| Hotline: 0983.970.780

Sản lượng khai thác vụ cá Bắc đạt gần 1,6 triệu tấn

Chủ Nhật 31/03/2019 , 15:43 (GMT+7)

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), tổng sản lượng khai thác thủy sản vụ cá Bắc năm 2018 -2019 đạt 1,589 triệu tấn tăng 6,2% so với cùng kỳ vụ cá Bắc 2017-2018 (1.496 nghìn tấn). Vụ cá Nam năm 2019 dự kiến đạt 2.106 nghìn tấn.

Hội nghị tổng kết khai thác cá vụ Bắc năm 2018-2019 và triển khai khai thác cá vụ Nam năm 2019 do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì, diễn ra tại Quảng Ninh, chiều 31/3.

Ông Nguyễn Công Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, năm 2018, giá trị sản xuất thủy sản ước đạt khoảng 227.460 tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm 2017. Tính riêng giá trị sản xuất thủy sản khai thác năm 2018 ước đạt 87.441 tỷ đồng, tăng 5,4% so với năm 2017.

Sản lượng khai thác thủy sản vụ cá Bắc 2018-2019 là 1.589 tấn

Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2018 đạt 9,01 tỷ USD, tăng 8,5% so với năm 2017, trong đó xuất khẩu hải sản đạt trên 2,98 tỷ USD, tăng 8,2% so với năm 2017, chiếm 34% trong tổng kim ngạch thủy sản xuất khẩu.

Các sản phẩm hải sản đóng góp tỷ trọng xuất khẩu chính trong nhóm tổng kim ngạch xuất khẩu hải sản năm 2018 lần lượt như sau: Mực và bạch tuôc (23%), cá ngừ (22%), cua ghẹ (4%), nhiễm thể hai mảng vỏ (3%) và cá biển khác (48%).

Về kết quả thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo thẻ vàng của EU về IUU, Theo Tổng cục Thủy sản, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị đã đem lại những kết quả tích cực, được các đoàn thanh tra của EC đánh giá cao. Các địa phương đã chủ động, tập trung nguồn lực, có các biện pháp cụ thể, cấp bách để quản lý, kiểm soát đội tàu cá trên địa bàn quản lý; Đã có nhiều đổi mới về hình thức, nội dung tuyên truyền, tập huấn cho ngư dân về ngăn chặn, chấm dứt tàu cá vi phạm khai thác IUU mang lại hiệu quả.

Về điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản: theo kết quả điều tra nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hải sản những năm gần đây nguồn lợi thủy sản có dấu hiệu suy giảm cả về trữ lượng, chất lượng, nhiều loài hải sản kinh tế hiện nay bắt gặp với tần suất thấp (từ 5,07 triệu tấn giai đoạn 2000-2005 xuống 4,36 triệu tấn giai đoạn 2011-2015). Tuy nhiên, vụ cá Bắc 2018-2019, các đối tượng cá nổi nhỏ xuất hiện nhiều tại ngư trường thuộc các tỉnh miền Trung và Đông Nam Bộ như: cá cơm, cá nục, cá chỉ vàng, ruốc, thu bè. Theo đánh giá trữ lượng cá nổi nhỏ năm 2017 thì trữ lượng cá nổi nhỏ trên các vùng biển Việt Nam vào khoảng 2,452 triệu tấn giảm gần 20% so với năm 2012.

“Trong vụ cá Bắc 2018-2019, Tổng cục Thủy sản tiếp tục phối hợp với Viện Nghiên cứu Hải sản, Sở NN-PTNT, Chi cục Thủy sản các tỉnh ven biển tuyên truyền, phổ biến đến ngư dân về các thông tin dự báo ngư trường khai thác hải sản thông qua các lớp tập huấn, cấp phát tại cảng cá, chi cục, đài thông tin duyên hải. Việc đưa bản tin dự báo ngư trường đến với ngư dân đã tạo được sự thuận lợi trong việc tìm kiếm ngư trường đánh bắt, nâng cao hiệu quả, giảm bớt chi phí chuyển biển cho ngư dân”, ông Hùng nói.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, ngành chế biến thủy sản hiện nay đã phát triển thành một ngành kinh tế mũi nhọn, sản xuất hàng hóa lớn, đi đầu trong hội nhập kinh tế quốc tế.

“Hiện nay chúng ta có 620 cơ sở chế biến thủy sản quy mô công nghiệp, trong đó có 415 nhà máy, cơ sở đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật, Mỹ, EU và các thị trường khó tính khác; có 3000 cơ sở chế biến quy mô nhỏ tại các làng nghề truyền thống phơi khô, làm mắm, đông lạnh, phile, đồ hộp,...”, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến, cho hay.

Cũng theo ông Toản, các sản phẩm thủy sản chế biến của Việt Nam đã có mặt tại hơn 170 thị trường trên thế giới với đầy đủ các chủng loại sản phẩm hết sức phong phú như: thủy sản đông lạnh, thủy sản khô, đồ hộp, trong đó nhiều sản phẩm có chất lượng, giá trị cao đáp ứng được những thị trường khó tính nhất trên thế giới như Mỹ, EU, Nhật Bản,...

Xuất khẩu thủy sản liên tục duy trì tăng trưởng trong những năm qua, trung bình hàng năm gần 8%. Trong đó xuất khẩu hải sản chiếm từ 29-33% tổng xuất khẩu thủy sản hàng năm của Việt Nam.

Năm 2018, ngành thủy sản đã thực hiện xúc tiến thương mại (XTTM) theo 3 nhóm. Thứ nhất, tiếp tục thực hiện chương trình XTTM tại thị trường chính như Mỹ, châu Âu, Trung Đông, Trung Quốc với sự tham gia đóng góp chủ động của các doanh nghiệp và một phần kinh phí cùng sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Thứ hai, các doanh nghiệp chủ động tham gia các triển lãm, trao đổi gian hàng. Thứ ba, đã đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh thủy sản Việt Nam trên các kênh truyền thông; tích cực cập nhật thông tin, quy định và hướng dẫn doanh nghiệp XTTM tại các thị trường.

Vận chuyển hải sản sau khai thác tại Cảng Lạch Hới (TP Sầm Sơn)

Ngoài định hướng chế biến, tiêu thụ xuất khẩu những năm gần đây nhu cầu chế biến, tiêu thụ nội địa tăng mạnh, các sản phẩm thủy hải sản đã được thị trường trong nước tiêu thị mạnh mẽ, đóng góp quan trọng trong việc đảm bảo nhu cầu thực phẩm ”sạch” trong nước, cung cấp nguồn dinh dưỡng chất lượng cho người dân.

Căn cứ kế hoạch năm 2019 của ngành Thủy sản với tổng sản lượng khai thác thủy sản là: 3.695 nghìn tấn, tăng 2,6% so với năm 2018, trong đó 3.475 nghìn tấn khai thác biển và 220 nghìn tấn khai thác nội địa; căn cứ tình hình dự báo thời tiết và an ninh trên biển, căn cứ số lượng tàu cá, cơ cấu nghề khai thác thủy sản, kế hoạch khai thác thủy sản vụ cá Nam năm 2019 là: 2.106 nghìn tấn, trong đó: Khai thác hải sản là  1.979 nghìn tấn; khai thác nội địa là 127 nghìn tấn.

Giá trị sản xuất năm 2019 theo kế hoạch là 238.117 tỷ đồng tăng 4,7% so với năm 2018, trong đó giá trị sản xuất thủy sản từ khai thác 91.463 tỷ đồng, tăng 4,6% so với năm 2018.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, trong những năm qua, ngành thủy sản đã có những bước phát triển khá toàn diện cả về khai thác, nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu, duy trì được tăng trưởng nhanh và ổn định.

“Khai thác các vụ Bắc năm 2018-2019 được triển khai trong điều kiện thời tiết thuận lợi. Nguồn lợi thủy sản có dấu hiệu phục hồi. Giá cả cũng tăng do nhu cầu tiêu thụ lớn. Từ đó, thu nhập của ngư dân ổn định và từng bước nâng cao”, Thứ trưởng nói.

Theo Thứ trưởng, định hướng phát triển thủy sản là chuyển từ phương thức sản xuất truyền thống sang sản xuất công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Tổ chức lại khai thác hải sản theo hướng giảm khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác xa bờ phù hợp với từng vùng biển và khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển.

“Thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản bền vững, tăng cường bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, nghiêm cấm các hoạt động khai thác tận diệt, hiện đại hóa công tác quản lý nghề cá trên biển”, Thứ trưởng Tiến đề nghị.

Cũng theo Thứ trưởng, Luật Thủy sản năm 2017, các văn bản hướng dẫn, cũng như quản lý hệ thống dữ liệu nghề cá là điều kiện tiên quyết để đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của ngành thủy sản.

Xem thêm
Liên kết sản xuất để khai thác thế mạnh ngành tôm

NGHỆ AN Ngành tôm Việt Nam đạt được bước tiến dài trên trường quốc tế nhưng chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có, đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa các chuỗi liên kết.

Chấn chỉnh khai thác thủy sản hồ Sơn La

SƠN LA Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND các xã của huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức gần 70 đợt kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác thủy sản trái phép.

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Hỗ trợ trực tiếp cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển

Cà Mau Ngày 20/10, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Kiểm ngư Cà Mau, các nhà tài trợ, tổ chức chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'.