Giá của mỗi lít xăng thông thường sẽ tăng từ 25 peso (0,20 USD) lên 132 peso (1,10 USD), tăng 528%, trong khi xăng cao cấp sẽ tăng từ 30 peso (0,25 USD) lên 156 peso (1,30 USD), tăng 520%, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Vật giá, Vladimir Regueiro, công bố trên truyền hình nhà nước hôm 8/1.
Chính phủ Cuba áp dụng chính sách trợ giá xăng dầu trong nhiều thập kỷ qua và là một trong những quốc gia có giá nhiên liệu rẻ nhất thế giới.
Hồi cuối tháng 12/2023, Bộ trưởng Kinh tế Alejandro Gil thừa nhận rằng trong bối cảnh đất nước thiếu ngoại tệ nghiêm trọng và chịu lệnh cấm vận kéo dài hàng thập kỷ của Mỹ, Chính phủ không còn đủ khả năng trợ cấp nhiên liệu.
Cùng ngày, Chính phủ Cuba công bố quyết định tăng 25% giá điện đối với những người sử dụng nhiều hơn 500Kw/giờ và giá khí hóa lỏng dân sinh từ tháng 3 tới nhằm cắt giảm mức trợ cấp và khuyến khích sử dụng năng lượng hiệu quả hơn.
Chính phủ Cuba, trợ giá gần như toàn bộ các loại hàng hóa và dịch vụ thiết yếu trong nước, hồi tháng trước đã công bố hàng loạt biện pháp ứng phó với cuộc khủng hoảng kinh tế đang gây khó khăn cho đất nước. Trong đó, Chính phủ sẽ tăng giá thuốc lá, xì gà và các dịch vụ cơ bản như khí hóa lỏng, nước, khí đốt, giao thông vận tải và năng lượng.
Theo ước tính chính thức, nền kinh tế của quốc đảo đã giảm 2% trong năm 2023, trong khi lạm phát lên tới 30%.
Đồng nội tệ của Cuba bắt đầu mất giá trầm trọng vào năm 2021 sau khi Chính phủ loại bỏ hệ thống tiền tệ kép, gồm đồng peso nội tệ (CUP) và đồng peso chuyển đổi (CUC). Chính phủ cho biết Ngân hàng Trung ương Cuba đang nghiên cứu một tỷ giá hối đoái mới với đồng USD.
Cuba bị Mỹ cấm vận kinh tế kể từ đầu những năm 1960. Một số hạn chế đã được nới lỏng trong giai đoạn ông Barack Obama làm Tổng thống, nhưng sau đó được áp đặt lại dưới thời ông Donald Trump. Hồi tháng 10/2023, Havana cáo buộc Mỹ châm ngòi một cuộc khủng hoảng kinh tế ở Cuba. Các lệnh trừng phạt của Washington đã dẫn đến tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu và thuốc men nghiêm trọng trên đảo quốc.