Sau Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 9 với Hội thảo Khoa học Vật lý “Cửa sổ nhìn ra vũ trụ” tổ chức tại Quy Nhơn (Bình Định) khoảng 2 tháng, một tin vui liên quan đến "Hạt Của Chúa" là ngày 8/10/2013, Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã công bố giải thưởng Nobel vật lý 2013 vinh danh hai nhà vật lý lý thuyết Peter Higgs (Anh) của Trường đại học Edinburgh (Scotland) và Franccois Englert (Bỉ) của Đại học Libre de Bruxelles.
Hạt Của Chúa là một trong những mối quan tâm của ICISE Quy Nhơn và hội thảo diễn ra ở đất võ, đã có mặt nhà bác học Rolf Heuer, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN), nơi đã minh chứng sự hiện diện của hạt boson Higgs.
Hạt Của Chúa là hạt gì, trọng lượng, cơ chế vận động và sự tương tác của nó, sự tồn tại khắp hai phần ba vũ trụ theo Mô hình chuẩn, một loại mô hình lừng danh mà những người góp công trong diễn trình xây dựng nó đã gặt hái khoảng 30 giải Nobel nhưng cuộc tìm kiếm Hạt Của Chúa, hạt cuối cùng trong lý thuyết của Mô hình chuẩn suốt nửa thế kỷ tưởng đã chạm mặt hóa ra còn bao nỗi nghi ngờ, và chắc chắn điều này không chỉ là mối quan tâm riêng của các nhà vật lý trên khắp hành tinh này. Ngày 4/7/2012, Peter Higgs đã khóc trong hạnh phúc ngọt ngào khi người ta đã tìm thấy nó trên máy gia tốc ở Thụy Sĩ sau 48 năm, tính từ 1964 lúc ông đã nêu lên giả thuyết sự tồn tại của hạt này.
Sau sự kiện ở Geneva, giới khoa học nhân loại vỡ òa nhưng còn kiểm chứng, phản biện ấy, sáng 16/7/2012 tại Quy Nhơn - Bình Định, trong phiên họp khai mạc Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 8 về vật lý hạt cơ bản, GS Trần Thanh Vân đã mời GS Greg Landsberg (Đại học Brown - Mỹ) đồng Giám đốc điều phối Phòng Thí nghiệm CMS của CERN, trình bày một bản báo cáo về những kết quả thu được tại Geneva trên máy va chạm Hadron Lớn (Large Hadron Collider - LHC).
GS Boaz Klima, người Mỹ gốc Do Thái từng làm việc nhiều năm tại máy gia tốc Tevatron ở Fermilab, là một trong những tác giả chính khám phá hạt quark đáy (bottom quark), quark đỉnh (top quark) và hạt neutrino tau… cũng đã đến Quy Nhơn dịp này. Tháng 12/2012, hai hội thảo chuyên đề: Vật lý học xa hơn Mô hình chuẩn và Viet Nus 2012 quy tụ gần 100 nhà lý thuyết và thực nghiệm thuộc các nước Việt Nam, Mỹ, Pháp, Anh, Bỉ, Ba Lan, Đan Mạch, Đức, Italy, Thụy Điển, Brasil, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Israel, và lãnh thổ Đài Loan. Trước đó một năm, tại Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 7, ở Sở Thông tin & Truyền thông - cơ quan công tác của tôi, tôi đã được tiếp xúc với GS Trần Thanh Vân.
Hôm ấy, tôi còn nhớ, chiều 16/12/2011 ông đến cơ quan tôi, tôi mời ông ngồi uống trà trước khi cuộc họp báo diễn ra ở hội trường, cùng GS Nguyễn Văn Hiệu và nhà báo Hàm Châu. Vài câu hỏi ngắn ngủi, tôi hiểu đây là một nhân vật lớn, lớn chẳng riêng ở tầm khoa học mà chính là ở sự liên kết hội tụ các tài năng, với óc tổ chức tuyệt vời.
Mười năm trước, Quy Nhơn tưng bừng trong sự kiện lớn, đó là lần đầu tiên 5 nhà khoa học đoạt giải Nobel Vật lý và hơn hai trăm nhà khoa học quốc tế đặt chân về Miền đất võ dự Lễ khánh thành Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE); tham dự Hội nghị Khoa học Quốc tế “Cửa sổ nhìn ra vũ trụ”. “Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 9” diễn ra với các sự kiện khoa học lớn là: Vũ trụ học trong kỷ nguyên Planck; Thuyết tương đối rộng và lực hấp dẫn; Vật lý Nano từ cơ bản đến ứng dụng… tại hội nghị, các nhà khoa học hàng đầu thế giới đã chia sẻ những kết quả mới nhất về vật lý, thiên văn và vũ trụ học; giới thiệu về quy trình tìm ra hạt Boson Higgs; kết quả mới nhất về va chạm ion nặng….
Sự hiện diện của những con người như vậy trên đất võ đã tạo một nguồn cảm hứng cho nhiều lĩnh vực, nhiều thành phần, nhiều lứa tuổi. Nói như Trịnh Xuân Thuận, chúng ta đều là những hạt bụi trong các ngôi sao, nhưng tất cả muôn loài cây cối cũng như chim thú đều có họ hàng gần xa. Vẻ đẹp và sự hài hòa của vũ trụ sẽ không được ai quan sát và khám phá, nếu thiếu đi trí tuệ và tình cảm tinh tế của con người. Những mối liên kết ấy có được là từ tâm huyết của GS Trần Thanh Vân - GS Lê Kim Ngọc với những bạn bè khoa học của ông bà trên khắp thế giới. Năm nhà Nobel Vật lý đầu tiên đến Quy Nhơn như một đáp từ, cho ân nghĩa ấy: GS David J. Gross (Mỹ) Nobel Vật lý năm 2004 cho “khám phá hiện tượng tiệm cận tự do trong lý thuyết tương tác mạnh”; GS George Smoot (Mỹ) giải Nobel Vật lý năm 2006; GS Klaus von Klitzing (Đức) đoạt giải Nobel Vật lý năm 1985 "Hiệu ứng Hall lượng tử"; GS Sheldon Lee Glashow (Mỹ) Nobel Vật lý năm 1979 vì những đóng góp cho thống nhất tương tác điện yếu và dự đoán về dòng trung hòa yếu; GS Jack Steinberger (Mỹ gốc Do Thái) giải Nobel Vật lý năm 1988 "cho phương pháp chùm neutrino và chứng tỏ cấu trúc bộ đôi của lepton thông qua sự khám phá ra neutrino muon".
Những bộ óc vĩ đại của vật lý học quốc tế lại là những người hết sức vui vẻ và ân cần . Chỉ vì một chữ “bạn”, họ khẳng định vậy, với GS Trần Thanh Vân, họ đã đến để ủng hộ những ý tưởng của ông ấy. Họ bỏ tiền túi ra bay nửa vòng địa cầu. Đến đất võ, họ di chuyển chủ yếu bằng xe bus, nói như GS Trần Thanh Vân là không cần xe mới, xe xịn gì cả, chỉ cần đừng hỏng hóc dọc đường là được. Họ ăn vận nhẹ nhàng, dạo biển, thích thú trước những con sóng và phong cảnh Quy Nhơn. Tôi đến mời một ly cà phê bình dân và những trái cây Bình Định. Họ có vẻ cảm kích và nụ cười luôn thường trực trên môi với những công dân bản địa hiếu khách.
Đến nay thì ICISE đã đi qua chặng đường 10 năm, với 16 nhà khoa học đạt giải Nobel đã đến Quy Nhơn: Jerome Friedman (Nobel Vật lý 1990); Gerard’t Hooft (Nobel Vật lý 1999); Francois Englert (Nolbel Vật lý 2013); Kajita Takaaki (Nobel Vật lý 2015); Michel Mayor (Nobel Vật lý 2019); Kurt Wuthrich (Nobel Hóa học 2002); Finn E. Kydland (Nobel Kinh tế 2004); Jean Jouzel (Nobel Hòa bình 2007)... Tháng 7/2022 , GS. Ducan Haldane (Nobel Vật lý 2016 "cho những khám phá lý thuyết về sự chuyển pha tôpô và pha tôpô của vật chất" góp luồng sáng giải mã những bí ẩn của vật chất trong cấu trúc liên kết của vũ trụ này) là nhà Nobel thứ 16 đến Quy Nhơn thực hiện nghi lễ thắp đuốc đánh dấu sự kiện hưởng ứng năm quốc tế khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững 2022 và nói chuyện "Vật chất lượng tử tô-pô, vướng víu lượng tử và cuộc cách mạng lượng tử lần hai".
Sau Hội nghị Khoa học Quốc tế “Cửa sổ nhìn ra vũ trụ”, “Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 9”, đến nay đã qua “Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 18”, ICISE đã tổ chức hàng trăm hội nghị khoa học quốc tế và trường khoa học chuyên đề, tạo sức thu hút hàng vạn nhà khoa học quốc tế, trong đó, ngoài các “ông hoàng giải Nobel”, 2 người đoạt giải Fields (được xem Nobel toán học), 2 giải Kavli (giải thưởng thiên văn học quốc tế cao nhất)...
Không những thế, ICISE đã mời được rất nhiều nhà khoa học gốc Việt trên thế giới về lại đất nước để đóng góp công sức, trí tuệ trong các lĩnh vực. Nhìn lại nhiều hội nghị hội thảo khoa học, từ những nội dung đầu tiên “Những biên giới của sắc động lực học lượng tử: Từ những bí ẩn tới khám phá”; “Quốc tế lần thứ 10 về lực hấp dẫn, vật lý thiên văn và vũ trụ học”, “Vũ trụ học trong kỷ nguyên Planck”; “Thuyết tương đối rộng và lực hấp dẫn”; “Vật lý Nano từ cơ bản đến ứng dụng”… giới thiệu về quy trình tìm ra hạt Boson Higgs; kết quả mới nhất về va chạm ion nặng… đến những năm gần đây: “Dòng chảy vũ trụ”; “PACOS, hạt, dây và vũ trụ”; “Sự hình thành sao trong các môi trường khác nhau”; “Bay theo gió”; “Nghiên cứu sự sống từ trái đất sơ khai đến các ngoại hành tinh”; “Cơ sinh học từ phân tử đến mô”; “Chu trình vũ trụ của bụi và khí trong thiên hà chúng ta: từ những ngôi sao lớn tuổi đến những ngôi sao trẻ tuổi”; “Triển vọng trong Vật lý Hadron”; “Hội nghị quốc tế về biên giới của Vật lý Neutrinos”; “Vật lý bên ngoài mô hình chuẩn”; “Điện tử lượng tử topo tương tác trực diện”... chúng ta thấy những hoạt động phong phú và đa diện, các nhà khoa học hàng đầu thế giới đã chia sẻ những kết quả mới nhất về vật lý, thiên văn và vũ trụ học…
Bây giờ thì quần thể quanh ICISE đã được Bình Định quy hoạch thành Khu đô thị Khoa học Quy Hòa. Đúng là cơ hội cho các nhà vật lý, đặc biệt là các nhà vật lý trẻ của Việt Nam, nhiều sinh viên, học sinh bản địa có cơ hội gặp gỡ, học hỏi, trao đổi kiến thức mới và chuyên sâu với các nhà vật lý hàng đầu thế giới, từ đó mở ra các cơ hội hợp tác nghiên cứu trong tương lai. Thế giới có thể có những phát hiện long trời lở đất từ một cái hạt bé nhỏ nhất, Hạt của Chúa, với tuyên bố "Giải thưởng năm nay là về một thứ rất nhỏ bé nhưng lại tạo nên mọi sự khác biệt", thật đơn giản và cũng thật vĩ đại.
Những lời lẽ to tát, những diễn văn hào hùng, những chương trình hoành tráng, những lời hứa tràng giang đại hải, nếu còn đọng lại chút gì trên chặng đường sắp tới, là ở cái hạt giống khoa học bé nhỏ cầm cự được với thời tiết, với sâu bọ, với sự thờ ơ… để tìm ra một khoảng trời nảy mầm trước khi tính chuyện ra hoa kết trái. Là một cư dân bé nhỏ của đất võ hoành bác, tôi vui mừng rằng dù thế nào, Quy Nhơn đã có một khởi đầu với sự hiện diện của những bộ óc ưu việt, tạo một động lực của tiền đề. Nhưng con ngựa đất võ có khởi đầu vũ điệu thần tốc cho một kết quả huy hoàng, phải tùy thuộc vào bản lĩnh Quang Trung Nguyễn Huệ trong khoa học, một bản lĩnh “Dựng nước lấy việc học làm đầu- Cầu trị lấy nhân tài làm gấp”.
Cạnh ICISE là Khu thắng cảnh Ghềnh Ráng Tiên Sa với mộ Hàn Mặc Tử, một nhà thơ trong nhóm Bàn Thành Tứ Hữu ví với Long (Hàn Mặc Tử), Lân (Yến Lan), Quy (Quách Tấn), Phượng (Chế Lan Viên). Trước đó một thế kỷ, họ đã gieo vào không gian biển Quy Nhơn một cảm quan vũ trụ : "Đo từ ngọn cỏ tới cung trăng/Những sợi hào quang vạn thước vàng/Bắt bắt thơ bay trong gió loạn/Để xem tình tứ nặng bao cân". Hàn Mặc Tử, vị chúa của Trường thơ Loạn ngày ấy cũng từng tiên báo: “Tôi đang đi trên con đường sáng láng tìm lấy chân lý ngàn năm, mà hào quang của tinh tú, của những ngọc ngà, châu báu, trời tuôn xuống không biết hằng hà sa số nào nữa”.