Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong sản xuất và xúc tiến thương mại còn hạn chế; công tác quản trị, kinh doanh của các doanh nghiệp OCOP chưa cao; một số doanh nghiệp, HTX chưa quan tâm đến kiểu dáng, nhãn mác, bao bì đóng gói, nhất là các loại giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc… là những “nút thắt” trong quá trình triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tại Nghệ An.
Nhằm giải bài toán khó, tỉnh này đã đề ra một số nhóm giải pháp quan trọng, tập trung vào các chủ thể tham gia, vốn là hạt nhân của chương trình.
Để tạo động lực thúc đẩy, Nhà nước cần tổ chức và hỗ trợ các đơn vị OCOP đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu thông qua các hội thảo, hội chợ, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu gắn với văn hóa cấp địa phương, vùng, quốc gia và quốc tế.
Nhất thiết phải tổ chức sản xuất gắn với phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng, liên kết chuỗi theo hướng hữu cơ, sinh thái, có cấp mã số vùng trồng, bảo đảm an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.
Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân phải chủ động nắm bắt thời cơ bằng cách đổi mới tư duy, quy trình, đặc biệt là công tác chế biến, bảo quản sau thu hoạch để cải thiện chất lượng sản phẩm, qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế từ những bờ vùng, bờ thửa.
Nhiệm vụ quan trọng khác là từng bước đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi các nền tảng khoa học, công nghệ vào sản xuất, chế biến, bảo quản. Các doanh nghiệp OCOP cần nghiên cứu cải tiến quy trình thích ứng với nền kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Lý thuyết phải đi đôi với thực hành, muốn làm được phải chủ động đầu tư, mua sắm máy móc, trang thiết bị, nâng cấp cơ sở hạ tầng để hướng đến mục tiêu tăng nhanh năng suất, giảm lao động thủ công, cùng lúc đáp ứng tiêu chuẩn kép trong kinh doanh.
Chất lượng sản phẩm là một nhẽ, để thương hiệu bay cao, bay xa cần được quảng bá rộng rãi trên các nền tảng số. Các chủ thể phải có phương pháp nhằm nâng cao trình độ sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin trên điện thoại thông minh, máy vi tính, phải thông thạo kháo niệm tiếp thị kỹ thuật số (digital marketing), tiếp thị trực tuyến (marketing online)... để quảng bá hiệu quả hình ảnh sản phẩm, mở rộng thị trường, từ đó nâng tầm giá trị thương hiệu của mặt hàng OCOP.
Sau 6 năm triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, đến nay Nghệ An có 567 sản phẩm OCOP (529 sản phẩm đạt 3 sao, 37 sản phẩm đạt 4 sao, 1 sản phẩm đạt 5 sao), số lượng chỉ sau Hà Nội. Đây là thành quả hết sức ngọt ngào, là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực không ngơi nghỉ suốt chặng đường đã qua.