| Hotline: 0983.970.780

Tái cơ cấu chăn nuôi ở Tiền Giang: Nông dân chuyển hướng nuôi gia cầm

Thứ Hai 14/09/2020 , 08:21 (GMT+7)

Hiện nay, Tiền Giang có 16,7 triệu con gia cầm, tăng 12% so với cùng kỳ. Do có khó khăn trong tái đàn lợn nên nông dân chuyển mạnh sang chăn nuôi gia cầm.

Cơ hội để tái cơ cấu chăn nuôi lợn

Hiện nay, tình hình dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) có xu hướng diễn biến phức tạp ở các địa phương và có thể bùng phát trở lại bất cứ thời điểm nào. Điển hình như sau khi một số địa phương công bố “vắng bóng” DTLCP thì đến nay lại phát hiện dịch bệnh này.

Tỉnh Tiền Giang trước khi xuất hiện DTLCP có tổng đàn lợn đứng nhất nhì ở ĐBSCL, dao động trong khoảng 600 nghìn con. Năm 2019 trên địa bàn toàn tỉnh ghi nhận gần 6.400 hộ có lợn mắc bệnh DTLCP với tổng đàn trên 184 nghìn con tại 153 xã, phường, thị trấn.

Ngành chức năng tỉnh Tiền Giang đã tiêu hủy trên 167 nghìn con của trên 6.000 hộ có lợn mắc bệnh DTLCP với trọng lượng trên 10 nghìn tấn. Riêng những tháng đầu năm 2020, tình hình dịch có xu hướng giảm, nguyên nhân do người dân đã giảm quy mô đàn vật nuôi.

Người dân xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo tái đàn lợn. Ảnh: Minh Đảm.

Người dân xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo tái đàn lợn. Ảnh: Minh Đảm.

Sau thời gian dài không có dịch bệnh thì nay một số địa phương trong tỉnh đã có dịch bệnh xuất hiện trở lại. Do đó, công tác tái đàn gặp nhiều khó khăn. Đàn lợn giảm đáng kể so cùng kỳ do dịch bệnh, đến ngày 1/8/2020, đàn lợn chỉ còn khoảng gần 250 ngàn con, giảm 42% so với cùng kỳ, và giảm trên 50% so với đỉnh điểm.

Nguyên nhân được ngành chức năng nhận định: Hiện nay, DTLCP còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn và xảy ra trên diện rộng, con giống không đảm bảo. Bên cạnh đó, một số hộ chăn nuôi thua lỗ trước đây chuyển sang vật nuôi khác, giá thịt lợn hơi liên tục biến động và người chăn nuôi không dự đoán được thị trường nên rất lo lắng khi tái đàn.

Khảo sát thực tế tại xã Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo, lãnh đạo UBND xã này cho biết: Đến nay, đàn lợn trên địa bàn chỉ còn trên 4 nghìn con. Công tác tái đàn gặp nhiều khó khăn. Đối với các trang trại chăn nuôi lớn, một số hộ còn vốn tái đàn thì vẫn duy trì và phục hồi lại được. Tuy nhiên, những hộ nuôi nhỏ lẻ thì cạn vốn nên không thể tái đàn.

Việc không thể tái đàn lợn, dẫn đến giá thịt lợn tăng cao do nguồn cung hạn chế bước đầu ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Tuy nhiên, nhìn ở phương diện tích cực không ít chuyên gia, ngành chức năng cho rằng: Đây là cơ hội để tái cơ cấu lại lĩnh vực chăn nuôi lợn một cách mạnh mẽ, theo hướng giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ, tiến tới chăn nuôi ở quy mô lớn an toàn sạch bệnh, ổn định lâu dài.

Đàn gia cầm tăng 1,7 triệu con

Đến nay, chăn nuôi gia cầm của tỉnh Tiền Giang đang chuyển dịch theo hướng tăng trưởng mạnh. Theo thống kê của Cục Thống kê tỉnh, đến nay đàn gia cầm (không bao gồm chim cút) đã đạt 16,7 triệu con, tăng 12,7% so cùng kỳ và tăng 1,7 triệu con so với đầu năm 2020.

Vừa qua, do ảnh hưởng của việc không thể tái đàn lợn, bên cạnh một số nông hộ đã từ bỏ chăn nuôi thì một số nông hộ đã chuyển từ nuôi lợn sang nuôi gia cầm. Điển hình là tại xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo là xã có đàn lợn lớn nhất huyện Chợ Gạo.

Mô hình nuôi gà tre hướng thịt phát triển mạnh ở xã Xuân Đông gần đây. Ảnh: Minh Đảm.

Mô hình nuôi gà tre hướng thịt phát triển mạnh ở xã Xuân Đông gần đây. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Nguyễn Văn Mười, Chủ tịch UBND xã Xuân Đông cho biết: Trước khi DTLCP xuất hiện xã có đàn lợn rất lớn, lên tới 50 nghìn con. DTLCP đã “cuốn bay” 550 tấn lợn, giá trị trên 6,2 tỷ đồng. Do ảnh hưởng của dịch bệnh nhiều hộ chăn nuôi, trang trại rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Nhiều gia đình lâm nợ, một số trang trại phải “thay tên đổi chủ”.

Đàn lợn hiện nay của xã chỉ còn khoảng 15 nghìn con. Số trang trại lớn giảm từ 89 xuống còn 24 trang trại. Hộ nuôi nhỏ lẻ chỉ còn khoảng 250 hộ, giảm trên 50%.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Chợ Gạo, hiện đàn gia cầm của huyện đạt khoảng 6,3 triệu con. Huyện tập trung phát triển 3 nhóm chính là chim cút, gà ác và gà thả vườn. Riêng gà ác, tổng đàn đạt khoảng 2 triệu con, chim cút đạt 1,2 triệu con. Còn lại là các nhóm gà Lương Phượng, gà Bến Tre. Đàn gia cầm tập trung tại các xã Bình Phục Nhứt, Mỹ Tịnh An, Phú Kiết.

Nhiều hộ không ngồi nhìn cảnh “phơi” chuồng nên đã chuyển sang chăn nuôi gà tre, kiếm sinh kế mới. Hiện nay, xã Xuân Đông có đàn gà tre phát triển lên đến gần 500 nghìn con.

Theo ông Mười, nếu nuôi đạt, mỗi một nghìn con gà tre có thể lãi từ 15 triệu đồng trở lên. Vì vậy, số hộ chăn nuôi gà tre phát triển nhanh. Quy mô nuôi từ 2 nghìn con mỗi đợt.

Gia đình chị Nguyễn Thị Phụng Quyên ở ấp Tân Hoà, xã Xuân Đông nuôi 2 nghìn con gà tre đang chuẩn bị xuất chuồng cho biết: “Trước đây, gia đình tôi có nuôi heo nhưng lo ngại dịch bệnh tái phát nên không dám nuôi lại, bây giờ quay sang nuôi gà tre. Ở đây, khá nhiều hộ nuôi gà tre và được thương lái ở các tỉnh đến mua với giá ổn định nên gia đình cũng học hỏi đầu tư chăn nuôi gà tre”.

Theo anh Thái Hoàng Minh, chủ một trang trại chăn nuôi gà thịt và gà lấy trứng trên 100 nghìn con ở cùng ấp Tân Hoà cho biết, giá gà dao động lên xuống theo thị trường nhưng do chất lượng thịt gà tre ngon hơn các loại gà khác nên được người tiêu dùng ưa chuộng.

Giá gà thường dao động ở mức 60-90 nghìn đồng/kg, tuỳ thời điểm. Chi phí chăn nuôi mỗi con gà khoảng 40 nghìn đồng. Mỗi lứa nuôi kéo dài 3,5 tháng, trọng lượng bình quân mỗi con đạt từ 800 – 900 gram. Ở mức giá hiện nay rơi vào khoảng 60-62 nghìn đồng/kg gà tre, người nuôi có kỹ thuật tốt, hao hụt ít, có thể lãi từ 8.000 đồng/con.

Cũng theo anh Minh, nghề nuôi gà tre ở xã Xuân Đông khởi đầu cách đây khoảng 5 năm. Đặc biệt, 2 năm nay do ảnh hưởng của DTLCP nên nghề nuôi gà tre phát triển mạnh hơn. Các thương lái biết và tìm đến mua gà ngày một nhiều hơn. Mỗi ngày có trên 10 chuyến xe tải lớn ra vào xã để mua hàng chở đi tiêu thụ tại các nơi, nhất là TP HCM.

Do người nuôi gà tre ngày càng nhiều nên sản lượng đáp ứng nhu cầu thị trường đã gần cân bằng, giá cả đã giảm so với trước đây. Tuy thị trường gà tre đang bão hoà nhưng người nuôi gà ở xã Xuân Đông có kỹ thuật tốt nên lợi nhuận vẫn giữ được ở mức khá, nghề chăn nuôi ổn định.

Tái cơ cấu theo hướng tập trung, quy mô lớn

Ngành chăn nuôi của tỉnh Tiền Giang nói riêng, ĐBSCL nói chung đang bước vào thời kỳ tái cơ cấu mạnh mẽ. Tuỳ vào thế mạnh của tỉnh mà từng địa phương xác định vật nuôi chủ chốt để đầu tư. Như tại Trà Vinh, Sóc Trăng, ... gia súc lớn là một lợi thế để tập trung đẩy mạnh phát triển.

Riêng tại tỉnh Tiền Giang, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh xác định tái cơ cấu lĩnh vực chăn nuôi đa con chủ yếu là lợn và gia cầm. Định hướng tái cơ cấu là chuyển dần chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi tập trung, áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm hạn chế gây ô nhiễm môi trường. 

Mô hình nuôi gà nòi lai hướng trứng tại huyện Chợ Gạo. Ảnh: Minh Đảm.

Mô hình nuôi gà nòi lai hướng trứng tại huyện Chợ Gạo. Ảnh: Minh Đảm.

Định hướng đến năm 2025, quy mô đàn lợn của Tiền Giang sẽ đạt 640 nghìn con và trên 700 nghìn con vào năm 2030.

Trước những biến động trên thị trường tiêu thụ thịt lợn vừa qua, Tiền Giang đang nỗ lực biến khó khăn thành cơ hội nhằm thực hiện thành công chủ trương tái cơ cấu lĩnh vực chăn nuôi lợn mà trọng tâm là khắc phục tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ nông hộ, hình thành các tổ hợp tác và hợp tác xã chăn nuôi lớn hoặc mô hình trang trại chăn nuôi quy mô, liên kết theo chuỗi giá trị, an toàn và truy xuất nguồn gốc, quy hoạch các khu chăn nuôi tập trung.

Trong chăn nuôi gia cầm, Tiền Giang cũng xác định tập trung các vật nuôi mang lợi thế của địa phương như gà ta Gò Công, gà ác và chim cút. Đối với chim cút năm 2020, mục tiêu tỉnh Tiền Giang phát triển lên 2 triệu con (năm 2018 đạt 1,6 triệu con). Với con gà ác và gà ta Gò Công, tổng đàn hiện nay đã trên 3 triệu con, đạt tỷ lệ khoảng 27% tổng đàn gà của tỉnh.

Để phát triển chăn nuôi trước tình hình ngày càng khó khăn do dịch bệnh diễn biến phức tạp và giá bán không ổn định, tỉnh Tiền Giang đang tái cơ cấu lĩnh vực chăn nuôi theo hướng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn. Theo đó, UBND tỉnh đã quy hoạch 200 ha ở xã Thạnh Hoà, huyện Tân Phước và kêu gọi đầu tư phát triển chăn nuôi công nghệ cao.

Khu quy hoạch chăn nuôi công nghệ cao này đáp ứng các yêu cầu về hạ tầng, môi trường, nguồn lao động. Trong đó hệ thống đường giao thông, điện, nước đã cơ bản hoàn thành, bảo đảm phục vụ tốt cho lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm áp dụng quy trình chăn nuôi công nghệ cao.

Ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển chăn nuôi theo mô hình chuỗi giá trị, an toàn vệ sinh thực phẩm khép kín từ trang trại đến bàn ăn, có đầu ra ổn định.

Xem thêm
Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Tiền Giang phát động Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp

Sau phát động, các ngành, các cấp cần cụ thể hóa thành kế hoạch với những nhiệm vụ, giải pháp linh hoạt, sáng tạo, tổ chức thực hiện thắng lợi Đề án.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.