| Hotline: 0983.970.780

Gia tăng người mắc cúm mùa, không tự ý dùng thuốc Tamiflu

Chủ Nhật 29/12/2019 , 13:10 (GMT+7)

Cục Y tế dự phòng dự báo trong thời gian tới, số mắc bệnh cúm có thể ghi nhận gia tăng trên toàn quốc, nhất là trong mùa đông xuân và dịp Tết nguyên đán, lễ hội tập trung đông người.

cm-cum-2061636795
Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, người dân không tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng virus (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo chỉ định, hướng dẫn của thầy thuốc.
 

Gia tăng số người mắc cúm mùa

Theo ghi nhận tại các bệnh viện, hai tuần gần đây khi Miền Bắc trải qua những đợt không khí lạnh tăng cường khiến gia tăng bệnh nhân mắc cúm A. Trong đó, có rất nhiều trẻ em. BS Đỗ Thiện Hải, Trung tâm Bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết: Riêng trong tháng 11, gần 500 bệnh nhân cúm nhập viện. Trong hơn một tuần vừa qua, tối nào cũng có hơn 500 bệnh nhi đến khám, chủ yếu vì cúm, số bệnh nhân tăng 10-20% so với trước.

Tương tự, tại Bệnh viện Thanh Nhàn, mỗi ngày khoa Nhi tiếp nhận 50- 60 ca. Thậm chí có ngày cao điểm nhất, theo BSCK II, khoa Nhi của Bệnh viện này cho hay có tới 200 bệnh nhi tới khám. Trong số đó, tới ½ (100 bệnh nhi) phải nhập viện điều trị.Bệnh viện này đã phải bố trí thêm phòng khám, trả kết quả nhằm giải quyết tình trạng quá tải hiện nay.

Lý giải tình trạng bệnh nhân mắc cúm gia tăng trong những ngày gần đây, đặc biệt tại những bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội và TP.HCM, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho hay, thời tiết đang là mùa đông, nhất là đối với miền Bắc, khí hậu lạnh ẩm, nhiệt độ thay đổi thất thường tạo điều kiện thuận lợi cho virus cúm dễ dàng phát triển và lan truyền.

Cùng với đó, ô nhiễm môi trường tăng cao, điều kiện đi lại, giao thương ngày càng gia tăng giữa các khu vực, vùng miền và trên thế giới, làm tăng nguy cơ mắc bệnh cúm. Hiện các chủng virus cúm được ghi nhận chủ yếu là virus cúm A (H1N1) và B.

Cục Y tế dự phòng dự báo trong thời gian tới, số mắc bệnh cúm có thể ghi nhận gia tăng trên toàn quốc, nhất là trong mùa đông xuân và dịp Tết nguyên đán, lễ hội tập trung đông người.
 

Không nên quá lo lắng

Chia sẻ với phóng viên, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh cúm mùa do virus gây ra là bệnh lây truyền qua đường thở thông qua tiếp xúc và dùng chung vật dụng với người bệnh hoặc tiếp xúc với gia cầm, sản phẩm từ gia cầm, vật dụng và môi trường bị nhiễm mầm bệnh. Phần lớn các trường hợp mắc cúm mùa đều tự khỏi.

Bệnh năm nào cũng xảy ra, do đó, PGS Dũng nhấn mạnh “bệnh nhân mắc cúm mùa không nên quá lo lắng”. Bởi đây là căn bệnh lây truyền qua đường hô hấp, người lành có thể mắc bệnh trực tiếp khi hít phải giọt bắn nước mũi, nước bọt khi người bệnh hắt hơi, ho hoặc gián tiếp qua bàn tay khi cầm nắm các vật dụng có nhiễm nước mũi, nước bọt của bệnh nhân như thành giường, tay nắm cửa, điện thoại… hoặc do dùng chung dụng cụ với bệnh nhân như cốc chén, bát đũa, thau chậu… Đặc biệt, bệnh thường dễ lây lan ở những nơi có đông người như cơ quan, nhà trẻ, chung cư.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng giai đoạn đầu bệnh thường kéo dài khoảng 3 ngày với các triệu chứng sốt, lạnh run, nhức đầu, đau cơ, mệt mỏi, ăn không ngon. Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng hô hấp sẽ xuất hiện như ho khan, sổ mũi, đau họng. Sốt là triệu chứng quan trọng, nhiệt độ thường tăng nhanh và cao đến 40 – 41 độ C và thường kéo dài 3 ngày đầu, nhưng có thể lên tới 4 - 8 ngày.

“Biến chứng hay gặp nhất của cúm là sốt quá cao gây co giật, viêm phổi có thể do virus cúm hoặc viêm phổi do bội nhiễm các vi khuẩn khác có trong hầu họng của bệnh nhân”, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh.

Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là chăm sóc, nâng cao thể trạng, theo dõi sức khỏe để không bội nhiễm và không lây bệnh cho người khác.

Theo đó, đối với bệnh cúm thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người già sức đề kháng kém, đặc biệt là người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch ... thì bệnh cúm có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.

“Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là chủ động tiêm vắc xin cúm để phòng bệnh”, Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo. Trong trường hợp không may mắc phải, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng lưu ý tới vấn đề sốt và chăm sóc đề phòng biến chứng. Theo đó, người bệnh cần dùng thuốc hạ sốt 6 tiếng/lần, vệ sinh sạch sẽ miệng, mũi, họng và nếu trẻ em cần dùng thuốc giảm ho để tránh biến chứng viêm phổi. Đối với trẻ khi bị ốm và sốt thì nhu cầu dinh dưỡng phải tăng lên từ 10% – 30% để có thể phục hồi lại cơ thể.

Để chủ động phòng chống cúm mùa, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau:

1. Tiêm vắc xin cúm mùa để tăng cường miễn dịch phòng chống cúm.

2. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

3. Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng.

4. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; Sử dụng khẩu trang y tế khi cần thiết.

5. Người dân không tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng virus (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo chỉ định, hướng dẫn của thầy thuốc.

6. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

(Kiến thức gia đình số 52)

Xem thêm
Tập thể dục vào sáng và tối giảm nguy cơ ung thư ruột kết hơn 10%

Hoạt động thể chất vào các thời điểm khác nhau trong ngày có thể dẫn đến những kết quả khác nhau cho sức khỏe về lâu dài.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Nấm linh chi có giúp ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ không?

Nấm linh chi có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, nên nhiều người cho rằng có thể dùng nấm linh chi để chống lại sự tấn công của những virus có hại.