Giá tiêu đã liên tục tăng lên kể từ sau Tết Tân Sửu. Đặc biệt trong những ngày đầu tháng 3, giá tiêu có những thời điểm tăng nóng ở các vùng trồng trọng điểm.
Tới cuối tuần qua, giá tiêu ở nhiều nơi đã lên trên 60.000 đồng/kg, khi có nhiều người bán được tiêu với giá 62.000-63.000 đồng/kg. Một số chuyên gia ngành hàng hồ tiêu cho rằng thị trường hồ tiêu Việt Nam đã xác lâp mặt bằng giá mới, với mốc giá cơ sở là 60.000 đồng/kg.
Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), cũng cho rằng giá tiêu tăng mạnh trong những ngày qua là khá bất thường.
Ông Bính cho biết, hiện tại, ở Đắk Nông đã có khoảng 3/4 diện tích được thu hoạch. Trong khi đó, tại các tỉnh trồng tiêu trọng điểm khác, hồ tiêu mới bắt đầu thu hoạch. Đắk Nông hiện chiếm khoảng một nửa sản lượng hồ tiêu Việt Nam, nên thông thường, khi tỉnh này thu hoạch đươc phần lớn diện tích, đã đủ giúp cho nguồn cung trở nên dồi dào, khiến cho giá tiêu khó tăng lên được, thậm chí là giảm. Nhưng năm nay, trong khi đa số diện tích hồ tiêu ở Đắk Nông đã được thu hoạch mà giá tiêu vẫn tăng mạnh, thì khả năng cao là do sản lượng đã giảm mạnh.
Ông Hoàng Phước Bính đã nhiều lần đi khảo sát tình hình sản xuất tiêu ở các vùng trồng trọng điểm trong năm 2020. Từ thực tế khảo sát, ông Bính cho hay, nhiều vườn tiêu đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều vườn tiêu tuy vẫn xanh tốt nhưng không có cái. Nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết bất lợi trong năm 2020, cộng với mấy năm qua giá tiêu xuống thấp, nhiều nông dân không còn đủ khả năng đầu tư cho vườn tiêu hoặc không còn mặn mà chăm sóc cây tiêu nữa. Trên cơ sở đó, ông Bính nhận định rằng sản lượng hồ tiêu Việt Nam sẽ giảm rất mạnh trong năm 2021 và có thể chỉ đạt chưa tới 150 ngàn tấn.
Từ kết quả khảo sát những vùng trồng trọng điểm trong tháng 12/2020, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) thực hiện, cũng đưa ra nhận định sản lượng hồ tiêu năm nay có thể giảm từ 25-30% so với năm 2020.
Việc các thương nhân Trung Quốc đang đẩy mạnh mua hồ tiêu Việt Nam cũng là yếu tố làm tăng giá tiêu trong thời điểm này. Bên cạnh đó, nhiều nông dân trồng tiêu cho rằng giá tiêu năm nay sẽ tăng, nên hạn chế bán ra (chỉ bán lượng vừa đủ để giải quyết công nợ), cũng góp phần làm giảm nguồn cung khiến giá tăng lên. Thực tế ở nhiều địa phương trồng tiêu hiện nay, nông dân thu hái xong không đem tiêu ra đại lý. Nếu nông dân có bán tiêu thì đại lý mua xong cũng giữ lại không bán ra. Điều đó đã làm cho lượng hồ tiêu lưu thông trên hiện rất ít .
Một thông tin cũng rất quan trọng là không chỉ ở Việt Nam, tại Brazil (nước sản xuất hồ tiêu thứ 2 thế giới), giá tiêu cũng đang tăng lên qua từng ngày. Dù nguồn cung ở Việt Nam đang hạn hẹp, giá đang tăng mạnh, nhưng khó có chuyện các doanh nghiệp sẽ mua bổ sung hồ tiêu từ Brazil để phục vụ cho các đơn hàng xuất khẩu, do thời gian hàng từ Brazil về tới Việt Nam mất ít nhất 90 ngày.
Với những tình hình đó, các chuyên gia ngành hàng hồ tiêu cho rằng giá tiêu ở Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng và hoàn toàn có thể sớm đạt mốc 70.000 đồng/kg trong thời gian ngắn sắp tới.
Theo nhận định của ông Hoàng Phước Bính, thị trường hồ tiêu đã bắt đầu bước vào một chu kỳ giá mới theo hướng tăng lên (chu kỳ trước là từ 2006 đến 2015). Do đó, giá tiêu sẽ tiếp tục có xu hướng tăng lên trong năm nay. Nếu duy trì được đà tăng giá, đến cuối năm nay, giá tiêu có thể lên mức 90.000 đồng/kg.