Tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa 14 đang diễn ra tại Hà Nội, cả Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao đều khẳng định án oan đã giảm đáng kể trong nhiệm kỳ vừa qua.
Đó là tín hiệu đáng vui mừng. Thế nhưng, trên thực tế, những vụ án oan vẫn xuất hiện đầy ám ảnh khiến cộng đồng day dứt khôn nguôi.
Tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa 14, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Lê Minh Trí cho biết nhiệm kỳ qua, ngành kiểm sát đã tiếp nhận, giải quyết hơn 560.000 nguồn tin về tội phạm và đã yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố hơn 3.000 vụ án, tăng 64% so với nhiệm kỳ trước.
Đích thân ông Lê Minh Trí đã chỉ đạo toàn ngành nỗ lực triển khai, thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp, tạo sự chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt công tác, nhất là nhiệm vụ phòng chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm.
Thông qua công tác kiểm sát, ngành kiểm sát đã góp phần hạn chế các trường hợp khởi tố oan và bỏ lọt tội phạm; bảo đảm việc bắt, tạm giữ, tạm giam có đầy đủ căn cứ, đúng pháp luật, hạn chế việc lạm dụng biện pháp tạm giam.
Chất lượng điều tra, truy tố được nâng lên, vi phạm tố tụng và các trường hợp oan, sai giảm dần, kết quả công tác đạt và vượt các chỉ tiêu trong nghị quyết 96 của Quốc hội. Những trường hợp bị khởi tố, điều tra oan chiếm tỉ lệ rất nhỏ, giảm dần theo từng năm và giảm 52,7% so với nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13.
Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận định kết quả công tác của Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân các cấp có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, ngành kiểm sát vẫn còn để xảy ra các trường hợp bị oan trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố có liên quan đến trách nhiệm của viện kiểm sát.
Số vụ tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung mà viện kiểm sát chấp nhận còn khá lớn. Trong đó có nhiều trường hợp tòa án trả hồ sơ cho viện kiểm sát yêu cầu khởi tố tội phạm mới, người phạm tội mới, phản ánh chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra trong các vụ án này còn chưa đáp ứng yêu cầu.
Cũng tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa 14, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao- Nguyễn Hòa Bình cho rằng: “Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, trong nhiệm kỳ không để xảy ra trường hợp nào kết án oan người không có tội”.
Thế nhưng, ngay thời điểm ấy, các cơ quan tố tụng của quận Bình Thạnh - TPHCM phải tổ chức cuộc xin lỗi công khai đối với ông Bùi Minh Lý tại Trung tâm văn hóa cộng đồng xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, vì đã khiến công dân ngồi tù oan hơn 2 năm.
Án oan của ông Bùi Minh Lý đột ngột ập đến như thế nào? Tối 19/1/2014, vợ chồng chị NTT đãi tiệc tất niên ở phường 25, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Bàn tiệc đặt ở hai bên đường hẻm, chừa lối đi nhỏ ở giữa.
Khi chị NTTT bưng thức ăn ra thì bị một thanh niên đi ngang bất ngờ giật sợi dây chuyền rồi rồ ga chạy. Chồng chị NTTT và một người bạn lấy xe máy đuổi theo ra đường lớn thì thấy ông Bùi Minh Lý đang chạy xe nên ép xe rồi xông vào đánh, khống chế ông Bùi Minh Lý và mời công an đến làm việc.
Ông Bùi Minh Lý nhớ lại: “Hôm đó đúng ngày 19 tháng Chạp, tôi đi mua đồ về cúng tổ theo lời cha dặn, rồi lên Sài Gòn đón vợ làm tóc ở khu vực cư xá Thanh Đa như thường lệ. Khi tôi đến một đường hẻm thông ra đường D2, quận Bình Thạnh, TPHCM thì tự dưng bị người ta ép xe vào lề, sau đó giải lên công an vì nói tôi là cướp. Tôi bảo đi thì đi chớ sợ gì. Xong lên đến trụ sở Công an phường 25, quận Bình Thạnh thì tôi bị bắt nhốt luôn”.
Hơn 2 tháng sau, ông Bùi Minh Lý mới gặp được luật sư Nguyễn Minh Tâm (Đoàn luật sư TPHCM) để nhờ kêu oan. Hơn 1 năm sau, tháng 7/2015, ông Bùi Minh Lý vẫn bị kết án 3 năm tù giam với tội danh cướp giật tài sản do TAND quận Bình Thạnh tuyên phạt.
Luật sư Nguyễn Minh Tâm và ông Bùi Minh Lý tiếp tục kêu oan. Đến tháng 9/2015, tòa phúc thẩm đã hủy án, trả hồ sơ để điều tra lại. Quá trình pháp lý liên quan đến vụ việc vẫn tiếp tục diễn ra với nhiều lần tòa án trả hồ sơ, nhưng ông Bùi Minh Lý vẫn phải chịu cảnh tù giam, đến ngày 1/6/2016 mới được cho tại ngoại.
Nghĩa là ông Bùi Minh Lý bị bắt giam oan uổng 850 ngày. Và phải mất hơn 2 năm sau, ông Bùi Minh Lý mới được xóa bỏ tư cách bị can khi cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án vào ngày 31/7/ 2018.
Ông Bùi Minh Lý muốn được bồi thường thiệt hại 3,8 tỷ đồng cho những án oan mà mình phải gánh chịu, với tâm sự: “Tổn thất tinh thần và nếu quy ra ngày công của mình thì chắc là người ta không trả nổi đâu. Nhưng việc này vẫn còn phải thỏa thuận, căn cứ theo quy định của Nhà nước nữa nên giờ cũng không nên nói sớm làm gì. Quan trọng nhất trước mắt là việc được xin lỗi tại địa phương để có lại được thanh danh”.
Thạc sĩ luật Nguyễn Nông kiến nghị giải pháp để hạn chế và chấm dứt án oan tại Việt Nam: Việc người vô tội bị oan phải được nhìn nhận là một hiện tượng xã hội - pháp lý, do đó để xảy ra việc người vô tội bị oan đều có nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Nguyên nhân khách quan, trước hết và quan trọng là ở phương diện quy định của pháp luật. Nguyên nhân chủ quan, cần xem xét ở góc độ người tiến hành tố tụng và bản thân người bị oan cũng như người tham gia tố tụng khác.
Trong mối quan hệ với nhau, dù cân, đong, đo, đếm như thế nào thì nguyên nhân chủ quan vẫn là nguyên nhân trực tiếp, quyết định tới việc để làm oan người vô tội. Xét về nguyên nhân khách quan, trước hết cần nhìn nhận có một thực trạng hiện nay là trên phương diện quy định của pháp luật và thực thi pháp luật, có nhiều quy định của pháp luật đã không được thi hành nghiêm túc.
Pháp luật tố tụng hình sự cần có quy định quyền của người bị bắt, bị tạm giữ có quyền yêu cầu có người bào chữa, có người đại diện hợp pháp cho mình; khi đó cơ quan tiến hành tố tụng phải có trách nhiệm mời người bào chữa cho người bị bắt, bị khởi tố và chỉ khi yêu cầu này của họ được đáp ứng thì họ mới có quyền khai báo. Đây chính là một khía cạnh của nguyên tắc về “quyền im lặng” của người bị bắt, người bị tình nghi, bị can, bị cáo.
Trong những trường hợp người bị bắt, bị tạm giữ hoặc bị khởi tố có yêu cầu người bào chữa hoặc người đại diện hợp pháp thì biên bản, tài liệu phản ánh về vụ án do cơ quan điều tra thu thập ngay từ thời điểm đầu tiên của quá trình tố tụng, bắt buộc phải có mặt và có ký xác nhận của người bào chữa hoặc người đại diện hợp pháp.
Về quan điểm này, chắc chắn sẽ có những ý kiến phản đối vì cho rằng nếu làm như vậy sẽ gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng trong việc xác minh, điều tra tội phạm.
Tuy nhiên, không thể vì lý do khó khăn mà chúng ta hạn chế quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm mà với nó, chắc chắn sẽ góp phần hạn chế việc làm oan người vô tội.