| Hotline: 0983.970.780

Giải cơn 'khát' vốn thủy lợi

Thứ Ba 18/07/2023 , 06:00 (GMT+7)

Bắc Kạn Từ nay đến năm 2025, Bắc Kạn sẽ được đầu tư triển khai thực hiện 8 dự án thủy lợi lớn từ ngân sách Trung ương do Bộ NN-PTNT quản lý.

Hàng loạt công trình xuống cấp

Tỉnh Bắc Kạn hiện có 2.410 công trình thủy lợi trong đó có 35 hồ chứa nước (11 hồ chứa lớn, 10 hồ chứa vừa, 14 hồ chứa nhỏ), 41 trạm bơm, còn lại là các công trình đập dâng, kênh dẫn nước tưới cho khoảng hơn 20.000ha/năm. Tổng chiều dài kênh mương thủy lợi được kiên cố hóa gần 1.600km, chiếm 68% tổng chiều dài toàn bộ hệ thống.

Phần lớn các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh có diện tích tưới nhỏ, chủ yếu từ 5 đến 10ha, chỉ có 64 công trình thủy lợi có diện tích tưới trên 20ha (chiếm 2,6% tổng số công trình trên địa bàn tỉnh).

Hồ thủy lợi Khuổi Cuộn (huyện Chợ Mới) hư hỏng nghiêm trọng nhưng chưa có kinh phí khắc phục triệt để. Ảnh: Ngọc Tú. 

Hồ thủy lợi Khuổi Cuộn (huyện Chợ Mới) hư hỏng nghiêm trọng nhưng chưa có kinh phí khắc phục triệt để. Ảnh: Ngọc Tú. 

Bắc Kạn có mạng lưới hồ đập, kênh mương thủy lợi khá dày đặc. Nhưng do đặc thù địa hình miền núi dốc, chia cắt nên dưới tác động của thiên tai, nhiều công trình đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.

Tại Bắc Kạn hiện có một số hồ chứa nước được xây dựng cách đây hơn 20 năm nên đã xuống cấp, trong đó có hàng chục hồ chứa nước cần phải bố trí sửa chữa ngay. Một số hồ nguy cơ cao xảy ra sự cố khi có mưa lũ như hồ Khuổi Dú, hồ Thôm Mong, hồ Lọ Pheo (huyện Na Rì); hồ Nà Kiến, hồ Thôm Pết (huyện Chợ Đồn); hồ Thôm Sâu, hồ Khuổi Quang, hồ Khuổi Cuộn (huyện Chợ Mới).

Nhưng do thiếu kinh phí nên tỉnh Bắc Kạn mới chỉ bố trí sửa chữa được một số hồ, toàn tỉnh hiện còn 9 hồ chứa chưa có kinh phí để sửa chữa dù đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều hồ thủy lợi tại Bắc Kạn dù mất an toàn nhưng chưa được gia cố, sửa chữa thường xuyên.

Nhiều hồ nước rò rỉ qua thân đập đã nhiều năm nhưng vẫn phải tích nước để phục vụ sản xuất. Đáng lo ngại là những hồ chứa nước này thường ở vị trí trên cao, phía dưới thường là khu dân cư, hoặc khu sản xuất của người dân, nên nếu xảy ra vỡ đập có thể để lại hậu quả nặng nề.

Trong số này có hồ thủy lợi Khuổi Cuộn (huyện Chợ Mới) đã hư hỏng nghiêm trọng. Từ năm 2019, một phần tường bể tiêu năng bên phải hồ đã bị gãy đổ, dưới tác động của nhiều trận lũ, hiện nay hai bên mố đập đều bị hư hỏng nặng, xuất hiện các vết thấm qua thân tường, bậc thang từ nhà hạ lưu lên nhà van bên trái đập cũng bị sụt lún, nứt gãy. Năm 2021 tiếp tục xuất hiện một số hố sụt lún trên sân mố đập làm vặn nghiêng trụ nhà van, kẹt van dẫn đến không thể vận hành đóng, mở cửa xả.

Ngoài ra, phần còn lại của tường mố bên tả và nhà van xả đáy có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào, gây mất an toàn vùng hạ du. Công trình hồ Khuổi Cuộn có dung tích trung bình khoảng 261.000m3, dung tích tối đa có thể đạt 520.000m3, phục vụ tưới tiêu cho 67ha đất trồng lúa và một phần đất trồng hoa màu khác. Dù hư hỏng nghiêm trọng nhưng tỉnh Bắc Kạn mới chỉ sửa chữa tạm thời công trình, chưa có kinh phí để sửa chữa lớn. 

Ông Đới Văn Thiều, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Bắc Kạn cho biết, thời gian qua, hầu hết các hồ mất an toàn mới chỉ sửa chữa nhỏ, mang tính tạm thời do thiếu kinh phí. Hiện nay, ngành nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí sửa chữa những công trình cấp bách để đảm bảo an toàn cũng như cung cấp nước cho sản xuất trong bối cảnh nắng nóng, hạn hán diễn biến phức tạp.

Với nguồn lực hạn chế, ngân sách tỉnh Bắc Kạn rất khó để đầu tư sửa chữa các hồ đập lớn. Ảnh: Ngọc Tú.

Với nguồn lực hạn chế, ngân sách tỉnh Bắc Kạn rất khó để đầu tư sửa chữa các hồ đập lớn. Ảnh: Ngọc Tú.

Để khắc phục, nâng cao năng lực tưới tiêu, hàng năm tỉnh Bắc Kạn chỉ có nguồn vốn ít ỏi lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án ngành nông nghiệp để sửa chữa. Các đơn vị quản lý chủ động cân đối ngân sách sửa chữa tạm thời các công trình hư hỏng.

Ông Nguyễn Ngọc Tiến, PGĐ Công ty TNHH MTV Quản lý và Khai thác công trình thủy lợi Bắc Kạn thông tin, công ty quản lý 390 công trình thuỷ lợi, nhiều công trình đã xây dựng lâu xuống cấp nhưng chưa được sửa chữa kịp thời. Hàng năm số tiền trích ra để sửa chữa từ 2 đến 3 tỷ, chỉ đủ để sửa chữa tạm thời một số công trình nhỏ, những hồ chứa lớn không có khả năng sửa dù biết nguy hiểm.

Trong bối cảnh còn khó khăn về nguồn lực, hiện nay tỉnh Bắc Kạn đã giao cho các huyện, thành phố quản lý hơn 2.000 công trình thủy lợi nhỏ, thông qua hơn 100 tổ dùng nước.

Đầu tư nhiều dự án thủy lợi lớn

Những năm gần đây, cơn “khát” vốn đầu tư thủy lợi tại Bắc Kạn đang dần có giải pháp tháo gỡ khi nhiều công trình đã, đang và chuẩn bị được xây dựng.

Hồ chứa nước Nặm Cắt, dung tích hơn 12 triệu m3 là dự án thủy lợi lớn nhất từ trước đến nay tại Bắc Kạn. Ảnh: Ngọc Tú. 

Hồ chứa nước Nặm Cắt, dung tích hơn 12 triệu m3 là dự án thủy lợi lớn nhất từ trước đến nay tại Bắc Kạn. Ảnh: Ngọc Tú. 

Trong đó đáng kể nhất là Dự án hồ chứa nước Nặm Cắt (thành phố Bắc Kạn), hoàn thành, tích nước từ năm 2020, dung tích trên 12 triệu m3. Đây là công trình thủy lợi có quy mô lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Đây cũng là công trình có vai trò quan trọng trong điều tiết nước trên sông Cầu, khu vực có nhiều dự án về du lịch đang được tỉnh Bắc Kạn xúc tiến, mời gọi đầu tư. Dự án hồ chứa nước Nặm Cắt có tổng mức đầu tư gần 750 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương do Bộ NN-PTNT quản lý.

Từ nay đến năm 2025, lĩnh vực thủy lợi tại Bắc Kạn sẽ được đầu tư để thực hiện 8 dự án lớn. Cụ thể, ngân sách Trung ương do Bộ NN-PTNT quản lý sẽ đầu tư ba hồ thủy lợi gồm Nà Bang, Khuổi Lình, Khuổi Thiêu. Sửa chữa hồ Bản Chang, Pác Nghiên, Nà Lẹng, Nà Kiến và đập Nà Quanh, tổng mức đầu tư hơn 400 tỷ đồng.

Trong số này, hồ Bản Chang (huyện Ngân Sơn) bị rò rỉ nước qua thân đập nhiều năm nay sẽ được đầu tư xử lý triệt để, đỉnh đập gia cố mới lớp bê tông dày 20cm, làm tường chắn sóng.

Toàn bộ dự án này sẽ cấp nước tưới chủ động cho 590ha đất canh tác, 7ha nuôi trồng thủy sản, tạo nguồn và cấp nước sinh hoạt cho khoảng 12.300 người. Đồng thời dự án cũng góp phần nâng cao năng lực phòng chống cháy rừng và cải tạo môi trường sinh thái khu vực dự án.

Ông Đinh Huy Hoàng, Giám đốc BQL Dự án đầu tư xây dựng công trình NN-PTNT tỉnh Bắc Kạn cho biết, dự án này có vai trò rất quan trọng đối với lĩnh vực thủy lợi của Bắc Kạn nên đơn vị đang gấp rút hoàn thiện các thủ tục, phấn đấu đến cuối năm nay sẽ tổ chức đấu thầu và khơi công dự án này. Khi hoàn thành, những công trình thủy lợi này sẽ giúp nhiều vùng đất khô cằn có nước tưới, nhiều hồ hư hỏng nặng sẽ được sửa chữa.

Để hoàn thiện hệ thống thủy lợi, tỉnh Bắc Kạn cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, công trình tích trữ nước, thủy lợi nội đồng, và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, khi tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng công trình tích trữ nước được miễn tiền thuê đất, được hỗ trợ 100% chi phí thiết kế và chi phí máy thi công. Với dự án tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, ngân sách sẽ hỗ trợ 50% chi phí vật liệu, máy thi công và thiết bị để đầu tư xây dựng hệ thống tưới, mức hỗ trợ không quá 40 triệu đồng/ha. Ngân sách nhà nước cũng sẽ hỗ trợ 90% tổng giá trị đầu tư xây dựng công trình kiên cố kênh mương.

Từ nay đến 2025, tỉnh Bắc Kạn cũng sẽ đầu dự án xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, suối. Theo đó, sẽ đầu tư kè chống sạt lở bờ sông Năng thuộc xã Thượng Giáo và thị trấn Chợ Rã (huyện Ba Bể), bờ sông Bắc Giang thuộc thị trấn Yến Lạc (huyện Na Rì), tổng chiều dài hơn 1.700m. Tổng mức đầu tư 98 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách Trung ương do Bộ NN-PTNT quản lý.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 1] Tính mạng trên hết

Phần lớn quãng đời của ngư dân gắn với biển. Biển cả mênh mông, trong khi bão tố rất bất thường, sinh mạng và tài sản của ngư dân luôn bị thiên tai đe dọa…

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.