| Hotline: 0983.970.780

Giải mã những dự án ôm hàng nghìn ha rừng của đại gia than Đặng Quốc Lịch

Thứ Tư 16/10/2019 , 09:09 (GMT+7)

Dưới danh nghĩa Công ty Cổ phần Thiên Lâm Đạt, ông Đặng Quốc Lịch, một đại gia than nổi tiếng đang quảng bá và thực hiện những dự án nhiều nghìn tỷ đồng, tham vọng “thâu tóm” hàng nghìn ha rừng, đất rừng ở các tỉnh Bắc Giang và Quảng Ninh.

Bí ẩn đại gia than

Giữa trung tâm xã Thượng Yên Công, ngay dưới chân núi Yên Tử (TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) là một khu biệt phủ với nhà gỗ, ao hồ, vườn tược hết sức nguy nga, tráng lệ. Không ai có thể vào, kể cả người dân bản địa nếu không có sự đồng ý của chủ nhân - ông Đặng Quốc Lịch (hộ khẩu tại thôn Nam Mẫu, xã Thượng Yên Công).

12-01-22_bg1
Những cánh rừng bạt ngàn ở Bắc Giang rơi vào tay Thiên Lâm Đạt.

Người dân Uông Bí, Quảng Ninh và thậm chí cả vùng Đông Bắc không mấy ai không biết đến ông Lịch. Xuất thân ông, những người dân và cán bộ ở Thượng Yên Công nói, đại gia bây giờ vốn anh mót than ở vùng núi rừng Yên Tử.

Ngày 29/5/2008, ông Đặng Quốc Lịch thành lập Liên hiệp KHCN Tài nguyên Khoáng sản Môi trường và Năng lượng, đăng ký kinh doanh tại địa chỉ thôn Bạch Đằng, phường Phương Nam, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Bằng những hợp đồng với các công ty gia đình trực thuộc như Công ty TNHH Tiên Lâm, ông Đặng Quốc Lịch bắt đầu khai thác than rừng Yên Tử và nhanh chóng trở thành đại gia. Từ đó nhiều lá đơn tố cáo ông Lịch và doanh nghiệp của mình được bảo kê khai thác than lậu bán mới có thể giàu nhanh như thế.

Ông Đặng Xuân Thảo (77 tuổi), một cựu chiến binh hiện là Giám đốc Cty CP XNK Thương mại và vận tải Minh Châu (thôn Miếu Bòng, xã Thượng Yên Công), từ hàng chục năm nay vẫn miệt mài đi tố cáo ông Lịch và Công ty TNHH Tiên Lâm, Liên hiệp KHCN Tài nguyên khoáng sản môi trường và năng lượng. Rất nhiều hồ sơ, hình ảnh ông Thảo tố cáo những hành vi khai thác than trái phép, ăn cắp than từ năm 2010 đến nay với số lượng than rất lớn, hàng năm lên đến cả triệu tấn, có dấu hiệu bao che của các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh...

“Họ khai thác trong những hầm lò dài, sâu từ 8-10km trong núi rừng Yên Tử, nhiều năm trời chúng tôi làm đơn tố cáo đến khắp các cơ quan chức năng, nhưng không hiểu sao lần nào cũng bị lộ danh tính. Bọn chúng nhiều lần đến mua chuộc người tố cáo nhưng không thành. Than khai thác chuyển đi đâu? Đóng thuế bao nhiêu? Vì sao chính quyền không vào cuộc xử lý? Chúng tôi đi khiếu nại tố cáo khắp nơi những vấn đề này nhưng chẳng một ai giải quyết cho cả. Số tiền họ thu lợi bất chính không biết đến bao nhiêu nghìn tỷ đồng”, ông Thảo nói.

12-01-22_bg4
Ông Đặng Xuân Thảo nhiều năm trời tố cáo ông Đặng Quốc Lịch.

Theo ông Thảo và những người tố cáo ở Uông Bí, sở dĩ không ai có thể sờ được đến ông Lịch là vì đại gia này được một cán bộ cấp cao “đỡ đầu”. Đến năm 2018, khi người “đỡ đầu” không còn thì cả Liên hiệp KHCN Tài nguyên khoáng sản môi trường năng lượng lẫn Công ty Tiên Lâm đều dừng các hoạt động khai thác ở Thượng Yên Công và Uông Bí.

Ông Trần Phi Long, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thượng Yên Công xác nhận: Ông Lịch là dạng người sóng nổi như cồn, đến lúc cồn bị bay cũng phải bay theo.

“Hiện Công ty TNHH Tiên Lâm đã mất tăm. Trên địa bàn xã chỉ còn lại nhà do bà mẹ và mấy người làm trông coi, vợ con và anh ấy chủ yếu ở Hà Nội và Bắc Giang. Sau khi than đóng cửa anh Lịch chuyển sang làm gỗ nhưng nghe đâu đang bể nợ”, ông Long tiết lộ.

Trực tiếp khu biệt phủ của ông Lịch, ngỏ ý vào thăm bà cụ nhưng những người bảo vệ ở đây nói, không có ý kiến anh Lịch thì bất cứ ai cũng không được vào. Ông Nguyễn Văn Chữ, hàng xóm bên khu biệt phủ nói: Thời hoàng kim xe ô tô về đây lần nào cũng còi hụ, dẹp đường, khi xây dựng nhà gỗ, đá tập kết về 2 bên đường kéo dài đến mấy trăm mét, người lúc nào cũng đông như hội, bây giờ thì không còn ai.
 

Ôm hàng nghìn ha rừng

Ngay thời điểm lệnh cấm than còn chưa được ban hành, dường như đoán trước hoạt động khai thác không thể lâu bền, đại gia Đặng Quốc Lịch chuyển hướng sang vùng núi rừng Bắc Giang và một số địa điểm ở Quảng Ninh với những siêu dự án nhiều nghìn tỷ đồng, dưới danh nghĩa Công ty CP Thiên Lâm Đạt (địa chỉ đăng ký tại thôn Xuân An, xã Mỹ An, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang). Song song là hoạt động khai thác than tại Công ty than Hợp Nhất (thôn Chàng 3, thị trấn Lục Nam, huyện Lục Nam, Bắc Giang).

Bí thư, Chủ tịch UBND xã Thượng Yên Công, ông Trần Phi Long.
Trao đổi với NNVN, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ninh, ông Nguyễn Hữu Giang nói ngắn gọn về Thiên Lâm Đạt: Hiện chưa làm gì ở Quảng Ninh. Còn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Đặng Huy Hậu nhiều lần khẳng định “dưới đất rừng là khoáng sản” nên việc lựa chọn thành viên thứ 2 khá phức tạp.

Trong các năm 2016 và 2017, Thiên Lâm Đạt do ông Đặng Quốc Lịch làm Chủ tịch HĐQT đã thực hiện hàng loạt dự án tại tỉnh Bắc Giang bằng những sự quan tâm đặc biệt từ lãnh đạo tỉnh này.

Đầu tiên là thuê rừng gắn với thuê đất lâm nghiệp tổng cộng 782,67ha tại xã Đèo Gia, huyện Lục Ngạn.

Đèo Gia là một xã khó khăn. Ngày 4/10/2017, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lại Thanh Sơn ký Quyết định thu hồi 782,67 ha đất lâm nghiệp và giao toàn bộ cho Công ty CP Thiên Lâm Đạt thuê trong vòng 50 năm.

Sở NN-PTNT Bắc Giang cũng phê duyệt phương án quản lý của Thiên Lâm Đạt với mục tiêu kinh tế khai thác gỗ rừng trồng hàng năm 4.358m3, chế biến 2.609m3 sản phẩm, thu bình quân 13 tỷ đồng. Mục tiêu xã hội giải quyết hơn 450 lao động tại địa phương.

Tuy nhiên, quyết định của UBND tỉnh Bắc Giang gặp phải sự phản đối của người dân xã Đèo Gia. Họ cho rằng, đất đai sản xuất bao đời nay không thể trong phút chốc rơi vào tay doanh nghiệp được. Đầu năm 2018, trong quá trình người dân ngăn cản hoạt động của Thiên Lâm Đạt, nguyên trưởng thôn Đèo Gia Tô Văn Bình bị công an bắt giữ.

Trong buổi đối thoại sau đó, ông Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang khẳng định: Nguồn gốc đất rừng giao cho người dân cũng như doanh nghiệp trước kia đều thuộc thẩm quyền quản lý của UBND xã Đèo Gia. Vì vậy, người dân không thể chống cự.

Không chỉ “ôm” đất rừng ở Lục Ngạn, thực hiện chuyển đổi các công ty lâm nghiệp trên địa bàn, Thiên Lâm Đạt còn được UBND tỉnh Bắc Giang tạo điều kiện “nhảy” vào các công ty với diện tích rừng cực lớn.

Năm 2017, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành các quyết định phê duyệt các phương án chuyển đổi các Công ty TNHH MTV lâm nghiệp trên địa bàn thành Công ty TNHH 2 TV (bao gồm Lục Ngạn, Lục Nam, Mai Sơn, Yên Thế), trong đó, thành viên thứ hai chính là Thiên Lâm Đạt.

Đến thời điểm hiện tại, Thiên Lâm Đạt đã góp gần 15 tỷ đồng tại Lục Ngạn và gần 10 tỷ đồng tại Yên Thế. Ông Phạm Tiến Vĩnh, Giám đốc Công ty Yên Thế từng báo cáo Trung ương: Trong quá trình xây dựng điều lệ, giữa 2 công ty không thống nhất tỷ lệ % vốn góp biểu quyết để thông qua các quyết định biểu quyết của Hội đồng thành viên, trong đó, Thiên Lâm Đạt yêu cầu tỷ lệ 85% trở lên hoặc 100%.

Về vấn đề này, trao đổi với NNVN, một lãnh đạo chi cục thuộc Sở NN-PTNT Bắc Giang khẳng định: Bản thân những công ty lâm nghiệp như Yên Thế, Lục Ngạn đang hoạt động tốt, không hiểu tại sao UBND tỉnh Bắc Giang lại chỉ đạo đưa Thiên Lâm Đạt vào? Tìm hiểu tại Yên Thế, đến thời điểm này khoản góp của Thiên Lâm Đạt, lãnh đạo công ty vẫn chưa dám đụng đến.

Tương tự Bắc Giang, tại Quảng Ninh, từ năm 2016, Thiên Lâm Đạt đã báo cáo về ý tưởng, chiến lược đầu tư tổ hợp nhà máy chế biến gỗ gắn với vùng nguyên liệu tại Quảng Ninh.

Theo đó, Công ty này sẽ đầu tư kinh doanh hạ tầng công nghiệp tại TP Uông Bí với diện tích giai đoạn 1 là 70-80ha; trồng rừng nguyên liệu (thuê, liên doanh và mua vốn nhà nước tại 5 công ty lâm nghiệp) với quy mô dự kiến khoảng 50.000 ha; xây dựng 1 tổ hợp nhà máy khép kín gồm 1 nhà máy sản xuất sợi MDF công suất 250.000m3 sản phẩm/năm; 1 nhà máy sản xuất ván dăm định hướng cao cấp công suất 150.000m3 sản phẩm/năm; 1 nhà máy sản xuất ván ghép thanh tự động công suất dự kiến 24.000m3 sản phẩm/năm; 1 nhà máy cơ khí với vai trò sản xuất các sản phẩm phụ trợ cho ngành gỗ và khai thác mỏ, 4 nhà máy sơ chế được đặt tại vùng nguyên liệu thuộc các huyện Ba Chẽ, Hoành Bồ, Tiên Yên và Cẩm Phả với công nghệ xẻ ván bán tự động và sấy hơi nước. Tổng mức đầu tư khoảng 4.500 tỷ đồng...

Tuy nhiên, siêu dự án của đại gia Đặng Quốc Lịch đến nay vẫn còn trên giấy.

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm