Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ. |
So với tăng trưởng xuất khẩu ở mức cao của cá tra sang ASEAN trong năm 2018 (tăng 41,5% và đạt 202,6 triệu USD), thì mức tăng trưởng trong 5 tháng qua là tương đối khiêm tốn.
Nhưng trong bối cảnh xuất khẩu chung của cá tra không tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái (ước xuất khẩu cá tra 6 tháng đầu năm đạt 995 triệu USD, giảm 0,7%), thì mức tăng trưởng như trên của thị trường ASEAN lại rất đáng kể.
Trong các nước ASEAN, Thái Lan vẫn là thị trường quan trọng nhất của cá tra Việt Nam. Trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra sang Thái Lan đạt 32,5 triệu USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ 2018 (riêng tháng 5, xuất khẩu cá tra sang Thái Lan đạt 6,5 triệu USD, tăng tới 35,5% so với cùng kỳ). Đáng chú ý là trong 5 tháng qua, cá tra luôn chiếm tỷ trọng từ 40-90% tổng giá trị cá thịt trắng nhập khẩu của Thái Lan. Mà cá thịt trắng nói chung đang ngày càng tăng về tỷ trọng trong cơ cấu các nhóm hàng thủy sản đông lạnh nhập khẩu vào Thái Lan. Do đó, cá tra đang tiếp tục có nhiều cơ hội để tăng trưởng xuất khẩu sang Thái Lan trong thời gian tới.
Tuy là một thị trường mới nổi ở ASEAN trong mấy năm trở lại đây, nhưng Philippines đã nhanh chóng trở thành thị trường lớn thứ 2 của cá tra Việt Nam trong khu vực. 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra sang Philippines đạt 19 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý là Việt Nam đang là thị trường lớn và duy nhất cung cấp cá thịt trắng, trong đó có cá tra, cho Philippines.
Với thị trường Malaysia, Việt Nam cũng đang là nước dẫn đầu về cung ứng cá thịt trắng, trong đó có cá tra. Tính đến hết tháng 5/2019, giá trị xuất khẩu cá tra sang Malaysia đạt 18,8 triệu USD, tăng 47,3% so với cùng kỳ năm trước. Malaysia nhập khẩu cá thịt trắng từ nhiều nước khác nhau như Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp... Nhưng Việt Nam vẫn là nhà cung ứng lớn nhất cho Malaysia. Vì vậy, Malaysia được đánh giá là một trong những thị trường đầy triển vọng của cá tra Việt Nam ở ASEAN trong thời gian tới.
Việc xuất khẩu cá tra sang ASEAN tiếp tục tăng trưởng tốt, có tác động không nhỏ từ các hiệp định thương mại tự do có liên quan đến khu vực, nhất là Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Hiện nay, theo quy định của ATIGA, ACFTA (Khu vực mậu dịch Tự do ASEAN – Trung Quốc) và AKFTA (Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Hàn Quốc), thuế đối với sản phẩm cá tra phile đông lạnh đang ở mức 0%.
Nhu cầu nhập khẩu cá tra ở nhiều nước trong ASEAN lại đang tăng hoặc ổn định. Bởi vậy, thị trường ASEAN đang ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với cá tra Việt Nam và nhiều tiềm năng để đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới. Trong năm 2018, ASEAN đã trở thành thị trường lớn thứ 4 của cá tra Việt Nam sau Mỹ, Trung Quốc và EU.