Trung Quốc, nước có đàn lợn lớn nhất thế giới, đã phải tiêu hủy hoảng 180 triệu con trong dịch ASF. Hồi Quý I năm nay, sản lượng thịt lợn ở Trung Quốc ước tính giảm gần 1/3 buộc nước này phải nhập khẩu ồ ạt thịt lợn.
Tổng cộng trong 5 tháng đầu năm, Trung Quốc nhập khẩu 1,72 triệu tấn thịt lợn, trị giá 5,04 tỷ USD, tăng 161,4% về lượng và tăng 323,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Giá thịt lợn bán ở nước này lần lượt vượt qua nhiều cột mốc kỷ lục.
Từ đầu quý II, dịch ASF xu hướng giảm dần tại Trung Quốc nhờ nỗ lực vệ sinh chuồng trại và các chương trình tái đàn của nông dân Trung Quốc.
Đến giữa tháng 5, giá thịt lợn sống ở Trung Quốc giảm còn khoảng 5,44 USD/kg. Nước này dự báo rằng đến cuối năm 2020, giá thịt lợn có thể bình ổn trở lại như trước ASF.
Tuy nhiên, mưa lớn từ giữa tháng 6 khiến dịch bệnh hoành hành trở lại, nhất là ở khu vực phía Nam Trung Quốc. Các trang trại lớn xung quanh khu vực sông Trường Giang vốn chỉ được trang bị các biện pháp chống dịch bệnh, chứ chưa được cập nhật các phương án chống lũ lụt.
Zheng Lili, chuyên gia cấp cao của công ty tư vấn Shandong Yongyi, cho biết nhiều trang trại nuôi lợn ở Nam Trung Quốc đang mắc nhiều loại dịch bệnh do virus.
“Nếu mưa lớn kéo dài hết tháng 7, số lợn nuôi ở các tỉnh như Tứ Xuyên, Quảng Đông, Quảng Tây và Giang Tây có thể giảm 20% vào tháng 8, so với 3 tháng trước đó. Ngay cả những trang trại nhỏ và vừa cũng có nguy cơ cao nhiễm bệnh", ông nhận định.
Theo Reuters, nông dân Trung Quốc vẫn giữ thói quen chôn lợn bệnh dưới đất. Do mưa lớn, virus có thể đã theo nước mưa ra các ao hồ, hoặc lan vào mạch nước ngầm.
Tính từ tháng 3/2020, hàng chục đợt bùng phát của ASF đã được ghi nhận. Đợt dịch cuối cùng được ghi nhận là tại Vân Nam, vào ngày 5/6, trước khi mọi thứ bị đình trệ vì lũ lụt. Hãng tin Đức tin rằng số đợt dịch có thể lớn hơn bởi chính quyền Quảng Đông, Tứ Xuyên và Giang Tây đã từ chối bình luận về các thông tin này.
"Chúng tôi vô cùng lo lắng khi nghe những thông tin này", một nông dân nuôi lợn ở Quảng Tây, người vừa được bổ sung 70 lợn nái trong 3 tháng qua chia sẻ, khi biết ASF trở lại.
"Tất cả những gì chúng tôi có thể làm lúc này khử trùng trang trại định ký. Virus này thực sự quá dáng sợ".
Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết, số lợn nuôi ở Quảng Tây trong 6 tháng đầu năm 2020 tăng 1,12% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng số lợn của cả khu vực miền Nam vào tháng 6 lại giảm 3,87% so với cùng kỳ tháng trước.
Nhà kinh tế Wang Lisheng thuộc Nomura International bổ sung thêm rằng số lợn giết mổ ở Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục, khi vẫn thấp hơn 30% so với năm trước. Những tín hiệu xấy khiến giá lợn hơi ở miền Nam Trung Quốc tăng trở lại.
Tại Quảng Châu, một kilogram lợn hơi bán với giá 5,96 USD vào ngày 9/7, gần chạm ngưỡng kỷ lục là 7,5 USD vào tháng 10/2019.
Một nguyên nhân nữa khiến giá thịt lợn Trung Quốc leo thang là Chính phủ nước này tạm dừng nhập khẩu thịt lợn từ hơn 20 nhà máy nước ngoài, kể từ giữa tháng 6. Lý do là bởi công nhân những nhà máy này từng nhiễm hoặc có nguy cơ cao tiếp xúc với virus SARS-CoV-2.
Shi Lei, quản lý của Công ty nhập khẩu thịt hàng đầu Bắc Kinh Beijing Hopewise International Trading thừa nhận: "Chi phí nhập khẩu thịt hiện đắt hơn khoảng 15% so với hồi tháng 6. Ngoài thịt lợn, lượng thịt bò nhập về cũng giảm hơn 30%".
Giới chức Trung Quốc đang theo sát diễn biến của giá thực phẩm, đặc biệt là thịt lợn, theo CNN, bởi đây là yếu tố sống còn để ổn định kinh tế, xã hội.
Gao Huan, giám đốc nghiên cứu bán lẻ và sản xuất tại hãng tư vấn Alvarez & Marsal, tiết lộ các chuỗi cửa hàng ăn uống tại nước này đã giảm lợi nhuận 2% so với tháng trước.
Tại Bắc Kinh, giá thực phẩm tươi sống tăng 9% trong tháng 6, kéo CPI của Trung Quốc tăng 2,5% trong tháng - cao hơn mức 2,4% hồi tháng 5.
Giá thịt lợn tại Trung Quốc nói riêng, và các nước châu Á nói chung, sẽ còn dao động mạnh trong năm 2020, Ngân hàng Rabobank nhận định.
Sự gián đoạn của các thị trường và khâu xuất nhập khẩu (vì SARS-CoV-2) cũng khiến giá thịt lợn chênh lệch giữa các địa phương, có nơi cao lên tới 8,5 USD/kg.
Từ tháng 4 đến tháng 9 năm nay, chính quyền Bắc Kinh dự chi hơn 450 triệu USD để trợ giá thịt lợn. Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc cũng lên kế hoạch xả 30.000 tấn thịt lợn đông lạnh từ dự trữ quốc gia.
Trong báo cáo tháng 6/2020 của tổ chức Nông Lương Liên Hiệp quốc (FAO), tổng sản lượng thịt các loại trên toàn cầu năm 2020 được dự báo giảm 2%. Riêng thịt lợn giảm khoảng 8%, tương đương hơn 100 triệu tấn.
Trong khi đó, nhập khẩu thịt lợn trên toàn thế giới được cho là tăng 12%. Với Trung Quốc, nước này có thể nhập hơn 4 triệu tấn thịt, tương đương 40% tổng thịt lợn thương mại toàn cầu, để bình ổn giá thịt trong nước.
Bộ Nông nghiệp nước này đặt mục tiêu trong năm 2021 sẽ đưa thịt lợn hơi về ngưỡng dưới 5 USD/kg, trước khi về lại mức trung bình trong nhiều năm trước 2019, thời điểm dịch ASF bùng phát, là khoảng 4,5 USD/kg.
Tân Hoa xã gọi mục tiêu này là "đầy thách thức", bởi thiệt hại kinh tế do lũ lụt trên cả nước Trung Quốc hiện khoảng 12 tỷ USD. Cộng dồn tác động trước đó do dịch SARS-CoV-2, GDP Trung Quốc đã giảm 6,8% trong quý I. Đây là mức giảm kỷ lục kể từ năm 1976, và khiến nước này gặp nhiều vấn đề khi cấp vốn cho nông dân tái đàn lợn.