Giá trị sách không ai có thể phủ nhận. Giá trị sách giúp con người hình thành nền tảng văn hóa và bồi đắp nhân sách. Thế nhưng, giá trị sách không phải câu chuyện để nói đi nói lại mỗi khi đến Ngày sách Việt Nam 21/4, mà phải gắn với hoạt động khuyến đọc cụ thể, thiết thực và bền bỉ.
Đôi khi một người ít đọc sách, một gia đình không tạo điều kiện cho con đọc sách, không hẳn là vì họ không cần hay không thích, mà có thể do họ không biết bắt đầu từ đâu, hoặc chưa tìm được loại tài liệu phù hợp với mình. Đọc sách không đồng nghĩa với đọc sách văn học, mà mang nghĩa rộng là đọc những thể loại tài liệu giúp cho cuộc đời của mỗi cá nhân được phong phú hơn, công việc và học tập trôi chảy hơn, phát triển tâm hồn, mở rộng trí não, tăng khả năng thấu cảm với những người xung quanh.
Không có cuốn sách phù hợp cho mọi độc giả ở mọi lúc, chỉ có cuốn sách phù hợp với một số người cụ thể trong giai đoạn cuộc đời nhất định. Chính vì vậy, tâm thế khi đọc sách cần cẩn trọng mà cởi mở, không dễ dãi cũng không “kỳ thị” dòng sách nào, để chọn được quyển sách có ích cho mình.
Trong nhịp sống tất bật ngày nay, người đọc hiển nhiên sẽ đặt ra những câu hỏi: Đọc sách có lợi ích gì? Người đi làm rồi nên đọc loại sách nào? Nếu quá bận rộn thì làm sao để dành thời gian giúp con cái thích đọc sách? Nên chọn những sách gì cho tủ sách gia đình? Làm sao để chọn sách phù hợp cho chính mình và cho con em trong nhà? Nếu con mình chỉ thích những hoạt động khác chứ không thích đọc sách thì sao? Phụ huynh, nhà trường... muốn tổ chức hoạt động khuyến đọc thì nên làm gì?
Để hỗ trợ phần nào cho việc chọn sách và đọc sách của mọi người, đặc biệt là giúp cha mẹ chọn sách cho con, Nhà xuất bản Trẻ ấn hành “Cẩm nang khuyến đọc”, với những lời gợi ý ngắn gọn giúp giải đáp những câu hỏi trên. Đặc biệt, cẩm nang này được tặng miễn phí tại Ngày hội văn hóa đọc diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ và Đường sách TP.HCM từ ngày 19-24/4/2022. Đồng thời, Nhà xuất bản Trẻ cũng dự kiến cũng sẽ trao tặng cẩm nang này cho các thư viện, đối tác… tổ chức hoạt động khuyến đọc và có nhu cầu.
Song song đó, Nhà xuất bản Trẻ giúp người đọc dễ lựa chọn sách bằng cách giới thiệu 15 danh mục rút gọn, mỗi danh mục có từ 5-10 cuốn sách, hướng đến những đối tượng khác nhau như: Người làm quản trị, người khởi nghiệp, người đi làm công sở, cha mẹ, con cái, người làm truyền thông tiếp thị… Những tựa sách này cũng sẽ được trưng bày tại Ngày hội văn hóa đọc tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, và đăng tải trên website, fanpage của Nhà xuất bản Trẻ.
Tổng Biên tập Nhà xuất bản Trẻ- Nguyễn Thành Nam cho rằng: Hoạt động khuyến đọc không nên là lời kêu gọi chung chung, cũng không giới hạn trong một mảng sách nào. Khó có thể động viên người ta “hãy đọc đi” mà không kèm theo câu trả lời cho những vấn đề: “Đọc cái gì?”, “Đọc để làm gì?”, “Đọc như thế nào?”…Tôi tin rằng bất cứ ai cũng có nhu cầu về việc học hỏi, phát triển bản thân, khơi mở tâm hồn và trí tuệ… Vậy nếu những ai chọn cách đọc sách để đạt được những điều đó, đơn vị xuất bản nên có sự hỗ trợ không khả năng của mình, bên cạnh việc xuất bản sách. Cũng giống như người đầu bếp tư vấn về những món ăn giàu dinh dưỡng, đẹp mắt… để khách hàng chọn món phù hợp với mình theo từng độ tuổi và hoàn cảnh.
Muốn xây dựng được thói quen đọc sách thì phải phát huy tối đa vai trò đặc biệt quan trọng trước tiên của gia đình và nhà trường. Bởi làm sao tạo được thói quen đọc sách nơi con trẻ khi ở nhà không có quyển sách nào, hay khi cha mẹ hay người lớn người thân không bao giờ đọc sách; hãy nhớ rằng trẻ con học qua cách nhìn những gì người lớn làm.
Do đó, việc xây dựng tủ sách gia đình là khá quan trọng nếu cha mẹ muốn tạo dựng thói quen đọc sách nơi con trẻ. Có thể bắt đầu từ những quyển sách con yêu thích, phù hợp với lứa tuổi, rồi từ từ phát triển dần. Cha mẹ cũng không nên làm áp lực cho con là phải đọc sách này, phải đọc sách kia, có khi con không cảm thấy phù hợp với lựa chọn của cha mẹ.
Nhiều phụ huynh rất văn minh, khi hằng tuần, hoặc hằng tháng, dẫn con đi nhà sách, và cho phép con chọn lựa một vài cuốn sách con thích. Hẳn nhiên, phụ huynh sẽ có cách quan sát để nhận biết sách có phù hợp với lứa tuổi của con không. Và nếu việc làm này trở thành thói quen thì khi lớn lên, phụ huynh không còn lo việc chọn sách cho con, cũng như từ đó mà tủ sách gia đình hình thành.