| Hotline: 0983.970.780

Giải pháp căn cơ giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt

Thứ Hai 17/05/2021 , 08:57 (GMT+7)

Bình Thuận là một tỉnh khô hạn nhất nước nên vào mùa khô hay thiếu nước sinh hoạt. Để giải quyết tình trạng trên cần đầu tư các công trình cấp nước quy mô lớn.

Nỗ lực cấp nước sinh hoạt

Theo số liệu điều tra về Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường đã được UBND tỉnh Bình Thuận công bố tại Quyết định số 959 ngày 19/4/2021, tính  đến cuối năm 2020, khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh có 62 công trình cấp nước tập trung với tổng công suất cấp nước 84.020 m3/ngày, cung cấp cho 52,84% số hộ dân nông thôn sử dụng.

Các công trình cấp nước đều giao cho các đơn vị chuyên ngành nước quản lý, khai thác và sử dụng nên phát huy hiệu quả đầu tư, không có công trình nào bị hư hỏng, lãng phí.

Thời gian qua, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Bình Thuận nỗ lực cấp nước sinh hoạt cho người dân nông thôn. Ảnh: KS.

Thời gian qua, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Bình Thuận nỗ lực cấp nước sinh hoạt cho người dân nông thôn. Ảnh: KS.

Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Bình Thuận đang quản lý 38 công trình cấp nước tập trung, tổng công suất thiết kế 46.500m3/ngày, cung cấp cho hơn 65.000 hộ đấu nối sử dụng nước trên địa bàn 2 phường, 9 thị trấn và 54 xã trong tỉnh (ngoại trừ huyện Tuy Phong).

Theo Chi cục Thủy lợi Bình Thuận, hầu hết các công trình cấp nước tập trung do Trung tâm quản lý đều phát huy hiệu quả đầu tư, đảm bảo cung cấp nguồn nước sạch cho người dân sử dụng.

Tại công trình cấp nước Thuận Bắc (huyện Hàm Thuận Bắc), tổng công suất 8.160 m3/ngày, cung cấp cho khoảng 10.300 hộ sử dụng (chưa tính sử dụng chung) tại 1 thị trấn và 6 xã trên địa bàn huyện, từ khi công trình cấp nước này ra đời đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ở vùng khô hạn Hàm Thuận Bắc. Nhiều người dân đã thoát cảnh sử dụng nước sông, hồ, giếng ngầm nhiễm phèn không bảo đảm vệ sinh và ảnh hưởng đến sức khỏe.

Người dân vùng nông thôn vui mừng khi có nước sạch sử dụng. Ảnh: KS.

Người dân vùng nông thôn vui mừng khi có nước sạch sử dụng. Ảnh: KS.

Ông Trần Văn Liêm, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Bình Thuận, cho biết, thời gian qua, Trung tâm luôn nỗ lực thực hiện các giải pháp để tăng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch, cũng như đảm bảo cấp nước sinh hoạt phục vụ người dân trong mọi thời tiết mưa lũ, khô hạn bằng cách thường xuyên theo dõi chất lượng nguồn nước thô, nước sau xử lý tại các công trình cấp nước.

“Có thể nói từ khi các công trình cấp nước đầu tư cho vùng nông thôn đi vào hoạt động đã giúp nâng cao tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch trên địa bàn tỉnh, nâng cao đời sống, bảo vệ sức khỏe người dân. Bên cạnh đó đã giúp tháo gỡ cho nhiều địa phương trong việc thực hiện tiêu chí 17.1 về tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch trong Bộ tiêu chí xây dựng xã NTM”, ông Liêm chia sẻ.

Giải pháp căn cơ giải quyết nước sinh hoạt vào mùa khô

Theo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Bình Thuận, trong các năm qua, nhất là mùa khô năm 2015 – 2016 và 2019 – 2020, do biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino gây ra tình trạng hạn hán rất nghiêm trọng trên địa bàn toàn tỉnh làm suy giảm, cạn kiệt nguồn nước mặt và nước dưới đất. Từ đó, một số công trình cấp nước phải ngưng hoạt động.

Riêng mùa khô năm 2020, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Bình Thuận có 4 công trình cấp nước ngưng hoạt động hoàn toàn và 12 công trình ngưng luân phiên do nguồn nước thô từ các hồ thủy lợi và sông suối bị cạn kiệt. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng nước cho các hoạt động sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng cao. 

Để giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô ở Bình Thuận cần đầu tư công trình cấp nước công suất lớn. Ảnh: KS.

Để giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô ở Bình Thuận cần đầu tư công trình cấp nước công suất lớn. Ảnh: KS.

Do đó về giải pháp lâu dài để đảm bảo cấp nước sinh hoạt bền vững trên địa bàn tỉnh, theo ông Liêm, tỉnh cần nghiên cứu phương án đầu tư các công trình cấp nước có công suất từ 5.000 – 15.000 m3/ngày nằm kế cận các công trình thủy lợi có quy mô lớn hoặc sông lớn như hồ Sông Quao, hồ sông Móng – Ka Pét, sông La Ngà...

Như vậy, các các công trình mới đảm bảo có nguồn nước thô ổn định trong mùa khô hạn, giúp các nhà máy nước vận hành thường xuyên, liên tục, tránh bị gián đoạn, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện công tác bảo đảm an toàn về chất lượng nguồn nước thô cấp cho các nhà máy nước.

Trung tâm đề nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ tỉnh Bình Thuận tiếp tục tiếp nhận và triển khai thực hiện dự án “Nước sạch và vệ sinh nông thôn bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025 vay vốn Ngân hàng thế giới”, cũng như tạo điều kiện giúp tỉnh đầu tư các công trình cấp nước có quy mô lớn trong giai đoạn từ 2021 – 2030 để giải quyết căn bản tình trạng thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn nông thôn trong tỉnh trong các tháng mùa khô hàng năm.

  • Tags:
Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Thanh Trì sáng tạo lan tỏa các sản phẩm OCOP

Thời gian vừa qua huyện Thanh Trì, TP Hà Nội đã có nhiều cách làm sáng tạo để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm OCOP.