai, Đak Đoa, Mang Yang, thị xã An Khê và thị xã Ayun Pa.

DOVECO cũng đã phát triển sang Đăk Lăk, Kon Tum với diện tích 1.000ha. Bước đầu, Công ty đã ký hợp đồng trồng, tiêu thụ sản phẩm với nông dân và các tổ chức để trồng chanh dây, xoài, dứa, rau chân vịt, ngô ngọt, cải bó xôi. Kế hoạch đến năm 2020, vùng nguyên liệu của công ty sẽ đạt từ 25.000ha đến 30.000ha và hình thành vùng trồng bền vững theo định hướng phát triển của tỉnh Gia Lai.

18-02-08_nh_vuon_chnh_dy_cu_nguoi_dn_lng_h_nung_x_son_lng_huen_kbng
Vườn chanh dây của người dân làng Hà Nừng, xã Sơn Lang, huyện Kbang.

Còn theo ông Mã Văn Tình, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Kbang thì, năm 2017, DOVECO phối hợp với Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Sơn Lang trồng 25ha chanh dây. Những năm qua, nông dân tham gia vùng nguyên liệu có thu nhập ổn định từ cây chanh dây. Thời gian tới, huyện mong muốn công ty mở rộng thêm vùng nguyên liệu tại địa phương.
 

Nông dân trước cơ hội đổi đời

Cũng theo ông Đinh Gia Nghĩa, hàng năm, tổng sản lượng thu hoạch rau củ quả Việt Nam đạt 25 triệu tấn, trong đó tiêu thụ trái tươi chiếm 63%, chế biến 37%. Với 145 nhà máy chế biến trong nước, trung bình hàng năm, sản lượng rau củ quả chế biến chỉ đạt 1 triệu tấn nguyên liệu. Từ đó cho thấy, số lượng rau củ quả sau thu hoạch trên thị trường còn rất nhiều.

Thực tế, việc hình thành vùng trồng nguyên liệu hiện nay vẫn còn khó khăn. Bởi, trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nông dân còn gặp khó về vốn đầu tư, chưa mạnh dạn chuyển đổi do thói quen truyền thống hoặc do trước đây đã từng có doanh nghiệp khác ký hợp đồng trồng và bao tiêu nông sản cho nông dân nhưng không tuân thủ hợp đồng.

Để xóa tan những nghi ngại đó, DOVECO đã xây dựng Trung tâm chế biến tại địa phương, có chính sách bao tiêu với giá cả phù hợp và hỗ trợ kỹ thuật trồng cho nông dân. Công ty đã xây dựng được niềm tin với những nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng. Bước đầu, liên kết giữa DOVECO với nông dân sản xuất nguyên liệu đã có kết quả tốt, hứa hẹn sự kết nối bền vững, chặt chẽ và hiệu quả.

Ngoài việc tiêu thụ nông sản cho nông dân, DOVECO cũng góp phần tạo việc làm ổn định cho khoảng 5.500 lao động trên địa bàn, mức thu nhập bình quân từ 8 triệu đồng đến 10 triệu đồng/người/tháng.

18-02-08_nh_dy_chuyen_sn_xut_cu_doveco_ti_huyen_mng_yng_3
DOVECO góp phần tạo việc làm ổn định cho khoảng 5.500 lao động trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Là một trong những tổ liên kết ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm của DOVECO, ông Ngô Công Thanh, tổ trưởng tổ liên kết trồng chanh dây ở thôn 2 (xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) cho hay, năm 2019, tổ liên kết gồm 38 hộ ký hợp đồng với DOVECO trồng chanh dây trên diện tích 12 ha.

DOVECO cung cấp giống, vật tư phân bón đảm bảo chất lượng nhưng không tính lãi suất và chuyển giao kỹ thuật. Đến nay, trung bình 1 ha nông dân thu được 100 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.

"Thời gian đến, chúng tôi sẽ thu hút thêm nhiều thành viên tham gia tổ, mở rộng diện tích trồng thêm những cây khác cung cấp nguyên liệu cho Trung tâm chế biến để dần thoát khỏi tình cảnh bể nợ do cây hồ tiêu gây ra", ông Thanh cho hay.

Theo nhìn nhận của ông Đinh Gia Nghĩa, định hướng phát triển cây ăn quả và rau của tỉnh Gia Lai với diện tích lớn sẽ tạo tiền đề hình thành vùng nguyên liệu mới trên bản đồ vùng trồng rau quả của cả nước. Định hướng chuyển đổi cây trồng, dần thay thế những cây trồng kém hiệu quả kinh tế là một chủ trương đúng đắn khi mà tiềm năng tiêu thụ nội địa và mở rộng xuất khẩu rau quả ngày càng mở rộng.

“Định hướng này giúp công ty xác định được vùng trồng, chủ động về chất lượng, tự tin giới thiệu với khách hàng khắp nơi quy trình khép kín từ vùng trồng đến sản xuất, chế biến của DOVECO. Giúp khách hàng dùng sản phẩm của công ty trên khắp thế giới có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm và biết được xuất xứ hàng hóa là Gia Lai - Việt Nam”, ông Nghĩa kỳ vọng.

Theo PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai, ông Đoàn Ngọc Có, các địa phương đang rà soát lại những vùng có diện tích trồng rau, cây ăn quả để quy hoạch vùng nguyên liệu. Với nhu cầu mỗi năm xuất khẩu hàng chục ngàn tấn rau, trái cây thì sản xuất sạch theo hướng nhỏ lẻ hoàn toàn không đáp ứng được yêu cầu sản lượng và chất lượng.

Chính vì vậy, nông dân phải liên kết lại thông qua hợp tác xã, doanh nghiệp tạo thành vùng nguyên liệu sản xuất để cung cấp số lượng lớn mà thị trường yêu cầu. Đây là công cụ mấu chốt để xây dựng sự phát triển bền vững và toàn diện theo chuỗi giá trị.

 

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm