| Hotline: 0983.970.780

Giải pháp xử lý rác thải nông nghiệp

Thứ Tư 05/09/2012 , 10:31 (GMT+7)

Sở NN-PTNT, Sở TN-MT An Giang vừa tổ chức hội thảo “Thực trạng và giải pháp xử lý rác thải nông nghiệp” do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng chủ trì.

Sở NN-PTNT, Sở TN-MT An Giang vừa tổ chức hội thảo “Thực trạng và giải pháp xử lý rác thải nông nghiệp” do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng chủ trì. Hội thảo đã thu hút trên 150 đại biểu trong và ngoài tỉnh tham dự.

Báo cáo của Chi cục BVMT An Giang cho thấy một thực trạng đáng lo ngại: Từ năm 1985 đến nay, diện tích trồng trọt cả nước chỉ tăng 57%, nhưng lượng phân bón sử dụng tăng tới 517%. Năm 2000, lượng phân bón sử dụng khoảng 4 triệu tấn. Năm 2011, số lượng này tăng hơn gấp đôi (9 triệu tấn). Cũng trong vòng 10 năm, lượng thuốc BVTV tăng 2,5 lần, số loại thuốc đăng kí sử dụng tăng 4,5 lần. Nhưng ý thức sử dụng thuốc BVTV đảm bảo an toàn cho cộng đồng và môi trường... không tăng.

Cũng theo báo cáo, lượng thuốc BVTV cho 1 ha là 11,5 kg; trong đó, vỏ bao bì chiếm 1,7 kg/ha. Như vậy, trong năm 2011, chỉ tính diện tích SX của tỉnh An Giang là 662.500 ha, trong đó lúa trên 600.000 ha thì tổng khối lượng thuốc là trên 7.618 tấn, còn vỏ, bao bì thuốc BVTV thải ra môi trường hàng năm khoảng 1.126 tấn. Chỉ tính riêng lượng thuốc còn bám lại trên vỏ bao bì (chiếm gần 2% tỉ trọng bao bì) thì lượng thuốc này còn tồn đọng trong quá trình SX khoảng trên 20 tấn/năm.

Theo TS. Phạm Văn Toàn, Khoa Môi trường & tài nguyên thiên nhiên, Trường ĐH Cần Thơ, kết quả đo đạc dư lượng thuốc BVTV trong nước mặt ở trong ruộng và trong kênh nội đồng của một số loại thuốc được sử dụng phổ biến cho thấy dư lượng dao động từ 0,02-3,34 mg/l.

Điều này cho thấy, việc sử dụng thuốc ở khu vực này cao hơn so với những vùng khác trong nước. Trung bình số lần phun thuốc ở khu vực này 5,3 lần/vụ cao hơn đồng bằng sông Hồng 1 lần/vụ. Đồng thời, một vài loại thuốc đã cấm sử dụng vẫn còn phát hiện. Chẳng hạn, hoạt chất endosulfan, có phổ tác dụng rộng.

Ngoài việc thiếu ý thức của người dân trong việc sử dụng thuốc quá liều, đa phần là vứt bỏ bừa bãi vỏ, bao bì trên đồng ruộng; cũng cần phải lưu ý tới việc thiếu ý thức trách nhiệm của các đơn vị SX thuốc BVTV. Chính ra họ phải thực hiện trách nhiệm đối với sản phẩm của mình vì nhiệm vụ này đã được quy định tại khoản 1, điều 67 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 đã được Thủ tướng quy định về việc thu hồi, xử lí sản phẩm hết hạn sử dụng hoặc thải bỏ phải do chủ cơ sở SXKD, dịch vụ có trách nhiệm thu hồi sản phẩm đã hết hạn sử dụng hoặc thải bỏ.

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có văn bản dưới luật nào hướng dẫn cụ thể vấn đề này, nên đã gây rất nhiều khó khăn trong việc xử lí. Vì vậy, môi trường ngày càng bị gia tăng ô nhiễm bởi dư lượng hóa chất BVTV còn sót lại trên các vỏ, bao bì.

Một quy định về xử phạt trong ngành thủy sản khi cơ sở để lại chất độc hại có mức phạt lên đến đến 150-300 triệu đồng. Như vậy, việc chế tài nặng có ý nghĩa buộc DN phải quan tâm và giải quyết tốt vấn đề này cũng được đại biểu tham luận nêu ra. Vì nếu bị phạt một lần vài trăm triệu đồng thì chỉ vài lần là DN có thế phá sản nên họ phải có ý thức thu gom.

Đề xuất tới các giải pháp cho công tác quản lí chất thải nguy hại cũng có ý kiến cho rằng, ngoài giải pháp tuyên truyền giúp người dân biết được tác hại lâu dài của thuốc BVTV để có cách dùng đúng và cách xử lí rác thải nông nghiệp thích hợp, việc có ý kiến về trách nhiệm của các cơ sở kinh doanh cũng cần được làm rõ.

Có ý kiến nêu rằng, nên khuyến khích các Cty kinh doanh thuốc BVTV tham gia thu gom, xử lí vỏ chai, bao bì thuốc BVTV. Nhưng như vậy là chưa ràng buộc đủ mạnh đối với các Cty. Vì vậy, có ý kiến căn cứ vào Luật Môi trường (2005) đề nghị trước hết, cần ban hành cụ thể hơn nữa các văn bản pháp luật, hướng dẫn một cách chi tiết, cụ thể về thu hồi, xử lí bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng.

Ông Lê Văn Nưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang:

Hội thảo làm rõ được 4 vấn đề: (i) Hồi chuông cảnh báo về sự đe dọa của rác thải nông thôn. (ii) làm rõ thêm thực trạng và sự cần thiết phải bảo vệ môi trường. (iii) các giải pháp khá cụ thể, mang tính khả thi. (iv) giúp Nhà nước thấy được trách nhiệm trong công tác quản lí. Ông mong rằng, qua hội thảo chúng ta sẽ thực hiện được chương trình bảo vệ tài nguyên và nâng cao được ý thức gìn giữ môi trường trong cộng đồng.

Mặt khác, cần có biện pháp thích đáng hơn là buộc các đối tượng CSSX thuốc BVTV có bao bì, chất thải nguy hại đăng kí, cam kết thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lí đúng quy định theo văn bản pháp luật.

Về quản lí nhà nước, cũng cần định hướng công tác xây dựng các nhà máy xử lí chất thải nguy hại theo quy hoạch chất thải rắn tại các khu liên hợp xử lí chất thải rắn tập trung của tỉnh. Mặt khác, cũng cần có biện pháp cần tăng cường khả năng giảm thiểu, tái sử dụng, phân loại và tồn trữ chất thải nguy hại đúng quy định.

TS. Hồ Văn Chiến, GĐ Trung tâm BVTV phía Nam nói: “Nhìn chung, chúng ta làm chưa tốt công tác xử lí rác thải nông nghiệp. Bộ có quy định tất cả các Cty phải xây hố. Còn các ban ngành quản lí thuốc BVTV thì lúng túng trước các biện pháp xử lí đã thực hiện lâu nay, như chôn, đốt, bán ve chai… mà hiện nay các biện pháp này được xem là không tốt. Còn việc đưa vào lò đốt nhiệt độ cao thì vấn đề là ai thu gom, ai chịu chi phí đốt… khi các hố rác thải đã đầy mà không có ai thu gom…”.

Vì vậy, theo ông Chiến cần có những quy định trách nhiệm cho mỗi thành phần, đơn vị. Vần đề là đại lí làm cơ sở thu gom; còn các đơn vị SXKD bỏ tiền ra mua lại cho nông dân thu gom vỏ, bao bì. Nếu có sự liên đới hỗ trợ giữa nông dân và nhà SX thì việc giải quyết vấn đề xử lí rác thải không dừng lại ở phong trào, có tính hô hào mà có được hiệu quả thiết thực.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Tăng diện tích giống cực ngắn ngày cho vụ hè thu

Cục Trồng trọt khuyến cáo các địa phương phía Bắc tăng diện tích giống cực ngắn ngày cho vụ hè thu trước bối cảnh nắng nóng gay gắt của năm 2024.

Năng suất sắn tăng 30 - 50% nhờ tưới tiết kiệm

Tại Tây Ninh, áp dụng tưới tiết kiệm đã giúp cây sắn tăng năng suất từ 30 - 50% (đạt 40 - 50 tấn/ha), giảm 40% lượng nước tưới so với tưới tràn.