| Hotline: 0983.970.780

Giải mã cơn sốt phân bón

Thứ Ba 27/07/2021 , 17:45 (GMT+7)

Cơ quan quản lý, các hiệp hội, doanh nghiệp khẳng định nguồn cung phân bón trong nước rất dồi dào. Việc phân bón tăng giá chủ yếu do chi phí sản xuất tăng cao.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công thương:

Nguyên, nhiên liệu và phí vận chuyển tăng mạnh

Chúng ta đều thấy, thời gian qua, giá phân bón thế giới và trong nước tăng cao, có rất nhiều nguyên nhân, sơ bộ có những nguyên nhân sau:

Ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công thương). Ảnh: NH.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công thương). Ảnh: NH.

Sau đại dịch Covid-19, một số nước trên thế giới bước đầu thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, chính vì thế lượng sử dụng phân bón tăng trên phạm vi toàn cầu.

Các nguyên liệu đầu vào sản xuất phân bón của thế giới tăng rất cao. Lưu huỳnh tăng trên 200% so với thời điểm thấp nhất của năm 2019; Amoniac tăng gần 200%, kéo theo đó là những phân bón đơn, như ure, DAP, super lân… tăng giá theo.

Tiếp đến, giá dầu khí thế giới tăng, nhiên liệu tăng, do vậy quá trình vận chuyển tăng. Bên cạnh đó, do Covid-19, container thiếu hụt trầm trọng, có lúc chi phí vận chuyển container tăng đến 5 lần so với trước đây. Đó là những nguyên nhân chính làm tăng giá phân bón.

Tuy nhiên, cũng không ngoại trừ các nguyên nhân khác như quá trình điều phối lưu thông trên thị trường. Ngoài ra, do chúng ta gần nước nông nghiệp lớn là Trung Quốc, ảnh hưởng từ Trung Quốc về hóa chất, phân bón rất lớn.

Trung Quốc có hệ thống chính sách thuế với phân bón rất nhanh nhạy và biên rất rộng. Trong thời gian qua, Trung Quốc bằng rất nhiều hình thức đã hạn chế xuất khẩu, chính vì thế, chúng ta có thể thiếu một cách cục bộ phân bón theo thời gian cho một số các giai đoạn.

Nguyên nhân cuối cùng, vụ hè thu là vụ sử dụng phân bón rất lớn trên toàn quốc, do vậy có thể có những lúc nhu cầu phân bón tăng cao. 

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT:

Nguồn cung trong nước không thiếu

Thống kê hiện nay, cả phân bón vô cơ lẫn phân bón hữu cơ chúng ta có 841 nhà máy. Tổng công suất thiết kế phân bón vô cơ khoảng 29,5 triệu tấn và phân bón hữu cơ 4 triệu tấn.

Số liệu sản xuất phân bón năm 2020 cho thấy, trong nước sản xuất được 7,8 triệu phân bón vô cơ và 2,6 triệu phân bón hữu cơ. Trong khi đó, tổng nhu cầu sử dụng phân bón hàng năm của nước ta khoảng 10,2 - 10,5 triệu tấn.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT). Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT). Ảnh: Tùng Đinh.

Riêng 6 tháng đầu năm 2021, thống kế cho thấy sản xuất phân bón trong nước đều tăng 5% so với cùng kỳ của năm 2020, lượng nhập khẩu cũng tăng khoảng 6%. Sản xuất tăng, nhập khẩu tăng và nhu cầu sử dụng không tăng, giữ ổn định so với năm 2020, thậm chí còn giảm bởi trong chuyển đổi, tái cơ cấu nông nghiệp, nhiều diện tích trồng trọt đã chuyển đổi sang mục đích khác.

Vậy với cung - cầu như vậy, hoàn toàn có thể khẳng định nguồn cung phân bón của chúng ta không thiếu. Có thể, việc khan hiếm chỉ mang tính chất cục bộ ở một số nơi nào đó hoặc một số thời điểm nào đó. Còn về khả năng cung ứng để phục vụ cho nhu cầu nông nghiệp hoàn toàn chúng ta có thể đáp ứng được.

Ngay từ đầu tháng 4/2021, trước tình hình phân bón tăng giá, theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, chúng tôi đã mời các doanh nghiệp lớn họp tại Cục với sự tham dự của đại diện Bộ Công thương, Hiệp hội Phân bón Việt Nam và một số cơ quan truyền thông để nói cho rõ.

Tại cuộc họp, các doanh nghiệp rất chia sẻ, rất trách nhiệm khi đều đồng thuận sẽ sản xuất với công suất tối đa, đặc biệt là các doanh nghiệp DAP và ure. Các doanh nghiệp cũng cam kết lùi các đơn hàng, hợp đồng xuất khẩu, tập trung cung ứng cho nông nghiệp trong nước.

Cục BVTV khẳng định, nguồn cung phân bón trong nước không thiếu. Ảnh: TL.

Cục BVTV khẳng định, nguồn cung phân bón trong nước không thiếu. Ảnh: TL.

Doanh nghiệp cam kết các loại phân bón ra khỏi nhà máy có sự niêm yết, công bố, công khai mình bạch giá đầu ra để tránh việc găm hàng, bung bít thông tin để thổi giá. Và thực tế, các doanh nghiệp lớn hiện nay đều kiểm soát tốt từ khi hàng ra khỏi nhà máy đến các kênh phân phối và người tiêu dùng một cách thông suốt, minh bạch.

Sau đó, chúng tôi có kiểm tra lại, các nhà máy DAP Đình Vũ, DAP Lào Cai, DAP Đức Giang đều sản xuất công suất tối đa hết, thậm chí vượt so với công suất của họ.

Hai nhà máy sản xuất phân đạm lớn là Phú Mỹ, Cà Mau đều đạt tối đa công suất tối đa của họ từ 350.000 - 450.000 tấn. Còn một số nhà máy phân đạm khác thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam là Đạm Hà Bắc và Đạm Ninh Bình cũng chạy hết công suất.

Tôi khẳng định, với tình hình phân bón thế giới tăng cao như vậy, các doanh nghiệp trong nước rất trách nhiệm, rất đồng hành và góp phần vào việc giảm giá thành khi phân bón đến tay người dân. Thực tế thời gian qua, giá phân bón (tùy loại) bán ra của các doanh nghiệp trong nước đều đã giảm từ 5-10% so với phân bón nhập khẩu cùng chủng loại.

Ví dụ, giá DAP sản xuất trong nước có thời điểm khi ra khỏi nhà máy khoảng 9-10 triệu/tấn, trong khi đó giá nhập khẩu 14,5-15 triệu/tấn; giá phân ure sản xuất trong nước cũng đều thấp hơn giá ure nhập khẩu, đấy là những điều doanh nghiệp đã cam kết và họ làm được.

Ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam:

Giá phân bón lên xuống chủ yếu do giá dầu khí

Đúng là có thể ở nơi này nơi khác có hiện tượng thiếu phân bón thật, nhưng chỉ là thiếu cục bộ, còn về toàn cảnh chắc không thiếu.

Thời gian qua, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã phối hợp cùng Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương có những cuộc họp, chỉ đạo, kèm theo biện pháp kêu gọi doanh nghiệp tránh găm hàng, cố gắng đẩy mạnh sản xuất.

Ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam. Ảnh: NH.

Ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam. Ảnh: NH.

Về xuất khẩu, theo văn bản quy định của Nhà nước, không có quy định nào có quyền được cấm xuất khẩu. Do đó, nếu cần, chúng ta nên dùng công cụ mềm, ví dụ như tăng thuế xuất khẩu lên, giảm thuế nhập khẩu, có thể cân nhắc cả thuế thương mại, đó là những việc Nhà nước có thể làm.

Muốn làm được các biện pháp đó, phải căn cứ vào các Hiệp định thương mại, hiệp định song phương, đa phương giữa Việt Nam ký kết với các nước.

Còn việc xuất khẩu phân bón trong 6 tháng đầu năm 2021 nói lên một điều là chất lượng phân bón của ta đạt, ít nhất đạt chất lượng xuất sang các nước trong khu vực là Philippines, Myanmar, Campuchia. Tức là chất lượng phân bón của ta đã được khu vực chấp nhận.

Thứ hai, việc xuất khẩu phân bón phụ thuộc vào điều hành sản xuất của từng doanh nghiệp, khi cảm thấy tiêu thụ trong nước khó khăn, người ta xuất. Đứng về mặt Nhà nước, chúng ta nên nghĩ đến các biện pháp khác thay vì biện pháp cấm xuất khẩu.

Theo dõi thị trường phân bón, tôi có thống kê khoảng 50 năm trở lại đây có mấy lần tăng giá. Trong đó, năm 1980 tăng so với năm 1970 khoảng 50-70%. Năm 2008 tăng đạt đỉnh so với năm 2001, tăng từ 2,5-5 lần, tức 500%. Và đợt tăng giá năm 2021 này là đợt tăng thứ 3.

Ông Phùng Hà cho rằng, có thể nghiên cứu áp dụng tăng thuế xuất khẩu, giảm thuế nhập khẩu phân bón nhằm 'hạ nhiệt' giá phân bón trong nước. Ảnh: TL.

Ông Phùng Hà cho rằng, có thể nghiên cứu áp dụng tăng thuế xuất khẩu, giảm thuế nhập khẩu phân bón nhằm "hạ nhiệt" giá phân bón trong nước. Ảnh: TL.

Các nguyên nhân tăng giá phân bón rất khác nhau. Năm 1970 - 1980 nguyên nhân chính là do cuộc “Cách Mạng Xanh”. Năm 2008 so với năm 2001, 2002 và bây giờ 2021 so với 2020 tăng chủ yếu là do giá dầu.

Bởi nguyên liệu chính để sản xuất phân bón là Amoniac, lưu huỳnh đều từ dầu, khí thiên nhiên mà ra. Để sản xuất Amoniac, khí thiên nhiên chiếm 90% giá thành.

Theo tôi, đợt tăng giá phân bón năm 2021 không có gì bất thường mà chủ yếu phụ thuộc giá dầu. Hiện giá dầu tại Biển Đen hay Tây Texas khoảng trên 70 USD/thùng, so với cuối năm 2020 là dưới 60 đô/thùng, so với cùng kỳ của năm 2019 chỉ khoảng 40 đô/thùng.

Khó khăn lớn nhất hiện nay với doanh nghiệp là giá nguyên liệu đầu vào liên tục tăng mạnh. Cụ thể, so với thời điểm tháng 11/2020, hiện giá nhập Amoniac đã tăng từ 326 USD lên 676 USD/tấn (tăng 2,04 lần), giá nhập mua lưu huỳnh tăng từ 103 USD/tấn lên 255 USD/tấn (tăng 2,14 lần). Chưa kể cước vận tải biển cũng tăng rất mạnh.

Chỉ riêng 3 yếu tố này đã làm chi phí sản xuất phân bón DAP tăng lên hơn 3 triệu đồng/tấn. Do đó, DAP Đình Vũ đạt hiệu quả chủ yếu nhờ duy trì ổn định sản xuất và quản trị tốt, bởi giá bán DAP tăng chỉ đủ bù đắp chi phí tăng nguyên nhiên vật liệu đầu vào.

(Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần DAP Vinachem)

Thông tin khan hiếm phân bón là không chính xác

Lãnh đạo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cũng như các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh phân bón lớn tại Việt Nam đều cho rằng nguồn cung phân bón trong nước thực tế không thiếu. Thậm chí thời gian qua, các doanh nghiệp đều đã tăng rất mạnh công suất sản xuất; hạn chế, dừng xuất khẩu nên nguồn cung trong nước rất dồi dào. 

Ông Bùi Thế Chuyên, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam khẳng định ngay từ tháng 2/2021, khi xu hướng giá phân bón tăng, Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị thành viên sản xuất phân bón trực thuộc thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 để tổ chức sản xuất bình thường, không bị gián đoạn.

Ông Bùi Thế Chuyên, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Ảnh: Quang Dũng.

Ông Bùi Thế Chuyên, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Ảnh: Quang Dũng.

Đồng thời, đề nghị các đơn vị phải chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào trong bối cảnh giá thế giới tăng để chủ động nguồn nguyên liệu cho sản xuất; chuẩn bị tất cả các nguồn lực, từ con người, vật tư, máy móc, thiết bị để làm sao sản xuất sản lượng tối đa nhất có thể và trên thực tế chúng tôi đã làm được việc đó. Cụ thể, Sản xuất ure và DAP của Tập đoàn đều tăng trên 50% so với cùng kỳ.

Tập đoàn cũng đã đề nghị các đơn vị hạn chế xuất khẩu và dừng xuất khẩu từ cuối tháng 5/2021.

Bà Nguyễn Thị Tiêu, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Hà Anh cũng cho biết, giá phân bón trong nước thời gian qua tăng giá mạnh, nguyên nhân chủ yếu do giá thế giới tăng. Hiện Kali tăng lên xấp xỉ 10 triệu đồng/tấn, SA 5,6 - 5,7 triệu đồng/tấn, Ure xung quanh 10 triệu đồng/tấn.

"Mặc dù giá phân bón tăng mạnh, nhưng thông tin khan hiếm phân bón là không chính xác. Hiện nguồn cung đang dồi dào, không thiếu, chỉ có điều giá cao", bà Tiêu khẳng định. 

"Cả năm 2020, Đạm Cà Mau xuất khẩu tổng cộng 309.000 tấn phân bón các loại đi các nước như Ấn độ, Banglades, Myamar..., trong khi 6 tháng đầu năm 2021 hiện mới chỉ xuất khẩu 120.000 tấn (giảm 30%) và dự kiến 6 tháng cuối năm sẽ dừng toàn bộ xuất khẩu các lô hàng xuất theo lô, chỉ giữ bán hàng để cung ứng cho các đại lý phân phối chính thức đã ký cam kết sản lượng tối thiểu theo hợp đồng dài hạn ở thị trường Campuchia, nên dự kiến hết năm 2021, sản lượng xuất khẩu của Đạm Cà Mau sẽ giảm mạnh so với 2020".

(Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khi Cà Mau).

Xem thêm
Bệnh virus hại tiêu và cách phòng trị

Bệnh virus hại tiêu (bệnh tiêu điên) là loại bệnh khá phổ biến đối với cây tiêu làm giảm năng suất, chất lượng thậm chí khiến tiêu bị chết hàng loạt rất nguy hiểm...

Áp dụng khẩu phần đạm thô thấp mang hiệu quả kép cho chăn nuôi lợn

Giảm tỷ lệ protein thô trong khẩu phần thức ăn chăn nuôi lợn đem lại tác động đa lợi ích, vùa hướng tới giảm phát thải khí nhà kính vựa hạ giá thành chăn nuôi.

Giải pháp bổ sung khoáng cho ao nuôi tôm độ mặn thấp

ĐBSCL Khi nuôi tôm ở độ mặn thấp thường thiếu hụt khoáng chất. Vậy làm sao bổ sung khoáng chất cho ao nuôi có độ mặn thấp mà đạt hiệu hiệu quả?