| Hotline: 0983.970.780

Giá thịt heo cao, sao không chọn cá tra vừa ngon, bổ, rẻ vừa dễ ăn?

Thứ Sáu 07/08/2020 , 17:11 (GMT+7)

Trong thời điểm khó khăn hiện nay việc liên kết, tiêu thụ cá tra trong nước và xuất khẩu là vấn đề được quan tâm ở nhiều doanh nghiệp chế biến và người nuôi.

Ngày 7/8, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu đến làm việc với tỉnh An Giang để bàn giải pháp kết nối sản xuất - tiêu thụ sản phẩm cá tra ra thị trường miền Bắc, xuất khẩu sang thị trường Nga.

Chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang, cho biết: Đến nay, An Giang có diện tích mặt nước nuôi cá tra thương phẩm là 1.226 ha, có khoảng 6.582 hộ nuôi thủy sản với diện tích thu hoạch hàng năm khoảng 3.400 ha, sản lượng khoảng trên 500.000 tấn/năm.

Trong đó, diện tích nuôi cá tra theo các tiêu chuẩn chất lượng đạt 477 ha, chiếm 39% diện tích nuôi cá tra (trong đó tiêu chuẩn ASC 91ha, chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 386ha), sản lượng 148.000 tấn/năm.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Giá bán cá tra thương phẩm dao động khoảng 17.500-18.500 đồng/kg, giảm 5.000-10.000 đồng/kg so cùng kỳ. Đến nay, tỉnh đã triển khai và hình thành được 3 chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp với thành phần gồm Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II (cấp 1), Trung tâm Giống thủy sản và các cơ sở vệ tinh sản xuất cá tra bột (cấp 2) và cấp 3 chi hội ương giống cá tra; hằng năm sản xuất và cung cấp khoảng 4,5-5 tỷ cá tra bột và khoảng 500-600 triệu cá tra giống.

Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid 19 nên xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, tác động đến sản xuất cá tra, giá cá thời điểm 2020 xuống thấp nhất trong vòng 5 năm qua, người nuôi gặp khó khăn, thua lỗ, nhiều hộ ương giống trong các chuỗi liên kết cá tra 3 cấp tạm ngưng sản xuất hoặc chuyển sang sản xuất đối tượng khác.

Quy trình kỹ thuật sản xuất giống cá tra vẫn chưa ổn định, tỷ lệ hao hụt còn cao, do đó ảnh hưởng đến chất lượng con giống sản xuất cũng như hiệu quả kinh tế cho các hộ ương trong chuỗi 3 cấp.

Theo ông Lâm, đến thời điểm hiện nay, các chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp đã sản xuất được 12 tỷ cá tra bột và 1,2 tỷ cá tra giống có truy xuất nguồn gốc.

Chất lượng cá tra bột được đánh giá có chất lượng tốt hơn cá tra bột sản xuất ngoài chuỗi liên kết như hoạt động nhanh nhẹn, kích thước cá bột lớn hơn, tỷ lệ sống cá ương 15 ngày tuổi cao hơn…

Hiện nay chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp An Giang đã sản xuất được 12 tỷ cá tra bột và 1,2 tỷ cá tra giống có truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hiện nay chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp An Giang đã sản xuất được 12 tỷ cá tra bột và 1,2 tỷ cá tra giống có truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

An Giang cũng đề xuất với Bộ NN-PTNT tiếp tục hỗ trợ Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL và tiếp tục bổ sung thay thế dần đàn cá tra bố mẹ được cải thiện di truyền về tốc độ tăng trưởng và kháng bệnh, để phân bổ cho các cơ sở sản xuất cá tra bột tham gia chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp của tỉnh, giai đoạn năm 2021 - 2025.

Hỗ trợ vốn thực hiện dự án ưu tiên đầu tư trong Đề án cá tra 3 cấp như: Đầu tư nâng cấp Trung tâm giống cá tra chất lượng cao tỉnh An Giang bao gồm 2 hợp phần. Hợp phần 1, đầu tư nâng cấp trung tâm giống cá tra chất lượng cao với số tiền 270 tỷ đồng. Hợp phần 2, đầu tư phòng thí nghiệm di truyền chọn giống cá tra với số tiền là 30 tỷ đồng.

Theo ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, thời gian qua tuy gặp nhiều khó khăn nhưng An Giang vẫn xác định thủy sản là ngành hàng chủ lực, mũi nhọn nên tiếp tục tập trung tái cơ cấu để đảm bảo phát triển bền vững.

Trong tái cơ cấu ngành cá tra phải đi từ khâu chọn tạo cá bố mẹ đến ương dưỡng cá giống và liên kết tạo chuỗi nuôi khép kín. Hình thành cụm liên hoàn nuôi chất lượng cao gồm nông dân và doanh nghiệp từ 800-1.000 ha.

Tạo điều kiện hỗ trợ mở rộng phát triển mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết trong hoạt động sản xuất giống và nuôi cá tra thương phẩm với thành phần liên quan tham gia chuỗi liên kết được chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm, trong đó doanh nghiệp tiêu thụ là hạt nhân của liên kết chuỗi.

Tăng cường công tác kiểm tra đánh giá điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm cơ sở nuôi cá tra thương phẩm đảm bảo kiểm soát mối nguy tồn lưu dư lượng kháng sinh, truy xuất nguồn gốc sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết: Cá giống trong chuỗi cá tra 3 cấp khi ra thị trường được người dân đánh giá cao, đây được xem là tín hiệu mừng cho ngành sản xuất giống cá tra ở ĐBSCL.

Tuy nhiên, hiện nay đang khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, các doanh nghiệp và người dân nếu sản xuất cá giống số lượng hạn chế khi đến thời điểm hết dịch nhu cầu giống cao lúc đó không đủ nguồn giống cung cấp cho thị trường.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thủy sản cũng tăng cường phối hợp với các địa phương đi kiểm tra tình hình sản xuất giống cá tra để khắc phục được tình trạng cá tra kém chất lượng bán ra thị trường.

Đẩy mạnh tiêu thụ nội địa

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: Sau thành công thức ăn cho cá giống, tỉnh sẽ đầu tư cho doanh nghiệp ương cá trong nhà màng công nghệ cao để bổ sung cho chuỗi cá tra 3 cấp của tỉnh.

Bên cạnh đó cần đẩy mạnh tái cơ cấu thị trường, cần lấy lại thị trường Châu Âu trong đó chú trọng là thị trường Nga và thị trường miền Bắc rất tiềm năng. Vì vậy cần khuyến khích vùng nuôi cá tra xuất khẩu phải đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, giúp thuận lợi xuất khẩu.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến (trái) giới thiệu sản phẩm cá tra của doanh nghiệp tại ĐBSCL cho các doanh nghiệp phía Bắc. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến (trái) giới thiệu sản phẩm cá tra của doanh nghiệp tại ĐBSCL cho các doanh nghiệp phía Bắc. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Doãn Tới, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt (Navico) cho biết: Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 giá cá tra xuống thấp chưa từng khiến người nuôi thua lỗ nặng. Việc xuất khẩu cá tra sang các thị trường thế giới bị ảnh hưởng. Riêng đối với Nam Việt, đang đẩy mạnh tiêu thụ cá tra nội địa khá tốt. Có thể nói gần 20 năm qua thị trường nội địa bị bỏ quên. Trong khi đó Việt Nam có hơn 90 triệu dân, nếu tiêu thụ cá tra sẽ giải quyết cho bài toán trong nước rất tốt.

Nhiều năm qua Nam Việt bán cá tra ra phía Bắc với số lượng khá lớn, trung bình mỗi tháng từ 100 - 200 tấn theo đơn đặt hàng. Từ đây đến cuối năm, Nam Việt phấn đấu bán ra Bắc khoảng 1.000 tấn cá tra thành phẩm.

Theo ông Tới, giá thịt heo hiện nay rất cao, trong khi đó giá cá tra chỉ vài chục ngàn đồng/kg, sao không chọn loại cá tra vừa ngon, bổ, rẻ và dễ ăn? Bên cạnh đó, cần truyền thông hình ảnh cá tra cho nhiều người tiêu dùng trong nước.

Ông Đào Ngọc Nam, Tổng Giám đốc An Việt Group (Hà Nội) là đơn vị đối tác của Công ty Nam Việt tại An Giang đứng ra tiêu thụ cá tra cho thị trường nội địa tại phía Bắc.

Ông Nam cho biết: Trước giờ, cá tra, ba sa trong nước là sản phẩm không đặc sắc lắm. Trong chuyến đi này cùng với Bộ NN-PTNT về An Giang, chúng tôi đánh giá sản phẩm cá tra được nuôi trồng và chế biến theo tiêu chuẩn xuất khẩu rất tuyệt vời để tiêu thụ cho thị trường nội địa, nhưng ưu tiên tại phía Bắc.

Hiện nay đối với An Việt là đơn vị chuyên cung cấp cho các bếp ăn tập thể, trong lúc khó khăn giá heo đang tăng giá thì việc cân bằng các khẩu phần ăn rất khó khăn ở các khu công nghiệp và trường học…Các sản phẩm từ cá tra rất tốt và giàu dinh dưỡng nên thời gian tới công ty thuyết phục các đối tác tiêu thụ sản phẩm cá tra để chuyển một phần ăn thịt heo như hiện nay sang ăn cá tra.

Ngoài xuất khẩu, hiện nay các doanh nghiệp tại ĐBSCL đang đẩy mạnh tiêu thụ cá tra tại thị trường nội địa, đặc biệt là phía Bắc. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ngoài xuất khẩu, hiện nay các doanh nghiệp tại ĐBSCL đang đẩy mạnh tiêu thụ cá tra tại thị trường nội địa, đặc biệt là phía Bắc. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng: Ngành nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam, trong đó ngành thủy sản đứng số 1, cây ăn trái số 2, lúa số 3… Vì vậy chúng ta cần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp về khâu sản xuất, phải có nguồn giống chất lượng mới làm ra sản phẩm tốt hướng đến xuất khẩu được. Trong đó con cá tra là thế mạnh của Việt Nam, hiện nay đề án cá tra 3 cấp ở ĐBSCL đang đi vào hoạt động tương đối tốt, nhưng cần đầu tư thêm về cơ sở hạ tầng.

Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh, để sản xuất cá tra tốt, trước nhất cần có các khâu như: di truyền giống, thức ăn, kỹ thuật nuôi phải áp dụng công nghệ cao, liên kết bao tiêu và thị trường xuất khẩu. An Giang là tỉnh đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu con cá tra đang đem lại kết tốt, Bộ quyết tâm hỗ trợ nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng cho chuỗi cá tra 3 cấp.

Thời gian qua, các doanh nghiệp đã khắc phục lỗi trước đây, kết nối doanh nghiệp tăng cường quảng bá, chế biến phù hợp với nhu cầu của thị trường. Để ngành cá tra phát triển bền vững cần phải xây dựng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng vùng sản xuất cá tra tập trung, xây dựng thành một chuỗi sản xuất hoàn chỉnh từ con giống đến xuất khẩu. Trong đó chú trọng thị trường châu Âu, Nga và cả tiêu thụ nội địa. 

“Trong xu thế chung hiện nay chúng ta phải kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp và người tiêu dùng. Cần hoàn thiện nâng cao chuỗi sản xuất, chế biến, thông qua kênh truyền thông để quảng bá giúp đẩy mạnh tiêu thụ nội địa và xuất khẩu” (Thứ trưởng Phùng Đức Tiến).

Xem thêm
Uzbekistan mong muốn học hỏi kinh nghiệm Việt Nam trong sản xuất tơ tằm

Chiều 18/3, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến tiếp ông Kasimov Elzat, Thứ trưởng Bộ Đầu tư và Thương mại Uzbekistan. 

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

149 dự án tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia học sinh trung học

Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp Quốc gia học sinh trung học năm học 2023-2024 có sự tham gia của 74 đơn vị, 149 dự án thuộc 21 lĩnh vực.

Rủ nhau đi hái lộc rừng

Quảng Bình Cứ vào tháng Ba hàng năm, nhiều người dân sống ở các xã Quảng Kim, Quảng Châu, Quảng Hợp (Quảng Trạch, Quảng Bình) rủ nhau lên rừng hái dâu và có nguồn thu đáng kể.