Giá lúa xu hướng giảm
Ông Nguyễn Phước Sang, ấp Phú Thọ, xã Tân Phú (Tam Bình, Vĩnh Long) cho biết: Giá lúa tăng được ít ngày sau khi thực hiện kế hoạch mua tạm trữ thì nay đã giảm trở lại và đang đứng ở mức 4.400 – 4.500đ/kg với lúa thơm nhẹ.
Trên cánh đồng ấp Phú Thọ, Phú Xuân nông dân đang thu hoạch lúa thơm giống OM 4900 bán không có người mua. Nhiều hộ nông dân phải chọn giải pháp thu hoạch lúa chở về nhà phơi chất đống để đó.
Sở NN – PTNT Vĩnh Long cho biết: Nông dân Vĩnh Long hiện đã thu hoạch được hơn 44.127 ha, đạt khoảng 72,4% diện tích xuống giống, năng suất bình quân đạt 7,25 tấn/ha.
Phần diện tích còn lại dự kiến sẽ thu hoạch dứt điểm vào cuối tháng 3/2015. Vụ lúa đông xuân trúng mùa nhưng bán không được giá và tiêu thụ chậm, ít người mua.
Giá lúa khô mua tại các nhà máy hiện đang dao động từ 5.150 đến 5.450đ/kg tùy theo chất lượng giống. Còn gạo nguyên liệu loại 5% tấm hiện khoảng 6.500 – 6.600đ/kg tùy từng địa phương; gạo nguyên liệu loại 25% tấm đang ở mức 6.250 – 6.350đ/kg tùy chất lượng gạo.
Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn tàu hiện khoảng 7.350 – 7.450đ/kg, gạo 15% tấm 7.100 – 7.200đ/kg và gạo 25% tấm khoảng 6.800 – 6.900đ/kg. Trong khi đó, giá thành sản xuất lúa vụ này tăng cao hơn so vụ ĐX năm ngoái khoảng 162 đ/kg.
Cụ thể giá thành sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh Bến Tre là 4.026đ/kg, tăng 192đ/kg; Tiền Giang là 3.835đ/kg, tăng 183đ/kg; Long An là 3.702đ/kg, tăng 176 đ/kg; Sóc Trăng là 3.662đ/kg, tăng 174 đ/kg...
Theo Sở Công thương Vĩnh Long: Trên địa bàn tỉnh có 4 DN được được Hiệp hội Lương thực Việt Nam giao mua tạm trữ 40.000 tấn lúa (20.000 tấn gạo). Sau hơn 15 ngày thực hiện thì các DN này đã thu mua tạm trữ được 7.649 tấn quy gạo, đạt 19,12% chỉ tiêu.
Trong đó, Cty CP Lương thực - Thực phẩm Vĩnh Long thu mua 4.800 tấn, Cty Lương thực Vĩnh Long mua được 755 tấn, Cty CP TM Hồng Trang thu mua được 2.094 tấn.
Ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Cty TNHH lương thực Thịnh Phát (Tiền Giang) cho rằng: Cần phải khẳng định chính sách mua tạm trữ của Chính phủ đã góp phần giữ giá lúa không bị sụt giảm sâu như trước tết. Tuy nhiên, việc mua tạm trữ lúa gạo để bình ổn giá chứ không có nghĩa làm tăng giá gạo nguyên liệu trong nước.
Vì trên thực tế mặt hàng gạo 5% tấm trên thị trường thế giới hiện chỉ chấp nhận ở mức giá 360 USD/tấn, trong khi đó giá trong nước có lúc 370 USD/tấn. Nếu DN mua gạo tạm trữ cầm chắc lỗ 10 USD/tấn, tương đương 200đ/kg. Trong khi đó nguồn hỗ trợ lãi suất trong thời gian tạm trữ lúa gạo DN được hưởng khoảng 120đ/kg.
Thương lái làm khó
Huyện Châu Đốc (An Giang) cũng đang bước vào thu hoạch rộ lúa ĐX, thóc chất đầy hai bên đường và khắp các bờ kênh, song vắng bóng thương lái thu mua. Nhiều nông dân ở đây bức xúc: Ban đầu nghe Chính phủ có quyết định thu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo thì giá lúa có nhích lên mức 4.200- 4.400đ/kg (tùy loại); giống lúa hạt dài chất lượng cao giá 4.600-4.700đ/kg nên nông dân phấn khởi, nhưng sau gần nửa tháng thu mua thì giá bắt đầu giảm, chỉ còn khoảng 4.100 – 4.250đ/kg đối với giống IR50404, còn các loại lúa khác khoảng 4.400 – 4.600đ/kg. Nông dân còn bị thương lái “làm khó” là đặt tiền cọc rồi đến cả tháng sau mới cho nông dân thu hoạch.
Ông Huỳnh Tấn Ngà, ở P. Châu Phú B, TP.Châu Đốc cho biết, gia đình ông canh tác gần 6 ha lúa giống IR50404. Hơn một tháng trước thương lái có đến đặt vấn đề mua lúa tại ruộng rồi đặt cọc mỗi công vài trăm ngàn đồng nhưng đến ngày thu hoạch thì khất lần, đợi đến khi lúa quá khô, đổ ngã nhiều mới cho cắt. Ông bức xúc vì mình tự thu hoạch thì họ không mua, nếu có thì giá rất thấp.
Ông Phạm Văn Đợi, Trưởng Phòng Kinh tế TP.Châu Đốc cho biết: Đến thời điểm này nông dân chỉ thu hoạch đạt trên 30% diện tích trong tổng số 700 ha của thành phố. Giá lúa hiện nay chỉ dao động từ 4.200 – 4.300đ/kg là cùng. Nếu so với trước khi có quyết định thu mua tạm trữ thì giá tăng rất ít.
Nhiều thương lái làm nghề lâu năm cho biết, đây là “chiêu” để họ giảm chi phí trong quá trình sấy lúa. Tình trạng này diễn ra phổ biến ở khu vực ĐBSCL, vì nếu cắt lúa đúng ngày thì họ phải sấy gần 24 giờ mới bảo đảm chất lượng gạo. Còn làm như trên thương lái giảm chi phí trong quá trình sấy.
“Đặt cọc rồi chọn ngày cắt thì chúng tôi vừa nhẹ chi phí mà mình quyết định được thời gian giao hàng cho bên mua và nguồn vốn cũng không bị ứ đọng” – một thương lái ở huyện Tịnh Biên giải thích.
Được biết, An Giang được phân bổ thu mua tạm trữ hơn 251.000 tấn lúa, có 34 DN trong và ngoài tỉnh tham gia. Hiện nông dân đã thu hoạch trên 50% diện tích, với năng suất bình quân đạt 6,7 tấn/ha, khả năng đạt sản lượng trên 2 triệu tấn thóc.