| Hotline: 0983.970.780

Giá nhiên liệu tăng cao, giá hải sản giảm thấp

Thứ Tư 08/12/2021 , 07:00 (GMT+7)

QUẢNG TRỊ Vụ cá Bắc 2021, bên cạnh phải đối mặt với thời tiết bất thuận, ngư dân còn gặp nhiều khó khăn do giá nhiên liệu tăng cao, trong khi giá hải sản lại giảm thấp.

Vụ cá Bắc là một trong những vụ đánh bắt chính của ngư dân Quảng Trị với những loại hải sản có giá trị cao như cá thu, cá ngừ, cá cờ, mực nang… Vụ cá bắt đầu từ tháng 10 âm lịch và kéo dài đến tháng 3 năm sau.

Nhiên liệu, nhu yếu phẩm… tăng cao

Ngư dân Nguyễn Vinh, thuyền trưởng tàu cá QT-95609TS cho biết, mở đầu vụ cá Bắc năm nay, thời tiết không mấy thuận lợi, biển động liên tục, sóng lúc nào cũng từ cấp 7 – 8 trở lên. Đã vậy, những phí tổn đầu vào như nhiên liệu, nhu yếu phẩm… cũng đang ở mức cao càng làm cho việc vươn khơi của ngư dân gặp nhiều khó khăn.

Ngư dân Quảng Trị vận chuyển nhu yếu phẩm xuống tàu chuẩn bị vươn khơi. Ảnh: CĐ.

Ngư dân Quảng Trị vận chuyển nhu yếu phẩm xuống tàu chuẩn bị vươn khơi. Ảnh: CĐ.

Ông Vinh dẫn chứng, với công suất tàu hơn 700 CV, một chuyến biển từ 8 – 10 ngày, tàu cá của ông tiêu tốn khoảng 2.000 – 2.500 lít dầu. Trong khi so với cùng kỳ năm trước, giá dầu diesel đã tăng đến hơn 40% nên chỉ tính riêng tiền nhiên liệu đã tăng thêm 18 – 20 triệu đồng.

Bên cạnh đó, chi phí cho các loại nhu yếu phẩm cũng tăng lên gấp 1,5 – 2 lần. Trong khi giá bán hải sản lại giảm thấp, đơn cử như giá cá thu từ 150.000 – 160.000 đồng/kg trong vụ cá Bắc năm 2020 hiện nay chỉ còn khoảng 125.000 đồng/kg. Thậm chí có thời điểm thương lái chỉ thu mua với giá từ 70.000 – 100.000 đồng/kg.

“Chuyến biển vừa rồi, tàu của tôi đánh được 8 vát lưới, thu được hơn 1 tấn cá thu, cá ngừ, bán được 85 triệu đồng, coi như vừa đủ phí tổn. Chưa kể các chi phí phát sinh khác như sửa chữa ngư lưới cụ, khấu hao tàu thuyền, tiền công cho bạn thuyền”, ông Vinh cho biết thêm.

Theo ngư dân Võ Ninh Bình, chủ tàu cá QT-98777TS, những năm trước, trong vụ cá Bắc, con tàu hơn 800 CV của ông thu được nhiều mẻ cá thu, cá ngừ giá trị cao. Sau khi trừ phí tổn, bình quân mỗi chuyến biển từ 8 - 10 ngày, bạn thuyền cũng được chia từ 6 – 8 triệu đồng/người. Tuy nhiên bước vào vụ cá Bắc năm nay, giá dầu diesel tăng gần gấp 2 lần trong khi giá thu mua hải sản vẫn đang ở mức thấp đã ảnh hưởng lớn đến việc vươn khơi của ngư dân.

Chi phí đầu vào cho các chuyến biển tăng cao nên ngư dân gặp rất nhiều khó khăn trong các chuyến biển vươn khơi. Ảnh: CĐ.

Chi phí đầu vào cho các chuyến biển tăng cao nên ngư dân gặp rất nhiều khó khăn trong các chuyến biển vươn khơi. Ảnh: CĐ.

Ông Bình cho biết, bình quân mỗi chuyến biển từ 8 – 10 ngày, tàu cá của ông tiêu tốn hơn 3.000 lít dầu, cộng với tiền đá lạnh, lương thực... thì chi phí cho mỗi chuyến biển khoảng 80 triệu đồng. Trong khi sản lượng đánh bắt cũng đang có dấu hiệu giảm sút, bình quân mỗi chuyến biển chỉ từ 1 – 1,5 tấn.

Nếu giá thu mua của thương lái vẫn ở mức thấp như hiện nay thì sau khi trừ phí tổn, hầu như các chủ tàu không có lợi nhuận. “Dịch bệnh Covid-19 không chỉ làm giá nhiên liệu tăng cao mà còn ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa. Trong khi thủy sản đánh bắt trong vụ cá Bắc chủ yếu là các loại cá xuất khẩu. Nếu tình hình này tiếp tục kéo dài, nguy cơ nhiều tàu cá phải nằm bờ là điều khó tránh khỏi”, ông Bình chia sẻ.

Hỗ trợ ngư dân kết nối với các cơ sở thu mua

Ông Nguyễn Xuân Phương, Chủ tịch UBND Thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh) cho biết, địa phương có gần 100 tàu cá tham gia khai thác trong vụ cá Bắc. Ngành nghề khai thác chủ yếu là nghề lưới rê bùng nhùng đánh bắt cá thu, cá ngừ; nghề pha xúc kết hợp vây rút chì và nghề chụp mực kết hợp với lồng bẫy ghẹ, ốc hương. Tuy nhiên, theo chia sẻ của ngư dân, giá của các loại hải sản trong vụ cá Bắc đều thấp hơn so với mọi năm.

Đơn cử như cá thu có trọng lượng từ 4 kg trở lên, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu những năm trước có giá từ 260.000 – 280.000 đồng/kg thì hiện nay chỉ còn khoảng 150.000 – 160.000 đồng/kg; ghẹ đỏ từ 300.000 – 350.000 đồng/kg nay chỉ còn 150.000 đồng/kg; ghẹ 3 chấm từ 70.000 – 80.000 đồng/kg nay chỉ còn 40.000 – 45.000 đồng/kg.

Do vậy, để hỗ trợ ngư dân, cùng với việc động viên ngư dân tiếp tục bám biển, địa phương đã tăng cường công tác thông báo tình hình thời tiết trên biển; hướng dẫn ngư dân tổ chức hoạt động sản xuất trên các vùng biển theo mô hình tổ, đội sản xuất trên biển; bám sát ngư trường, phát hiện ngư trường mới, tranh thủ thời điểm thời tiết thuận lợi để vươn khơi. Đồng thời, xây dựng phương án để kết nối sản phẩm khai thác với các cơ sở thu mua nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho ngư dân.

Tỉnh Quảng Trị đang xây dựng phương án kết nối với các cơ sở thu mua nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho ngư dân. Ảnh: CĐ.

Tỉnh Quảng Trị đang xây dựng phương án kết nối với các cơ sở thu mua nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho ngư dân. Ảnh: CĐ.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Trị, ông Nguyễn Hoài Nam thông tin, hiện Chi cục Thủy sản vẫn đang cùng đồng hành, hỗ trợ, động viên ngư dân tiếp tục bám biển; tăng cường thông tin tình hình thời tiết, dự báo ngư trường, vùng khai thác đến cho ngư dân.

Song song đó, đẩy nhanh tiến độ thẩm định kinh phí hỗ trợ nhiên liệu cho các tàu cá khai thác trên vùng biển xa theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; khuyến khích các chủ tàu khai thác xa bờ lắp đặt hệ thống bảo quản sản phẩm hải sản sau thu hoạch bằng bột xốp Polyuethane (PU), lót hầm tàu cá bằng inox...

Chi cục cũng khuyến khích các tàu cá ứng dụng các tiến bộ khoa học trên tàu như máy tời thủy lực, đèn led; trang bị máy dò ngang, ra đa, máy thông tin liên lạc tầm xa…; khuyến cáo ngư dân đánh bắt hải sản theo mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển để tương trợ lẫn nhau khi thời tiết biến động và giúp nhau ổn định đầu ra sản phẩm.

Đồng thời, phối hợp với các lực lượng có liên quan, các địa phương tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra về khai thác hải sản trên biển. Kiên quyết không cho tàu cá ra khơi khi chưa đủ các thủ tục, giấy tờ, các trang thiết bị theo quy định; nhất là với các tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT); xử lý nghiêm các trường hợp cố tình không bật thiết bị GSHT 24/24 giờ khi ra khơi.

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản Quảng Trị, toàn tỉnh hiện có hơn 360 tàu cá khai thác xa bờ có công suất từ 90 CV đến trên 1.000 CV và trên 1.600 phương tiện bãi ngang ven biển.

Ngư trường truyền thống của ngư dân Quảng Trị trong các vụ cá Bắc, vụ cá Nam chủ yếu xung quanh đảo Cồn Cỏ, Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. 

Xem thêm
Hướng đến nuôi trồng thủy sản bền vững: [Bài 3] Sắp xếp lại lồng bè

Các tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa sẽ bố trí, sắp xếp lại lồng bè, lập đề án tổng thể phát triển ngành nuôi trồng thủy sản để người dân yên tâm sản xuất.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Cùng ngư dân Trà Vinh thắp sáng đèn trên biển

Trà Vinh Những suất quà tặng bà con ngư dân gồm bình ắc quy, đèn led, combo pin, túi thuốc, cuốn cẩm nang nhằm hỗ trợ, động viên ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển