Trong tháng 12/2020, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) đã tổ chức đợt khảo sát trên diện rộng về tình hình sản xuất hồ tiêu niên vụ 2020/2021 tại các tỉnh trồng tiêu trọng điểm: Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk và Gia Lai.
Kết quả đợt khảo sát cho thấy, sản lượng hồ tiêu vụ 2020/2021 có thể giảm mạnh ở nhiều địa phương. Ở Gia Lai, các huyện Chư Sê, Đắk Đoa, Mang Yang đều ghi nhận diện tích thu hoạch sụt giảm mạnh khoảng 50% so với thời kỳ đỉnh điểm năm 2017.
Chỉ tính riêng HTX Nam Yang, diện tích hồ tiêu trước đây gần 60 ha, giờ còn lại khoảng 20 ha. Ước tính, sản lượng Hồ tiêu của Gia Lai vụ 2020/21 có thể giảm 60% so với năm đỉnh điểm 2017.
Cũng so với năm 2017, sản lượng hồ tiêu tỉnh Bình Phước có thể giảm trên 50%. Tại huyện Bù Đốp, ghi nhận sự sụt giảm mạnh khi số lượng vườn tiêu tiêu già chiếm phần lớn diện tích. Theo ông Bùi Quốc Hai, Giám đốc HTX Hồ tiêu sạch bền vững Hưng Phước (xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp), sản lượng thu hoạch trong mùa vụ 2020/21 của HTX giảm nhiều so với vụ trước.
Cụ thể, sản lượng HTX thu hoạch được trong năm 2021 ước đạt 90 - 100 tấn, giảm mạnh so với năm 2020 (300 tấn) và năm 2019 (400 tấn). Bên cạnh diện tích thu hoạch giảm do dịch bệnh và già cỗi, diện tích còn lại mặc dù được chăm sóc nhưng cây vẫn thưa trái. Trong khi đó, diện tích trồng mới không được ghi nhận.
Đắk Nông là tỉnh có diện tích hồ tiêu lớn và năng suất cao nhất so với các vùng trồng tiêu khác trên cả nước. Phần lớn diện tích là vườn tiêu trẻ dưới 10 năm, đang trong giai đoạn cho năng suất tốt. Tuy nhiên, thời tiết cực đoan đã khiến các vườn tiêu ở Đắk Nông bị ảnh hưởng tương tự các vùng khác như chuỗi hạt tiêu ngắn và răng cưa.
Thậm chí một số vườn được quan sát cho thấy cây phát triển rất tốt nhưng không ra chuỗi. Qua thông tin khảo sát, năng suất hồ tiêu vụ 2020/2021 ở các huyện Tuy Đức, Đắk R’Lấp, Đắk Song và Đắk Mil giảm với mức độ khác nhau. Con số giảm sản lượng bình quân từ 15 - 20% của tỉnh Đắk Nông được đánh giá thấp nhất trên cả nước.
Riêng tỉnh Đắk Lăk, chưa thể đánh giá tương đối vì khảo sát chỉ mang tính đại diện tại hai huyện Cư Kuin, Buôn Hồ và năng suất cho thấy sự khác biệt giữa các vùng. Tuy nhiên, sản lượng hồ tiêu của tỉnh Đắk Lăk giảm 30% là hoàn toàn có khả năng.
Sản lượng hồ tiêu vùng Đồng Nai có thể giảm 25% và Bà Rịa – Vũng Tàu giảm 20% trong niên vụ 2020/2021. Tại Đồng Nai, diện tích hồ tiêu ở các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ và Châu Đức giảm nhiều do giá hồ tiêu xuống quá thấp, nông dân hạn chế đầu tư chăm sóc các vườn tiêu, nhiều diện tích tiêu chết và già cỗi được thay thế bởi các loại cây trồng khác. Diện tích trồng mới chỉ được quan sát thấy ở khu vực Xuyên Mộc nhưng số lượng không đáng kể.
Mối quan ngại lớn nhất đối với nông dân trồng tiêu ở Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu hiện nay là chi phí lao động cao, dao động từ 200.000-230.000 đồng/công/ngày. Đây là yếu tố liên quan trực tiếp đến giá thành sản xuất và ảnh hưởng đến quyết định của nông dân trong việc duy trì vườn tiêu hoặc tái đầu tư hay không. Với giá hồ tiêu hiện nay khoảng trên dưới 54.000 đồng/kg trong khi chi phí lao động cao như trên thì người nông dân trồng tiêu vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Sau chuyến khảo sát nói trên, VPA nhận định rằng, trên cả nước, sản lượng hồ tiêu năm 2021 có thể giảm khoảng 25-30% so với năm 2020.
Một điểm tích cực trong đợt khảo sát vừa qua của VPA là hầu hết các vườn tiêu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu hiện đang được canh tác theo hướng sạch, bền vững, sử dụng phân chuồng và phân hữu cơ là chính, hạn chế tối đa sử dụng phân hóa học và thuốc BVTV.
Nguyên nhân một phần là do nông dân không đủ điều kiện đầu tư trong bối cảnh giá xuống thấp, và quan trọng hơn là nhận thức của người trồng tiêu 2 tỉnh này được nâng cao. Do đó, hồ tiêu được kỳ vọng đạt chất lượng tốt trong mùa vụ tới.