| Hotline: 0983.970.780

Giải quyết các mối nguy trong chăn nuôi gia cầm

Thứ Năm 15/08/2024 , 11:17 (GMT+7)

TIỀN GIANG Trong xu hướng chăn nuôi thông minh, nông dân chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ, tận dụng cơ hội, giải quyết thách thức và phát huy tiềm năng nâng cao sản lượng.

Thông qua lai tạo chọn lọc, người chăn nuôi có thể cải thiện các đặc điểm di truyền của vật nuôi và tăng năng suất của chúng. Ảnh: Minh Đảm.

Thông qua lai tạo chọn lọc, người chăn nuôi có thể cải thiện các đặc điểm di truyền của vật nuôi và tăng năng suất của chúng. Ảnh: Minh Đảm.

Thực tế cho thấy, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác giống đã đáp ứng nhu cầu của ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gia cầm nói riêng, hiệu quả đã lên đến 85 - 90%. Thông qua lai tạo chọn lọc, người chăn nuôi có thể cải thiện các đặc điểm di truyền của vật nuôi và tăng năng suất của chúng.

Hơn thế, các nhà khoa học đã ứng dụng di truyền phân tử để xác định được các gen cụ thể chịu trách nhiệm cho các đặc điểm mong muốn, cho phép các chương trình nhân giống có mục tiêu hơn.

Một trong những bước đột phá khoa học lớn nhất của thế kỷ XX là sự phát triển của thuốc kháng sinh trong kiểm soát bệnh do nhiễm trùng. Tuy nhiên, do lạm dụng hoặc sử dụng kháng sinh không đúng cách đã tạo ra mối nguy hiểm mới, đó là tình trạng kháng kháng sinh đã xuất hiện ở người và thú y. Vì vậy, sử dụng thảo dược và gia vị, đặc biệt là tỏi có thể mang lại thành công, lợi nhuận và khả năng thay thế kháng sinh trong chăn nuôi.

Là thủ phủ chăn nuôi gia cầm của ĐBSCL, ngành chăn nuôi này của Tiền Giang được sự quan tâm chỉ đạo của trung ương và địa phương, đặc biệt là người dân đam mê chăn nuôi, nhiều kinh nghiệm, chịu khó và ham học hỏi, quan tâm cập nhật thông tin, tiếp cận với các chủ trương, chính sách của nhà nước.

Nhà nông địa phương này rất mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ và định hướng liên kết sản xuất tiêu thụ nên ngành chăn nuôi có nhiều khởi sắc với tổng đàn đã phát triển khoảng hơn 16,5 triệu con. Trong đó, chăn nuôi quy mô trang trại (844 cơ sở) chiếm khoảng 61% tổng đàn với nhiều loài gia cầm đặc sản, sản phẩm mang tính hàng hóa, đặc biệt là gà đẻ công nghiệp.

Ngoài ra, chim yến cũng là loài gia cầm phát triển mạnh ở Tiền Giang, toàn tỉnh có 1.720 nhà yến với 19 tấn yến sào/năm, đứng hàng thứ 3 trong cả nước (sau tỉnh Kiên Giang và Bình Định). Trước những cơ hội trên, Tiền Giang đột phá phát triển đàn gia cầm theo hướng công nghệ cao.

Theo tiến sĩ Thái Quốc Hiếu, Phó Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi thú ý Tiền Giang, trước đây, nhà chăn nuôi ở Tiền Giang ứng dụng bán công nghệ về hệ thống chuồng lạnh từ hệ thống khử trùng, pha thuốc sát trùng đến silo thức ăn và các hệ thống (nước uống tự động, thu gom trứng, xử lý phân gia cầm bằng máy sấy, hấp, ủ hở...).

Chuồng nuôi khép kín, cho ăn tự động đảm bảo an toàn sinh học. Ảnh: Minh Đảm.

Chuồng nuôi khép kín, cho ăn tự động đảm bảo an toàn sinh học. Ảnh: Minh Đảm.

Nay, trong thiết kế chuồng trại, một số nhà chăn nuôi đang chuyển sang công nghệ cao với nhiều ưu điểm nổi bật, góp phần giảm rủi ro, hạ giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận. Điển hình như Trại gà Năm Hưởng đã áp dụng hệ thống điều khiển tự động bao gồm hệ thống ổn định nhiệt độ, quạt máy, dàn lạnh, băng tải cung cấp thức ăn, thu gom trứng, phân... Đối với phân gà, cơ sở có bồn ủ theo hướng hữu cơ để cung cấp cho nhà vườn thu về lợi nhuận gia tăng.

Bên cạnh đó, việc phòng bệnh cho gia cầm được Chi cục Chăn nuôi Thú y Tiền Giang ứng dụng công nghệ phân tử (PCR) thường xuyên giải trình tự gen của các loại virus gây bệnh trên vật nuôi trong các ổ dịch của địa phương. Đặc biệt là virus có tính biến chủng mạnh như virus cúm gia cầm nhằm xác định đặc điểm di truyền của virus gây bệnh cúm trên gà để đối chiếu với virus cúm chứa trong vacxin.

Qua đó, Chi cục khuyến cáo sử dụng vacxin phòng bệnh cúm trên gà phải có sự tương đồng với virus gây bệnh trên gà tại thực địa. Đối với bệnh cúm gia cầm (CGC) vacxin được khuyến cáo sử dụng là vacxin CGC Navet-Fluvac 2, vacxin CGC Re-5, vacxin CGC Re-6, vacxin CGC K-New H5, vacxin CGC H5 vô hoạt chủng D7 và rD8 và vacxin CGC H5 vô hoạt Medivac AI.

Chăn nuôi gia cầm Tiền Giang tiếp cận chủ trương chính sách của tỉnh, ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi và tạo chuỗi liên kết sản xuất để tạo vùng nguyên liệu sản phẩm, chuỗi liên kết tiêu thụ để mở rộng thị trường đầu ra, chính là chìa khóa vàng thành công.

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Dưa chuột nếp Hà Trung giòn, thơm, ngọt mát

THANH HÓA Giống dưa chuột nếp Hà Trung trồng theo hướng VietGAP giòn, thơm, ngọt mát, nông dân đạt lợi nhuận cao hơn các ruộng sản xuất bên ngoài từ 18 - 20%.

Phê duyệt Đề án công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Ngày 24/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1639/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đến năm 2030.