Tháng 6 vừa qua, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đã tổ chức chuyến khảo sát các vùng trồng tiêu ở Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk và Gia Lai. Kết quả khảo sát tại Bình Phước cho thấy, sản lượng tiêu vụ 2020 tại tỉnh này ước giảm 20%.
Nguyên nhân là do nhiều vườn tiêu ở Bình Phước cây già cỗi nhiều, tuổi đời trung bình trên dưới 20 năm nên năng suất thấp; giá hồ tiêu giảm mạnh trong thời gian qua, trong khi chi phí sản xuất tăng, đặc biệt là chi phí thu hoạch, nên người nông dân giảm đầu tư cho vườn cây.
Dọc tuyến đường khảo sát trên địa bàn các huyện Đắk Đoa, Mang Yang của Gia Lai, tỷ lệ tiêu chết lên tới khoảng 40-50%.
Ở Chư Sê và Chư Pưh cũng thuộc Gia Lai, tiêu chết lên tới 60-70%. Nông dân gặp khó khăn về vốn, những bất lợi về thời tiết, bệnh chết nhanh, chết chậm và sâu hại đã khiến cho hàng loạt vườn tiêu ở Gia Lai bị chết, không có khả năng phục hồi.
Tại các vườn tiêu ở Cư M’Gar, Buôn Hồ, Krông Năng và Ea H’Leo mà đoàn khảo sát đi qua, diện tích vườn tiêu cằn cỗi và chết cũng khá cao.
Với những thực tế bất lợi như trên, vụ hồ tiêu Việt Nam 2020 đã kết thúc với sản lượng ước đạt 240.000 tấn, giảm 15% so với năm 2019. Giá giảm, áp lực lãi vay, nợ tín dụng gia tăng đã đẩy phần lớn nông dân tại các vùng trồng tiêu trọng điểm lâm vào cảnh khó khăn.
Sự sụt giảm sản lượng đáng kể từ Việt Nam có thể góp phần làm giảm mạnh nguồn cung hồ tiêu toàn cầu, bất chấp việc tăng sản lượng tại Brazil và Ấn Độ.
Theo Nedspice, ước tính tổng sản lượng sản xuất hồ tiêu toàn cầu năm 2020 giảm không thấp hơn 12%. Dự kiến trong niên vụ 2021, sản lượng hồ tiêu Việt Nam tiếp tục giảm đáng kể.
Theo Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2020, Việt Nam xuất khẩu được 166.812 tấn hồ tiêu, kim ngạch đạt 356 triệu USD. So cùng kỳ 2019, lượng xuất khẩu giảm 5,7%, kim ngạch giảm 21,1%. Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen đạt 2.201 USD/tấn giảm 259 USD, tiêu trắng đạt 3.192 USD/tấn tăng 122 USD so với 6 tháng đầu năm 2019.
Tuy nhiên, vấn nạn dịch bệnh, giá chạm đáy trong thời gian qua đã góp phần thay đổi phương cách canh tác của nông dân và góp phần cải thiện chất lượng hồ tiêu Việt Nam trong các mùa vụ tới.
Chẳng hạn, cũng ở Gia Lai, nơi tỷ lệ tiêu chết khá cao, vẫn có nhiều vườn tiêu nhờ được chăm bón bằng phân hữu cơ, ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học, có trụ sống che mát nên vẫn phát triển tốt và bền vững.
Ở các huyện Đăk R’Lấp và Đăk Song (Đăk Nông), huyện Cư Kuin (Đăk Lăk), cũng có nhiều số vườn tiêu đang phát triển tốt, năng suất ổn định.
Đây là những vườn có sự đầu tư, chăm sóc, nhất là có liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu với quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, bền vững, sử dụng trụ sống và trồng xen.
Nhìn chung, các vườn tiêu vẫn phát triển tốt trong bối cảnh có nhiều bất lợi hiện nay, là những vườn tiêu được canh tác theo hướng hữu cơ, bền vững hoặc có liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu.
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho rằng, niềm tin tăng giá trong dân hiện nay sẽ là động lực giúp các vườn tiêu này tiếp tục được duy trì, thậm chí khả năng tái đầu tư cao đối với những hộ có tiềm lực về tài chính.