“Chính phủ đã dỡ bỏ các lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu diesel được giao đến các cảng biển bằng đường ống, với điều kiện nhà sản xuất phải cung cấp cho thị trường nội địa ít nhất 50% nhiên liệu diesel mà họ sản xuất”, chính phủ Nga cho biết trong một tuyên bố ngày 6/10.
Nga đưa ra thông báo trên trong bối cảnh các kho lưu trữ diesel của tập đoàn Transneft gần như đã đầy, trong khi việc chuyển hướng nguồn cung này sang thị trường nội địa là bất khả thi về mặt kỹ thuật. Nhiều nhà cung cấp Nga đã bày tỏ lo ngại sẽ bị buộc phải giảm hoạt động lọc dầu, cũng như cắt giảm sản sản lượng không chỉ với dầu diesel mà còn cả xăng.
Chính phủ Nga cũng đang xem xét áp đặt hạn ngạch xuất khẩu dầu diesel qua đường ống nhằm ngăn tình trạng giá tăng đột biến, vốn đã giảm 25% kể từ ngày 21/9 khi lệnh cấm được đưa ra.
Các lệnh hạn chế xuất khẩu nhiên liệu từ Nga do phương Tây áp đặt đã khiến giá nhiên liệu thế giới tăng cao, dẫn đến một cuộc tranh giành các nguồn xăng và dầu diesel thay thế.
Sau khi Liên minh châu Âu (EU) cấm nhập khẩu nhiên liệu của Nga, Moscow đã chuyển hướng xuất khẩu dầu diesel và các nhiên liệu khác sang Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, một số quốc gia Bắc và Tây Phi, các quốc gia vùng Vịnh ở Trung Đông.
Các quốc gia vùng Vịnh, nơi cũng có trữ lượng dầu mỏ lớn, đã nhập khẩu nhiên liệu của Nga và bán lại cho các quốc gia khác.
Hôm 21/9, Nga đã khiến thị trường toàn cầu phải bất ngờ khi tuyên bố tạm thời cấm xuất khẩu xăng và dầu diesel để ổn định giá nhiên liệu trong nước. Lệnh cấm được áp đặt với tất cả các quốc gia ngoại trừ 4 nước thuộc Liên Xô cũ là Belarus, Armenia, Kazakhstan và Kyrgyzstan.
Sau khi lệnh cấm xuất khẩu của Nga có hiệu lực, giá dầu diesel trong nước đã giảm 21%, trong khi giá xăng giảm 10%.
Dầu diesel là sản phẩm dầu mỏ xuất khẩu nhiều nhất của Nga, với khoảng 35 triệu tấn vào năm 2022, trong đó gần 3/4 được vận chuyển qua các đường ống. Nga cũng xuất khẩu 4,8 triệu tấn xăng trong cùng năm.